Tòa nhà J. Edgar Hoover của FBI ở Washington, DC, vào ngày 3 tháng 4 năm 2019. (Eric Baradat/AFP qua Getty Images)

 

 

 

HOA KỲ - Vào tháng 5/2023, tại Quận Cam, ngoại ô New York, FBI đã thực hiện một cuộc truy bắt đặc vụ nước ngoài, liên quan đến âm mưu của chính quyền Trung Quốc và cuộc đàn áp, bức hại đức tin tại Trung Quốc.

 

Trần Quân và Lâm Phong là hai người đàn ông Trung Quốc có vẻ bình thường, đến từ Los Angeles. Một trong những mục đích của họ là hối lộ một nhân viên Sở Thuế vụ (IRS) của Mỹ để nhân viên này làm đặc vụ nội bộ nhằm trấn áp một tổ chức phi lợi nhuận do các học viên Pháp Luân Công thành lập. Một mục đích khác là theo dõi các học viên Pháp Luân Công ở Quận Cam, New York và bí mật thu thập thông tin của họ để chuẩn bị cho một kế hoạch tiêu diệt Pháp Luân Công khác. Những hành động này là vì lợi ích của chính quyền Trung Quốc và là một phần của âm mưu lâu dài.

 

Vào ngày Chủ nhật đen tối, ngày 14/5 năm ngoái, ba người đã bí mật gặp nhau tại một nhà hàng ở Newburgh, Quận Cam, New York. Trần Quân ngồi đối diện với F, nhân viên Sở Thuế vụ. Người thứ ba là Lâm Phong, vệ sĩ và tài xế của Trần Quân.

 

Trần Quân tiếp cận F và nói: “Chúng tôi có một kế hoạch. Nếu bạn có thể giúp chúng tôi xử lý các tài liệu báo cáo, thúc đẩy IRS kiểm toán tổ chức [của học viên] Pháp Luân Công ở đây và hủy bỏ tư cách phi lợi nhuận của họ, bạn sẽ nhận được khoản tiền 50.000 đô-la Mỹ. Trước tiên tôi sẽ trả cho bạn 10%, 5.000 USD, làm vốn khởi nghiệp”.

 

F hỏi, "chúng ta" còn ai nữa? Trần Quân nói rằng ông đang hành động thay mặt cho chính quyền Trung Quốc, hay chính là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

 

Trần không biết rằng F đã ghi âm cuộc trò chuyện của họ. Anh này là một đặc vụ chìm tại văn phòng New York của Cục Điều tra Liên bang (FBI), chịu trách nhiệm điều tra phản gián. Những bằng chứng anh thu thập được đều rất quan trọng.

 

Thấy F không phản đối, Trần ra hiệu cho F theo mình ra khỏi quán rồi ngồi vào ghế sau xe của F. Ở đó, Trần đã đưa một xấp tiền một trăm đô-la — tổng cộng là 1.000 đô-la — như một khoản hối lộ ban đầu.

 

Sau khi trở lại nhà hàng, họ bàn về cách thanh toán số tiền còn lại. Trần Quân nhấn mạnh rằng tuyệt đối không được thanh toán qua hệ thống tài chính Hoa Kỳ, chỉ có thể tự tay chuyển/nhận tiền để không để lại dấu vết. Lâm Phong đồng ý sẽ quay lại Los Angeles để lấy 4.000 đô la và bay đến New York một lần nữa, đây là số tiền còn lại của khoản thanh toán đầu tiên 5.000 đô la. Trần Quân nói thêm rằng nếu việc tố cáo thành công, Sở Thuế sẽ thưởng, đến lúc đó ông ta và F sẽ chia nhau, trong đó 60% cho F.

 

 

Trần Quân (trái), Lâm Phong (phải). (Ảnh: The Epoch Times tổng hợp)

 

 

Đáp lại lời kêu gọi của ĐCSTQ - Luôn theo Đảng

 

Sau khi rời khỏi nhà hàng, Lâm Phong chở Trần Quân về khách sạn. Ngày hôm sau, họ sẽ đến văn phòng IRS ở New Windsor, New York để có cuộc gặp chính thức với F để hoàn tất các thủ tục IRS cần thiết, nếu không đơn tố cáo của ông ta sẽ không thể được tiếp tục xử lý.

 

Trần Quân năm nay đã 70 tuổi, là chủ tịch sáng lập Hiệp hội Thiên Tân Los Angeles và là người sáng lập nhiều tổ chức thân ĐCSTQ ở Nam California. Ông từng đảm nhiệm hơn chục chức vụ trong mặt trận thống nhất, chẳng hạn như chủ tịch Liên đoàn Các Hiệp hội người Hoa; Giám đốc Hiệp hội Hữu nghị Hải ngoại; Thành viên Hải ngoại Trung Quốc của Liên đoàn Hoa kiều; cố vấn của Liên đoàn Hoa kiều Thiên Tân; phó chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Hải ngoại Thiên Tân, v.v. Ông luôn khao khát trở thành nhân vật lãnh đạo trong các nhóm thân ĐCSTQ ở Los Angeles.

 

 

Những bức ảnh sao lưu vào iCloud của Trần Quân cho thấy ông thường được mời tham gia các hoạt động chính thức của ĐCSTQ, bao gồm cả các cuộc duyệt binh. (Ảnh chụp màn hình tài liệu tòa án)

 

 

 

Năm 2021, ông được Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ mời tham dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng ở Bắc Kinh. Sau đó, ông đăng một bài báo có chữ ký trên trang web chính thức của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban thành phố Thiên Tân rằng, "ĐCSTQ là niềm tự hào của những người con Trung Quốc ở hải ngoại"; mô tả lời kêu gọi của Tập Cận Bình rằng, "tất cả các đảng viên ĐCSTQ! Trung ương Đảng kêu gọi các bạn...".

 

 

Các bức ảnh sao lưu vào iCloud của Trần Quân cho thấy Trần Quân (trái) thường được mời tham gia các hoạt động chính thức của ĐCSTQ, trong đó có lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ. (Ảnh chụp màn hình tài liệu tòa án)

 

 

Ông bày tỏ lòng trung thành của các đảng viên đối với ĐCSTQ: “Mỗi đảng viên ĐCSTQ cần kiên quyết hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, không quên mục đích ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh, tích cực tham gia công cuộc mới”, phấn đấu đạt kết quả tốt. Tuy tôi đã gần 70 tuổi nhưng tinh thần chiến đấu của tôi vẫn kiên cường… Tôi sẽ luôn theo Đảng, cuộc đời tôi sẽ không bao giờ kết thúc, và cuộc chiến của tôi sẽ không dừng lại!".

 

 

Trần Quân hiểu rõ rủi ro khi hối lộ nhân viên Sở Thuế vụ Hoa Kỳ, và mục đích thực sự của kế hoạch này là lợi dụng thủ tục pháp lý của Hoa Kỳ để đàn áp các học viên Pháp Luân Công, đây chính là ý đồ của chính quyền Trung Quốc. Trên thực tế, ông ta biết rõ rằng đây là hành vi bất hợp pháp. Do đó, gần đây ông ta đã cho thuê căn nhà duy nhất được biết đến của mình ở Hoa Kỳ, chuẩn bị sau khi mọi việc hoàn thành sẽ lập tức trở về nước để trốn tránh.

 

 

 

Âm mưu hối lộ để đàn áp Pháp Luân Công

Vậy Trần Quân đã gặp F như thế nào? Theo tài liệu của tòa án, bốn tháng trước khi bí mật gặp F, Trần Quân đã gọi điện thoại cho Q để bàn về kế hoạch hối lộ nhân viên IRS. Ông ta đề xuất sử dụng hệ thống tố cáo của IRS để tạo dựng thông tin sai lệch nhằm tấn công một tổ chức phi lợi nhuận do các học viên Pháp Luân Công thành lập ở miền Đông Hoa Kỳ.

 

Trần Quân cũng không biết Q là mật vụ FBI. Anh ta hỏi Q liệu có thể liên hệ với nhân viên nội bộ IRS để hỗ trợ việc này hay không và hứa rằng nếu có thể "mở đường" tại IRS, chính quyền Trung Quốc sẽ thưởng hậu hĩnh. Mục tiêu cuối cùng là giúp chính quyền Trung Quốc "đánh bại" Pháp Luân Công.

 

Q nói rằng anh ta quen F (thực ra là mật vụ FBI). Trần Quân lập tức nói rằng sau khi hoàn thành công việc thì "lãnh đạo sẽ trọng thưởng".

 

Đầu tháng 2, Trần Quân gửi tài liệu tố cáo giả mạo đến văn phòng F thuộc Sở Thuế New Windsor ở New York. Ngày 8/2, Trần nói với Q rằng cấp trên của ông ta muốn nói chuyện trực tiếp với F, nhưng phải giữ bí mật danh tính và không tiết lộ bộ phận cụ thể. Ông ta giải thích rằng: "Chúng tôi không muốn đi chệch hướng và làm hỏng mọi chuyện".

 

Ông ta đặc biệt dặn dò Q: không được nói về tiền, không được để lại bất kỳ dấu vết nào để tránh phiền phức sau này.

 

 

 

Về Trung Quốc trình báo, đưa hối lộ vào Mỹ

Ngày 10/2/2023, Trần Quân bay về Trung Quốc để báo cáo. Ngày 19/2, Trần Quân từ Trung Quốc sử dụng tin nhắn thoại WeChat nói với Q rằng cần thu thập thông tin về F vì lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đang cân nhắc hợp tác với F và cần thêm thông tin về F.

 

Trần Quân không chỉ có mối quan hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc mà còn có xuất thân từ quân đội. Ông ta tốt nghiệp trường Ngoại ngữ Thiên Tân năm 1969 với chuyên ngành tiếng Anh. Ngôi trường này được thành lập vào năm 1964 theo chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai, nhằm đào tạo nhân tài ngoại giao; đa số sinh viên tốt nghiệp đều vào Bộ Ngoại giao, các bộ phận ngoại thương, báo chí của nhà nước.

 

Sau khi tốt nghiệp, Trần Quân tham gia quân đội vào năm 1969, khi phong trào "lên núi về quê" bắt đầu, phục vụ trong Sư đoàn 46 Không quân Trung Quốc trong sáu năm, đóng quân tại Căn cứ huấn luyện thứ 20 của Ủy ban Khoa học, Kỹ thuật và Quốc phòng, tức là Căn cứ thử nghiệm tên lửa Tửu Tuyền ở Cam Túc. Năm 1975, Trần chuyển sang làm việc cho một công ty ngoại thương, từng là Đại diện Thương mại Tổng Lãnh sự quán Thiên Tân tại Bờ Tây Hoa Kỳ. Năm 1992, Trần di cư sang Hoa Kỳ. Người ta nói rằng Trần có thẻ xanh diện Lục Tứ sau khi đến Mỹ. Sau khi nhập quốc tịch Hoa Kỳ, Trần có "Thẻ thường trú nhân nước ngoài" hay còn gọi là thẻ xanh Trung Quốc. Theo quy định, người sở hữu thẻ này phải có thời gian cư trú tích lũy tại Trung Quốc ít nhất ba tháng mỗi năm.

 

Nhiều năm qua, Trần Quân luôn thay mặt chính quyền Trung Quốc tổ chức các hoạt động như: biểu tình phản đối CNN; sự trở lại của Hồng Kông; việc Nhật Bản gia nhập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; các vấn đề nhân quyền của người Tây Tạng; rước đuốc Olympic; "Bài ca đỏ", Buổi hòa nhạc kỷ niệm 80 năm Chiến thắng Trường chinh của Hồng quân Công Nông Trung Quốc, v.v. Việc tổ chức người dân Trung Quốc ủng hộ ĐCSTQ đã giúp Trần giành được sự ưu ái của lãnh sự quán Trung Quốc và các quan chức đại lục.

 

Vào ngày 7/3, Trần đã giới thiệu Q với “Officer-1” của ĐCSTQ qua điện thoại; Trần gọi người này là “lãnh đạo” và đưa điện thoại cho bên kia.

 

Ngày 20/3, Q nhận được cuộc gọi từ “Officer-1” của ĐCSTQ, người này muốn Trần gặp F từ IRS để giải quyết việc tố cáo. Q cung cấp email của F. Trần Quân gửi email hẹn gặp vào ngày 25/3 và thống nhất tổ chức cuộc họp chính thức tại văn phòng New Windsor của Sở Thuế vào ngày 15/5.

 

Ngày 8/5, Trần bay từ Trung Quốc đến Los Angeles với 10.400 USD tiền mặt, nhân viên hải quan phát hiện số tiền này khi kiểm tra hành lý của Trần và thấy số tiền mặt trị giá 100 USD đã được bó gọn gàng thành một cọc lớn. Vệ sĩ Lâm Phong của Trần đang đợi ở sân bay.

 

Vào ngày 9/5, Trần đã gọi điện cho F và đề nghị gặp mặt vào ngày 14/, cùng với tài xế Lâm Phong. Trần đảm bảo với F rằng Lâm Phong "đáng tin cậy" và thảo luận về kế hoạch gặp mặt trước một ngày vì F đề cập rằng các tài liệu tố cáo là không đủ bằng chứng đối với IRS.

 

Ngày 12/5, Trần và Lâm đã thảo luận về kế hoạch hành động và nói rằng "Officer-1" của ĐCSTQ sẽ đưa ra hướng dẫn trong nhóm WeChat của họ và sau khi đọc, họ sẽ "xóa ngay”. “Nếu có trường hợp khẩn cấp” trong cuộc gặp giữa Trần và F, Lâm Phong sẽ “gửi cảnh báo” tới “Officer-1” của ĐCSTQ.

 

Vào ngày 15/5, Lâm chở Trần đến văn phòng IRS mới ở Windsor, F chính thức gặp Trần. Sau khi hai bên gặp nhau, họ giả vờ làm theo các thủ tục do IRS quy định. Cuộc họp chủ yếu bằng tiếng Anh, Trần giả vờ rằng ông làm việc đó "vì lợi ích của người nộp thuế ở Mỹ". Nhưng trên thực tế, cách đây một ngày, Trần đã đưa cho F một xấp tiền trăm đô-la nhằm hối lộ F để hợp tác đàn áp Pháp Luân Công.

 

Ngày hôm sau, Trần và Lâm thận trọng từng bước vì sợ “tình huống khẩn cấp sẽ xảy ra”, đồng thời lo lắng F sẽ không thực hiện lời hứa sau khi nhận được tiền. Vào ngày 16/5, Trần đã gửi email cho F với nội dung: "Bạn tôi đang phân vân không biết có nên làm hay không? Chúng ta có nên bắt đầu với IRS trước rồi mới đưa tiền tiếp? Vui lòng trả lời".

 

Sau đó, Trần gọi lại cho F và nói: Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không tốt lắm, "những người bạn" của chúng tôi ở Trung Quốc lo lắng rằng "sẽ có vấn đề" với kế hoạch này. Bạn có thể ‘cung cấp cho tôi tài liệu bằng văn bản’ không? "để tôi giải thích với cấp trên, nếu không thì lời nói của bạn chẳng có căn cứ gì”.

 

Để F tự tin tiến về phía trước, Trần nhiều lần nhấn mạnh rằng ông và Lâm đang hành động thay mặt cho chính quyền Trung Quốc, ông và các đồng nghiệp trong chính quyền Trung Quốc "như anh em mặc cùng một chiếc quần”. "Chúng tôi bắt đầu cùng nhau chống lại Pháp Luân Công từ 20, 30 năm trước". Trần đảm bảo với F: Chỉ cần IRS bắt đầu các thủ tục điều tra, họ chắc chắn sẽ trả cho anh 50.000 USD, cộng với 60% phần thưởng cho người tố cáo.

 

 

 

Cố gắng che giấu nguồn gốc hối lộ

 

Tuy nhiên, Trần nhận thức rõ những rủi ro liên quan đến cách che giấu nguồn gốc và phương thức của khoản hối lộ 50.000 USD cũng như việc tiến hành các hoạt động mà không để lại bất kỳ dấu vết nào mà làm chính phủ Mỹ nghi ngờ.

 

Trợ lý công tố viên Shiva H. Logarajah và nhóm của ông trong văn bản phản đối tại ngoại trình lên tòa án đã chỉ ra rằng Trần Quân vô cùng cẩn trọng. Ông ta cẩn thận tránh thảo luận quá chi tiết về kế hoạch hối lộ qua điện thoại và liên tục nhắc nhở Q và F không nói quá nhiều trong các cuộc gọi. Điều này cũng thể hiện rõ ràng qua cách ông ta khéo léo né tránh yêu cầu báo cáo của Hoa Kỳ và kiên quyết không thanh toán qua hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

 

Trần Quân đề cập với F rằng việc hối lộ bằng tiền mặt là "bí mật" vì "mang tiền vào Mỹ rất rủi ro, cần sử dụng một số thủ đoạn đặc biệt. Việc này cần có thời gian". Ông ta đề nghị chuyển tiền cho F ở Trung Quốc, khẳng định rằng nguồn lực của ông ta ở Trung Quốc "vượt xa Mỹ", và "nếu có thể thanh toán ở Trung Quốc, tiền không thành vấn đề".

 

Nếu không thể thanh toán ở Trung Quốc, Trần Quân tiếp tục nói với F rằng ông ta sẽ quay lại Trung Quốc vào tháng 6 và dự định thanh toán tiền hối lộ thành nhiều đợt từ tháng 7 đến tháng 9. Cụ thể, Lâm Phong sẽ bay từ Los Angeles đến New York hai lần vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, mỗi lần mang theo 25.000 USD tiền mặt để đích thân trao cho F.

 

Trần giải thích rằng lý do trả góp này là vì ông ta không thể mang “50.000 đô la Mỹ” vào Hoa Kỳ ngay lập tức vì “số tiền quá lớn. Ở Hoa Kỳ, nếu vượt quá 10.000 đô la Mỹ, bạn phải khai báo. Tôi thực sự không muốn khai báo".

 

Ngày 16/5, trong lúc thảo luận về kế hoạch hối lộ, Trần Quân cho biết "Officer-1" của chính quyền Trung Quốc là "người luôn phụ trách những việc này". Người này hướng dẫn Lâm "tìm cách... chuyển tiền cho F", trả lời "không vấn đề gì", Lâm có thể "qua lại" New York và "ngày hôm đó" có thể đưa tiền đến nơi.

 

Tối ngày 16, F đã gửi một tài liệu cho Trần Quân, nói rằng đã chuyển tài liệu tố cáo của Trần đến bộ phận thanh tra của Sở Thuế vụ, dự kiến ​​sẽ sớm khởi động thủ tục thanh tra.

 

Ngày 18/5, tại sân bay Kennedy ở New York, Lâm đã đưa cho F 4.000 USD tiền mặt, là khoản thanh toán cuối cùng cho 10% tiền hối lộ.

 

Mọi chuyện tưởng chừng như suôn sẻ cho đến sáng sớm ngày 26/5, khi các đặc vụ FBI gõ cửa nhà Trần Quân và Lâm Phong lúc 6 giờ sáng, "sự cố bất ngờ" thực sự đã xảy ra.

 

 

 

Chiến dịch của FBI giống như một vở kịch

 

Theo các phương tiện truyền thông địa phương Los Angeles, Trần Quân và Lâm Phong bị bắt tại nhà riêng. Trần Quân sống một mình, do đó không có nhân chứng nào nhìn thấy quá trình bắt giữ ông ta. Tuy nhiên, quá trình bắt giữ Lâm Phong lại trở thành một vở kịch được nhiều người biết đến.

 

Lâm Phong thuê một căn nhà dân ở Hacienda Heights, nơi có chưa đến 10 người thuê khác. Vào lúc 6 giờ sáng, những người thuê nhà nghe thấy tiếng gõ cửa mạnh ở cửa trước, sau đó họ nghe thấy tiếng nói lớn "Cục Điều tra Liên bang", ra lệnh cho tất cả mọi người ra ngoài với hai tay ôm đầu và không được cử động.

 

Khi đó, tất cả những người thuê nhà đều thức dậy sau giấc ngủ, tình hình rất hỗn loạn, thậm chí có người bước ra ngoài mà không mặc quần. Một số người thuê nhà mô tả khung cảnh lúc đó: Ai nấy đều có cảm giác như bị một khẩu súng chĩa vào ngực, nếu chống cự có thể sẽ bị giết; có một chiếc xe bọc thép đậu cách đó không xa, cửa mở, và tay súng bắn tỉa phía sau xe; đặc vụ FBI cầm vũ khí có hơn 20 người, và có hơn chục chiếc SUV màu đen xung quanh; có ít nhất 4 tay súng bắn tỉa ở độ cao chỉ huy bên kia đường để trấn áp hiện trường, và sẽ khai hỏa ngay lập tức nếu có bất kỳ sự xáo trộn nào; còn có một số máy bay không người lái đang bay lượn trên không.

 

Đó là một cảnh tượng hết sức kịch tính và mọi người đều bị còng tay ngay tại chỗ. Lâm Phong là người cuối cùng ra ngoài, theo lời người trong cuộc, có lẽ anh ta biết mình là mục tiêu của FBI nên ăn mặc rất chậm chạp. Sau khi những người khác ra ngoài và xếp hàng theo lệnh, anh ta mới là người cuối cùng bước ra khỏi cửa. FBI đã nhận ra Lâm Phong dựa vào ảnh và đưa anh ta lên xe. Những người còn lại được thả.

 

 

 

Cách di chuyển bất thường của đặc vụ

 

Lâm là cựu vận động viên đội tuyển đua xe đạp quốc gia Trung Quốc, cao 1,8 mét, người Tứ Xuyên, 45 tuổi, có thân hình cường tráng. Kể từ khi định cư ở Los Angeles vào năm 2013, anh thường xuyên đi lại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và đã trở lại Trung Quốc 5 lần trong 10 năm. Anh ta nhận được thẻ xanh Mỹ vào năm 2015. Vào tháng 7/2019, trong thời điểm cao trào của phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông, “Liên minh Thanh niên Yêu nước và Bảo vệ Hồng Kông Nam California” được thành lập tại Los Angeles để hỗ trợ các chính sách của ĐCSTQ đối với Hồng Kông.

 

Theo báo cáo, Lâm tham gia vào dịch vụ bảo vệ cá nhân sau khi nhập cư vào Mỹ và thường được thuê làm vệ sĩ thân cận cho những người nổi tiếng và minh tinh. Ví dụ, khi nam diễn viên Daniel Wu đến Los Angeles, anh đã thuê Lâm Phong làm vệ sĩ riêng.

 

Công tố viên chỉ ra rằng Lâm Phong là "đối tác lâu năm" của Trần Quân, đồng thời có mối quan hệ lâu dài và sâu sắc với chính quyền Trung Quốc. Là một cựu vận động viên của đội tuyển quốc gia Trung Quốc, Lâm Phong cho biết trong cuộc gặp gỡ với FBI rằng kể từ khi rời Trung Quốc, các quan chức Trung Quốc đã theo dõi và giám sát chặt chẽ hoạt động của anh ta. Lâm Phong vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc. Trong vụ án âm mưu chống phá Pháp Luân Công này, anh ta giữ liên lạc với "Officer-1" của chính quyền Trung Quốc và hành động theo chỉ thị của họ.

 

 

Điều đáng chú ý là Lâm đã đi bộ vào Mexico một cách bí ẩn hai lần vào tháng 2/2022. Hành động của anh ta trong kế hoạch hối lộ cũng làm nổi bật cách đi lại bất thường của anh ta. Vào ngày 17/5/2023, chỉ hai ngày sau khi Lâm đi cùng Trần đến gặp F chính thức, anh ta đã đáp chuyến bay xuyên nước Mỹ và gặp lại F vào lúc 1 giờ sáng ngày 18/5.

 

Sau đó anh ta bay trở lại Los Angeles vài giờ sau đó mà không rời sân bay, sau khi ở lại sân bay vài giờ, anh ta bắt chuyến bay khác từ Los Angeles đến Miami. Nói chung, mô hình đi lại của anh ta rất khó hiểu và tất cả các chuyến bay của anh ta đều được mua vé vào phút cuối. Các công tố viên cho biết: “Thật khó để giám sát anh ta một cách hiệu quả và thói quen di chuyển chóng mặt của anh ta đã cho thấy nỗ lực của anh ta trong việc thực hiện kế hoạch hối lộ được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn”.

 

Mặt khác, cuộc sống của Lâm không ổn định. Mới vào tháng 4/2023, Lâm đã mua một khẩu súng và địa chỉ đăng ký ở đâu đó tại Los Angeles. Tuy nhiên, anh ta không chỉ sống ở một nơi, các nhân viên thực thi pháp luật đã tìm thấy anh ta ở một nơi khác và cuối cùng bắt được anh ta ở một nơi khác.

 

Sau khi Lâm bị bắt, anh ta khai rằng mình chỉ có 100 đến 200 USD trong tài khoản ngân hàng, điều này thật khó tin. Các công tố viên cho rằng anh ta có thể có các tài khoản ngân hàng nước ngoài không xác định khác.

 

 

Đặc vụ Trung Quốc: ‘Tập Cận Bình gặp tôi ba lần trong 10 năm’

 

Các công tố viên tuyên bố trong các tài liệu tòa án rằng Trần Quân “dường như được biết đến vì đã tham gia vào công việc đàn áp thay mặt chính quyền Trung Quốc”. Trong một tin nhắn được sao lưu vào tài khoản iCloud của Trần, một trong những người bạn của Trần đã gọi Trần là một trong “Năm kẻ phản đối”, có nghĩa là Trần phản đối năm nhóm mà ĐCSTQ đàn áp, bao gồm: độc lập Đài Loan, độc lập Tân Cương, độc lập Tây Tạng, phong trào dân chủ và Pháp Luân Công.

 

Các công tố viên cũng trích dẫn một báo cáo của Los Angeles Times vào ngày 26/4/2008, trong đó đề cập đến việc Trần tổ chức các cuộc biểu tình chống lại CNN và Rước đuốc Olympics. Các công tố viên viết: Mối quan hệ chính thức của Trần với ĐCSTQ đã được xác nhận không chỉ bằng các đoạn ghi âm và bằng chứng trong bản cáo trạng mà còn bằng bằng chứng thu được từ tài khoản iCloud của Trần.

 

Các công tố viên cho biết các tin nhắn trong tài khoản iCloud của Trần cho thấy ông ta đang liên lạc chặt chẽ với các quan chức từ Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles và các quan chức từ đại lục. Những bức ảnh cho thấy ông ta thường được mời tham gia các hoạt động chính thức của chính quyền Trung Quốc, bao gồm các cuộc duyệt binh và lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ.

 

"Trên thực tế, Trần đã tiếp cận được các cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc. Trong một cuộc điện thoại được ghi âm, ông ấy tự hào tuyên bố rằng mình đã từng bước leo lên vị trí này và rằng ‘Tập Cận Bình đã gặp tôi ba lần trong mười năm’. Ngoài ra, Trần còn có một bức ảnh của ông ta và Tập Cận Bình trong iCloud”, công tố viên cho biết.

 

Các công tố viên cho rằng sự nghiệp sản xuất đồ nội thất sân vườn của Trần "chỉ là vỏ bọc". Kể từ năm 2007, ông ta đã tới Trung Quốc hơn 40 lần, trung bình hai hoặc ba lần một năm. Khi nhập cảnh vào Hoa Kỳ vào tháng 11/2022, Trần bị phát hiện mang theo 52.000 USD, khai với các nhân viên hải quan rằng ông ta có nơi ở và cơ sở kinh doanh khác ở Thiên Tân - nơi ông ta từng làm quan chức. Điều này phù hợp với những gì ông ta tiết lộ với Q, khi Trần nói rằng nguồn lực của ông ta ở Trung Quốc vượt xa nguồn lực ở Hoa Kỳ.

 

 

 

Từ Los Angeles đến Quận Cam theo dõi Pháp Luân Công

Sau khi cả hai bị bắt ở Los Angeles vào tháng 5 năm ngoái, vụ án ngay lập tức được chuyển lên Tòa án Liên bang quận phía Nam New York để xét xử. Các công tố viên buộc tội họ với bốn tội danh: (1) làm đại diện cho chính phủ nước ngoài mà không thông báo cho Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ; (2) hối lộ quan chức nhà nước; (3) âm mưu làm đặc vụ nước ngoài và hối lộ; và (4) âm mưu phạm tội rửa tiền quốc tế. Các cáo buộc có hình phạt tổng hợp tối đa là 40 năm tù.

 

Các công tố viên cho biết kế hoạch hối lộ mà Trần và Lâm tham gia được thực hiện dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc và nội dung của nó được mô tả trong bản cáo trạng là “vừa táo bạo vừa vô liêm sỉ”.

 

Tuy nhiên, kế hoạch hối lộ không phải là nhiệm vụ duy nhất được Trần và Lâm thực hiện, cả hai còn tiến hành giám sát các học viên Pháp Luân Công ở Quận Cam, New York.

 

Các công tố viên cho biết trước khi Lâm và Trần thực hiện âm mưu hối lộ, Lâm đã bị các đặc vụ FBI thẩm vấn không chỉ một lần mà là ba lần. Trong cuộc thẩm vấn, Lâm thừa nhận rằng anh ta và Trần “đã cùng nhau đến New York để theo dõi các học viên Pháp Luân Công ở Quận Cam và thu thập thông tin làm cơ sở cho một vụ kiện có thể xảy ra nhằm cản trở sự phát triển của Pháp Luân Công trong cộng đồng Quận Cam ở New York". Các công tố viên cho biết “Lâm biết Trần muốn tiêu diệt Pháp Luân Công, nhưng vẫn chọn tham gia các hoạt động này”.

 

Các công tố viên cũng cho biết, Trần và Lâm nhiều lần tỏ ra hiểu rõ hành vi sai trái của mình nhưng lại cố tìm cách trốn tránh điều tra. Ví dụ, sau khi Lâm Phong bị FBI điều tra về mối quan hệ của anh ta với Trần Quân và các hoạt động phá hoại Pháp Luân Công, anh ta vẫn không dừng lại mặc dù biết rằng FBI nhìn chung quan tâm đến các hoạt động như vậy. Anh ta cung cấp cho các nhà điều tra một số điện thoại mà anh ta và Trần chưa sử dụng (lừa dối các đặc vụ) và sử dụng các mật mã trong các cuộc gọi, chẳng hạn như coi các khoản hối lộ là “tài liệu”.

 

Các công tố viên chỉ thêm rằng trong một cuộc điện thoại được ghi âm, Trần đã truyền đạt mối lo ngại của các ‘Officer’ của ông ở Trung Quốc về khả năng bị lộ. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định hành động, thể hiện sự quyết tâm và táo bạo trong hành động.

 

The Epoch Times đã nhiều lần đưa tin rằng Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun là mục tiêu chính trong các cuộc đàn áp ở nước ngoài của ĐCSTQ. Lý do tại sao chính quyền Trung Quốc đã liệt kê Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun ở ngoại ô New York là mục tiêu chính có thể thấy rõ từ khẩu hiệu quảng cáo của Shen Yun năm nay: “Tái hiện lại một Trung Quốc trước khi có chủ nghĩa cộng sản”.

 

Một tài liệu hướng dẫn nội bộ của ĐCSTQ mà The Epoch Times có được nêu rõ: “Chúng ta phải tấn công một cách có hệ thống và chiến lược vào các trụ sở và căn cứ ở nước ngoài của Pháp Luân Công”.

 

Vào ngày 25/5/2023, chỉ một ngày trước khi Trần và Lâm bị bắt, Kenneth Porada, một người đàn ông 62 tuổi đến từ ngoại ô New York, đã bị bắt vì tình nghi liên tục quấy rối nhân viên tại khuôn viên của Shen Yun. Anh ta bị buộc tội cố tình rải đinh vào khuôn viên Shen Yun và đường lái xe vào nhà của nhân viên - làm thủng lốp xe - và đã bị Sở Cảnh sát Deerpark bắt giữ.

 

 

 

Quận Cam, ngoại ô New York, nơi đặt trụ sở của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, là địa điểm mục tiêu bị đặc vụ Cộng sản Trung Quốc phá hoại. Hình ảnh cho thấy những chiếc đinh mà ai đó cố tình ném vào đường lái xe đã cắm sâu vào lốp xe. (Ảnh do nạn nhân cung cấp)

 

 

 

 

 

Quận Cam, ngoại ô New York, nơi đặt trụ sở của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, là địa điểm mục tiêu bị đặc vụ Trung Quốc phá hoại. Ảnh chụp màn hình camera an ninh cho thấy ai đó ném đinh ra ngoài cửa sổ xe tải. (Được cung cấp bởi chùa Long Tuyền)

 

 

 

 

 

Bức ảnh cho thấy những chiếc đinh mà ai đó cố tình ném vào đường lái xe. (Ảnh do nạn nhân cung cấp)

 

 

 

Hệ thống 610 Thiên Tân thâm nhập nước ngoài

 

Trong trường hợp này, Trần Quân, chủ tịch Hiệp hội Thiên Tân, đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt đến Trung Quốc để nhận tài trợ và nhận được sự hướng dẫn. Bản cáo trạng viết: “Trong nhiều năm, trụ sở chính của Phòng 610 là ở Thiên Tân, Trung Quốc.” “Như đã biết trước đây, các quan chức chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm đàn áp Pháp Luân Công đều tập trung ở Thiên Tân”.

 

Điều đáng chú ý là Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999 với vụ dàn dựng bôi xấu Pháp Luân Công ở Thiên Tân; 25 năm sau, trường hợp của Trần Quân, một người gốc Thiên Tân, đã khiến mọi người chú ý trở lại Thiên Tân.

 

Ông Hách Phượng Quân, cựu quan chức Phòng 610 thuộc Sở Công an thành phố Thiên Tân, từng tiết lộ rằng ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp ở Thiên Tân để sắp xếp việc triển khai lực lượng bí mật ra nước ngoài. Bắc Mỹ và Úc đã bị xâm nhập bởi hệ thống '610 Thiên Tân' mà Hách Phượng Quân có liên kết vào thời điểm đó.

 

Ông nói rằng “Phòng 610” là một hệ thống khổng lồ dựa vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công để kiếm sống, nó trực tiếp xin Bộ Tài chính hàng trăm triệu nhân dân tệ mỗi năm. Một mẩu thông tin ở nước ngoài về Pháp Luân Công có thể có giá từ 3.000 nhân dân tệ đến hàng trăm nghìn nhân dân tệ, và Bộ Công an sẽ phân bổ số tiền tùy theo mức độ tình báo. Trần Quân rõ ràng là dựa vào điều này để kiếm sống.

 

Ông Lý Hữu Phủ, chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Tây Nam Mỹ, đã từng gặp trực tiếp Trần Quân, nói rằng sau khi ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, Trần Quân đã hành động như một “côn đồ” cho ĐCSTQ ở nước ngoài. Bất cứ khi nào các học viên Pháp Luân Công ở Los Angeles tổ chức hoạt động, Trần Quân lại dẫn đầu một nhóm người để gây rắc rối. Ông Lý Hữu Phủ tin rằng Trần là thành viên "610" ở nước ngoài.

 

 

 

Trung Quốc sợ bị vạch trần

 

Theo biên bản tại phiên tòa tại ngoại, công tố viên chỉ ra rằng lời nói và hành vi của Trần và Lâm là cốt lõi của vụ án này. “Các bằng chứng thu thập được đã vạch trần toàn diện kế hoạch hối lộ dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc". “Đây chính xác là điều mà Trung Quốc lo lắng, rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ phát hiện ra hoạt động gây ảnh hưởng mà chính quyền Trung Quốc đang tiến hành. Cả chính quyền Trung Quốc và bản thân các bị cáo đều không muốn hoạt động gây ảnh hưởng từ nước ngoài này bị vạch trần thêm và hầu tòa ở đây".

 

Khi nêu quan điểm phản đối việc bảo lãnh, công tố viên cho biết: Nhiệm vụ của hai bị cáo là đưa hành động đàn áp của mình sang Mỹ dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc. Về bản chất, nó là nhằm tiêu diệt các quyền tự do cơ bản của các học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ, đây rõ ràng là một mối đe dọa đối với xã hội Hoa Kỳ. Điều này không chỉ làm xói mòn các giá trị cơ bản mà còn cho thấy các bị cáo không tôn trọng chủ quyền và thẩm quyền của luật pháp Hoa Kỳ.

 

Trên thực tế, các hoạt động bí mật do Trần và Lâm thực hiện tại Hoa Kỳ đại diện cho chính quyền Trung Quốc không chỉ gây ra mối đe dọa cho cộng đồng Pháp Luân Công, mà các công tố viên đã chỉ ra rằng trên đất Mỹ, những bị cáo này đã cố gắng bóp méo chức năng hợp pháp của chính phủ Hoa Kỳ để phục vụ lợi ích của chính quyền Trung Quốc. Nhìn theo một cách khác, họ đã tiến hành một hoạt động gây ảnh hưởng từ nước ngoài nhằm thể hiện sự coi thường luật pháp Hoa Kỳ và làm suy yếu sự an toàn của mọi người bằng cách tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​​​của chính quyền Trung Quốc trên đất Mỹ.

 

Các công tố viên kết luận rằng các bị cáo gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các cộng đồng đang xin tị nạn ở Hoa Kỳ và đối với hoạt động bình thường của chính phủ Hoa Kỳ. Vì vậy, tòa án nên giam giữ họ mà không cho được bảo lãnh. Thẩm phán đồng ý với các công tố viên rằng họ có nguy cơ bỏ trốn nên sẽ từ chối đơn xin tại ngoại.

 

Sau khi đại bồi thẩm đoàn chính thức truy tố, số hồ sơ tòa án là 7:23-cr-00286 và phiên họp trạng thái tiếp theo sẽ được tổ chức vào chiều ngày 3/4/2024.

 

(Theo The Epoch Times, Lý Ngọc biên dịch)

(ntdvn.net)