Một máy bay quân sự của Hoa Kỳ chở Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc vào ngày 2/8/2022. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

 

Chuyên cơ mang số hiệu SPAR19 chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chính thức hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, Đài Loan vào 22:45 phút tối thứ Ba (02/08). Chuyến thăm lịch sử này bất chấp mọi đe doạ trước đó của Trung Quốc có thể cắt đứt quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

 

Khi chuyên cơ mang số hiệu SPAR19 chở Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ-California) đáp xuống Đài Bắc vào khoảng 22:45 tối theo giờ địa phương, cũng là lúc nó đánh dấu thời khắc lịch sử khi một quan chức cấp cao nhất của Hạ viện Mỹ công du đến đảo quốc kể từ chuyến viếng thăm gần nhất của Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich vào năm 1997.

 

Các đồn đoán xuất hiện trong nhiều tuần rằng bà Pelosi sẽ đến Đài Loan như một phần của chuyến công du châu Á. Văn phòng của bà trước đó đã thông báo rằng bà sẽ đến Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản - nhưng không đề cập đến Đài Loan.

 

Chuyến bay thu hút sự chú ý của đông đảo người dân trên toàn thế giới, với hơn 300.000 lượt theo dõi đồng thời trên nền tảng theo dõi thông tin chuyến bay Flightradar24.

Máy bay chở bà Pelosi đã hạ cánh xuống sân bay ở Đài Bắc.(Ảnh: FLIGHTRADAR)

 

Theo dữ liệu từ Flightradar24, chuyến bay SPAR19 không đi thẳng tới Đài Loan từ Malaysia mà đánh một đường vòng sang gần Philippines. Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng chuyến bay dường như cố gắng tránh hoạt động đánh chặn của quân đội Trung Quốc (PLA).

 

Khoảng 10 phút trước giờ đáp dự kiến, trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24 tiếp tục bị sập. Trước đó, trang theo dõi máy bay này đã nhiều lần không thể truy cập. Flightradar24 thông tin trên Twitter là sập do lưu lượng truy cập theo dõi chuyến bay quá nhiều.

 

Chuyến thăm được báo cáo đã làm gia tăng căng thẳng ở cả hai bên khu vực Thái Bình Dương. Tổng thống Biden ngày 20/7 nói  rằng quân đội Hoa Kỳ tin rằng chuyến đi của bà Pelosi tới Đài Loan "không phải là một ý tưởng hay ở thời điểm này". Tuy nhiên, các thành viên của Quốc hội Mỹ đã phản ứng bằng cách đồng thanh ủng hộ Chủ tịch Hạ viện - bao gồm cả Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hoà-Kentucky), người nói rằng bà Pelosi sẽ trao cho Trung Quốc "một chiến thắng lịch sử" nếu bà ấy hủy bỏ chuyến thăm.

 

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (thứ hai, bên trái) rời Khách sạn Shangri-La sau buổi tiệc chiêu đãi do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức tại Singapore vào ngày 1/8/2022. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)

 

Bắc Kinh đã nhiều lần nói rõ rằng họ sẽ xem chuyến thăm của Pelosi như một sự chứng thực cho nền độc lập của Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai (01/08) cho biết quân đội của họ sẽ "không ngồi yên" nếu bà Pelosi đến Đài Loan.

 

“Chúng tôi muốn nói với Hoa Kỳ một lần nữa rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ không bao giờ ngồi yên và Trung Quốc sẽ có những phản ứng kiên quyết và các biện pháp đối phó mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho hay.

 

Hôm thứ Hai (01/08), phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, John Kirby, nhấn mạnh rằng chuyến thăm của bà Pelosi không có ý nghĩa đặc biệt.

 

Điều phối viên Truyền thông Chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia, John Kirby, phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 27/07/2022 ở Washington, DC.

 

“Không có gì thay đổi”, ông nói với các phóng viên. “Việc một Chủ tịch Hạ viện đến Đài Loan không phải là không có tiền lệ. Việc bà ấy thực hiện chuyến thăm, tôi không xác nhận rằng bà ấy có đi hay không, chắc chắn không phải không có tiền lệ khi các thành viên Quốc hội muốn đến Đài Loan. Nó đã được thực hiện trong năm nay, và tôi chắc chắn rằng nó sẽ được thực hiện trong tương lai".

 

Ông Kirby nói thêm “Chúng tôi không có hứng thú… [trong việc] gia tăng căng thẳng ở khu vực này".

 

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Biden vào tuần trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Mỹ về hậu quả của chuyến thăm tiềm năng của bà Pelosi.

 

“Lập trường của chính phủ và người dân Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan là nhất quán, và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là ý chí kiên định của hơn 1,4 tỷ người dân Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Năm tuần trước.

 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo ông Biden rằng, Hoa Kỳ đang "đùa với lửa" nếu vẫn muốn duy trì mối quan hệ với Đài Loan.

 

Trong một cuộc họp khác, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đe dọa sẽ “bắt đầu một cuộc chiến bằng bất kể giá nào” để ngăn thế giới công nhận nền độc lập của hòn đảo.

 

Bất chấp sự phản đối không ngừng của ĐCSTQ, giới lãnh đạo Mỹ và các nhân vật công chúng đã đồng lòng ủng hộ bà Pelosi và chuyến thăm của bà tới Đài Loan. Hơn nữa, ban lãnh đạo Ngũ Giác Đài đã khẳng định, họ sẽ không để cho sự đe dọa của Bắc Kinh ảnh hưởng đến việc di chuyển tự do của các quan chức Hoa Kỳ.

 

 

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, John Kirby, nói trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN: “Chúng ta không nên bị đe dọa bởi những lời hùng biện hoặc những hành động tiềm tàng đó".

Ông Kirby khẳng định "Đây là một chuyến đi quan trọng đối với Chủ tịch Hạ viện Mỹ, và chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ bà ấy".

 

ĐCSTQ khẳng định rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của đại lục. Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ bị kiểm soát bởi ĐCSTQ. Hòn đảo đã liên tục duy trì nền độc lập trên thực tế.

 

Hoa Kỳ không duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan vì thừa nhận quan điểm của Trung Quốc. Nhưng về mặt pháp lý, Washington có nghĩa vụ cung cấp vũ khí cho hòn đảo này để tự vệ. Liên quan đến nguy cơ Trung Quốc xâm chiếm hòn đảo, Hoa Kỳ duy trì một chính sách được gọi là “sự mơ hồ chiến lược”, trong đó họ không công khai thừa nhận liệu họ có bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự hay không.

 

Vì mục tiêu đó, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-Wen) đã tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược của Trung Quốc và bảo vệ lối sống dân chủ và nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ của hòn đảo.

 

Chuyến thăm của bà Pelosi, bất chấp sự tuyên truyền của ĐCSTQ, không nằm ngoài chính sách của Hoa Kỳ hoặc thực tế lâu đời của mối quan hệ không chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Các thành viên của Quốc hội Mỹ thường xuyên đến thăm Đài Loan để thảo luận về vô số vấn đề. Một phái đoàn Thượng viện đã đến thăm Đài Loan lần cuối vào tháng Bảy.

(ntdvn.net; Huyền Anh - Theo NYPost)