NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES/BBC

Thông tin Việt Nam muốn mua pháo tự hành K9 của Nam Hàn đã có từ năm 2024

 

 

Thương Lê

Vai trò,BBC News Tiếng Việt

 

 

 

Truyền thông Nam Hàn đồng loạt đưa tin vào cuối tháng Một vừa qua, chính phủ Nam Hàn và Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để hoàn tất thỏa thuận mua bán pháo tự hành K9 Thunder (Sấm sét) do Hanwha Aerospace sản xuất.

 

Hãng Yonhap News dẫn lời các nguồn tin trong ngành cho biết Hà Nội và Seoul đã đạt được thỏa thuận chung mua bán 20 khẩu K9 và các xe tiếp đạn K10 trị giá 300 triệu USD (hơn 7.500 tỷ đồng).

 

Giao dịch dự kiến sẽ được hoàn tất dưới dạng thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ (G2G).

 

Là một trong 20 quốc gia mua vũ khí hàng đầu thế giới, Việt Nam mỗi năm dành khoảng 1 tỷ USD nhập vũ khí và dự kiến con số này sẽ còn tăng lên, theo GlobalData, nhà cung cấp thông tin tình báo về mua sắm quân sự.

 

Với khoản chi 300 triệu USD này, chiếm khoảng 25-30 phần trăm ngân sách mua sắm vũ khí hàng năm của Hà Nội, các chuyên gia nói với BBC News Tiếng Việt rằng Việt Nam hi vọng sẽ được chuyển giao công nghệ tiên tiến để tự lắp ráp K9 trong nước.

 

Tờ The Korea Economic Daily cho biết Hanwha Aerospace đang trong giai đoạn hoàn tất đàm phán với chính phủ Việt Nam để xác định thời điểm giao hàng và các điều khoản khác.

 

Trong khi đó trang Pulse dẫn lời một nguồn thạo tin cho hay "một thỏa thuận về các điều khoản của hợp đồng có thể được hoàn tất sớm nhất là trong quý 1/2025", đồng thời nói thêm rằng nhu cầu mua vũ khí của Việt Nam và các điều khoản của Nam Hàn "phần lớn phù hợp với nhau".

 

Giáo sư Carl Thayer, từ Đại học News South Wales, Úc nói với BBC News Tiếng Việt vào hôm 23/1, rằng "Thỏa thuận tiềm năng này đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với cả Việt Nam và Nam Hàn",

"Đối với Nam Hàn, việc bán pháo K9 Thunder cho Việt Nam sẽ đánh dấu một bước kép - lần đầu tiên bán vũ khí cho một quốc gia cộng sản và lần đầu tiên cho một nước Đông Nam Á".

 

 

Riêng với Việt Nam, quốc gia cần hiện đại hóa quân đội và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để giảm phụ thuộc vào Nga, ông Thayer cho rằng khi thỏa thuận hoàn tất, quân đội Việt Nam sẽ có thể hiện đại hóa binh chủng pháo binh bằng K9 Thunder và dần loại bỏ kho pháo Nga đã cũ kỹ.

 

Trong khi đó, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ), cho rằng con số 300 triệu USD cho thấy đây là một thỏa thuận lớn với Việt Nam.

 

Ông Vuving nói với BBC News Tiếng Việt hôm 24/1 rằng, "Điều này có thể phản ánh bài học mà Việt Nam rút ra từ việc theo dõi cuộc chiến ở Ukraine: đó là pháo tự hành đóng vai trò rất quan trọng trong chiến tranh trên bộ, và K9 là một trong những loại tốt nhất thế giới".

 

 

K9 có gì ưu việt so với dàn pháo hiện có của Việt Nam?

 

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), kho vũ khí của lực lượng pháo binh Việt Nam hiện có hơn 3.040 khẩu, trong đó khoảng 60 pháo tự hành.

 

Thông tin trong ấn phẩm thường niên The Military Balance (Cân bằng Quân sự) năm 2024 của IISS cho hay dù có một số lượng pháo tự hành M107 do Mỹ sản xuất thu được trong chiến tranh Việt Nam, phần lớn kho pháo của Việt Nam là từ thời Liên Xô cũ, đã có tuổi đời hàng chục năm .

 

Trong số đó có cả 2S1 Gvozdika 122mm và S2S3 Akatsiya, hai loại pháo tự hành do Liên Xô cũ sản xuất vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, dùng đạn 152mm.

 

Trong khi đó, các chuyên gia mà BBC phỏng vấn đều đánh giá K9 Thunder, sử dụng đạn tiêu chuẩn 155mm - theo tiêu chuẩn NATO - với chiều dài nòng gấp 52 lần cỡ đạn, là "một khẩu pháo tự hành đã tạo dựng được uy tín trên thị trường vũ khí quốc tế".

 

Tính đến cuối năm 2024, hơn 1.400 khẩu K9 Thunder đã được đặt hoặc giao hàng tới 9 quốc gia, gồm Úc, Ai Cập, Estonia, Phần Lan, Ấn Độ, Na Uy, Ba Lan, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm hơn 50 phần trăm số đơn đặt hàng lựu pháo tự hành trên toàn thế giới.

 

K9 Thunder do Hanwha Aerospace của Nam Hàn thiết kế và sản xuất, được giới thiệu lần đầu vào năm 1999, và đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

 

Pháo tự hành K9 Thunder có tầm bắn lên tới 40km. Ngoài ra, loại vũ khí này còn có một khả năng đặc biệt khi kết hợp với xe tiếp đạn tự hành K10, từ đó có thể mang lại tốc độ bắn liên tục lúc lâm chiến.

 

Khi ngồi trong K9 Thunder, kíp chiến đấu gồm 5 người sẽ được bảo vệ khỏi các mối nguy về phóng xạ, hóa học và sinh học.

 

Mỗi khẩu pháo K9 Thunder có giá từ 14 tỷ won (tương đương 9,8 triệu USD - khoảng 235 tỷ đồng) đến 20 tỷ won (14 triệu USD - khoảng 336 tỷ đồng), tùy thuộc vào mẫu mã.

 

Theo giáo sư Thayer, Việt Nam đang đang tìm cách mua phiên bản K9A1 của K9 Thunder. Phiên bản này được trang bị các hệ thống điều khiển hỏa lực, nhắm mục tiêu và thông tin liên lạc tiên tiến, bao gồm kính ngắm chính của xạ thủ và kính ngắm toàn cảnh của chỉ huy, hệ thống điều khiển hỏa lực tự động, radio kỹ thuật số, cũng như phù hợp tác chiến ở các địa hình khó khăn dọc biên giới Việt Nam.

 

 

 

 

DONG-A ILBO/AFP VIA GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,K9 là pháo tự hành trên xe bánh xích, có cỡ nòng 155mm

 

 

 

 

Từ năm 2024, thông tin Việt Nam quan tâm đến việc mua pháo tự hành K9 đã được Bộ Quốc phòng Nam Hàn công bố trong một thông cáo báo chí sau Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt - Hàn lần thứ 11 ở Hà Nội hôm 23/4.

 

Trích dẫn thông cáo này, đài truyền hình quốc gia KBS của Nam Hàn cho biết Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến "đánh giá cao" và bày tỏ ý định mua pháo tự hành K9 với người đồng cấp Kim Seon-ho tại sự kiện trên.

 

Sự kiện trên tiếp nối chuyến thăm cấp cao của Bộ Quốc phòng Việt Nam do Bộ trưởng Phan Văn Giang dẫn đầu đến Nam Hàn hồi tháng 3/2023. Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam khi đó tường thuật đoàn của tướng Giang đã tham quan căn cứ Quân đoàn cơ động số 7 của Nam Hàn và xem nhiều loại vũ khí, khí tài, trong đó có cả pháo tự hành K9.

 

Vào thời điểm đó, Tiến sĩ Yang Uk ở Viện nghiên cứu chính sách Asan của Nam Hàn nói với BBC News Tiếng Việt rằng K9 được ưa chuộng vì sự ưu việt và giá thành rẻ hơn so với các mẫu pháo tự hành có hiệu suất tương tự.

 

Ông Yang Uk cho biết, "Để so sánh thì tôi cho rằng chỉ có mẫu PzH 2000 do Đức sản xuất là có hiệu suất tương tự, nhưng giá lại gần gấp đôi của Nam Hàn. Và nếu đặt mua vũ khí của Đức thì phải mất nhiều năm trời mới nhận được hàng, trong khi nếu đặt của Nam Hàn thì có thể nhận được trong vài năm".

 

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh về độ chính xác của loại pháo được coi là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nam Hàn, đưa dẫn chứng về trận chiến ở đảo Yeonpyeong (Diên Bình), khi lực lượng thủy quân lục chiến nước này đã sử dụng pháo tự hành K9 để phản công, ở khoảng cách xa 20-30km, và đã vô hiệu hóa hỏa lực của đối phương.

 

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc mua vũ khí thì Hà Nội còn chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ quốc phòng.

 

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương từ Đại học News South Wales nói với BBC News Tiếng Việt rằng, "Việt Nam mong muốn tìm cách tự lắp ráp loại pháo tự hành K9 ở trong nước, cải thiện toàn bộ chuỗi công nghiệp quốc phòng của mình."

 

Tuy nhiên, giáo sư Thayer cho rằng vấn đề quan trọng là liệu Việt Nam và Nam Hàn có đồng ý thiết lập một cơ sở chung có giấy phép tại Việt Nam để sản xuất pháo tự hành K9, xe tiếp đạn K10 và đạn dược cần thiết hay không.

 

 

 

Việt Nam khai triển sử dụng pháo K9 như thế nào?

 

Trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan, cũng như các xung đột thường xuyên xảy ra trên Biển Đông giữa tàu Trung Quốc và tàu của các quốc gia khác trong khu vực, các chuyên gia quốc phòng nhận định Việt Nam cần thêm vũ khí hiện đại để tự vệ trong một cuộc xung đột quy mô lớn.

 

Giáo sư Thayer nhận định khi tiếp nhận 20 khẩu K9 từ Nam Hàn, quân đội Việt Nam sẽ phân bổ những vũ khí này cho một trung đoàn pháo binh cụ thể để huấn luyện thực tế và tích hợp.

 

Ông Thayer nói, "Thông thường, một trung đoàn pháo binh thực địa Việt Nam có ba khẩu đội, mỗi khẩu đội gồm sáu khẩu pháo. Nói cách khác, nếu Việt Nam mua 20 khẩu K9 Thunder, họ chỉ có thể trang bị cho một trong bốn mươi trung đoàn pháo binh của mình".

 

Và cũng theo chuyên gia này, Việt Nam sẽ phải huấn luyện không chỉ các kíp lái pháo K9 mà còn các kíp lái cho xe tiếp đạn K10.

 

Như vậy, để trang bị cho tất cả bốn mươi trung đoàn pháo binh, Việt Nam cần mua tối thiểu 720 khẩu K9 và các xe tiếp đạn.

 

Ông Thayer nhận định, "Đây sẽ là một quá trình tốn kém và kéo dài".

 

 

 

Hợp tác quốc phòng Việt Nam – Nam Hàn

Theo các chuyên gia, việc Việt Nam mua pháo K9 Thunder của Nam Hàn là tiến trình tự nhiên về hợp tác quốc phòng trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và sự tin cậy chiến lược ngày càng tăng giữa hai nước.

 

Vào tháng 12/2022, Việt Nam và Nam Hàn đã nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện. Bản tuyên bố chung do Chủ tịch nước Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol, người mới đây đã bị bắt giữ để điều tra về việc ban hành thiết quân luật hôm 3/12/2024, ký kết có một phần "tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng và an ninh", trong đó hai bên đã đồng ý "tiếp tục củng cố hợp tác quốc phòng... [bao gồm] công nghiệp quốc phòng..."

 

Vào tháng 9/2024, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đã tiếp Đại tướng Lee Young-su, Tham mưu trưởng Không quân Nam Hàn, cùng thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng.

 

Tới tháng 12/2024, tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ hai của Việt Nam (Vietnam International Defence Expo 2024), Hà Nội và Seoul đã ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030, xác định các lĩnh vực hợp tác chính trong đó có chương trình huấn luyện sĩ quan, các cuộc diễn tập chung và trao đổi công nghệ quân sự.

 

Giáo sư Thayer đánh giá, "Nói cách khác, hợp tác công nghệ quốc phòng trong tương lai giữa hai nước đang trong quá trình phát triển và có thể bao gồm các lĩnh vực máy bay không người lái, công nghệ phòng thủ hỏa tiễn, động cơ hỏa tiễn dẫn đường, hệ thống phóng hỏa tiễn mặt đất và hải quân, và động cơ máy bay".

 

 

Ảnh: VGP

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol trong buổi họp báo công bố nâng cấp quan hệ lên 'Đối tác chiến lược toàn diện' năm 2022

 

 

 

Rời xa vòng tay Nga

 

Vào tháng 2/2021, Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Nghị quyết với mục tiêu "xây dựng một quân đội tinh, gọn, mạnh vào năm 2025, và phấn đấu phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại."

 

Giáo sư Carl Thayer cho biết, "Nói cách khác, Việt Nam sắp bắt đầu một chương trình hiện đại hóa quân sự toàn diện nhất trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam".

 

Nhưng chuyên gia quan sát chính trị Việt Nam lâu năm này cho rằng kế hoạch của Việt Nam lúc đó - dựa vào nhà cung cấp truyền thống Nga - đã bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022.

 

Trong khi đó, giáo sư Vuving đánh giá thỏa thuận mua pháo K9 Thunder đánh dấu bước đầu tiên của Việt Nam trong một hành trình dài để đa dạng hóa nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự.

 

Theo ông, Việt Nam cần phải áp dụng thêm các vũ khí phương Tây theo tiêu chuẩn NATO.

Ông lý giải, "Trong hành trình đầy thử thách này, Nam Hàn là một bước đi lý tưởng đầu tiên, nhờ vào mối quan hệ gần gũi với Việt Nam, lập trường "cân bằng" của họ giữa các cường quốc gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga, và ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến của họ".

 

Bên cạnh đó, chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Á châu - Thái Bình Dương, Daniel K. Inouye, cho rằng Việt Nam muốn tránh rủi ro bị Mỹ trừng phạt vì mua vũ khí Nga.

 

Đến năm 2017, chính quyền Donald Trump, lần thứ nhất, đã ban hành Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) để đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea.

 

Theo đó, những nước như Việt Nam hoặc Ấn Độ nếu mua vũ khí của Nga thì sẽ bị nằm trong diện này.

 

Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn, Nga phải tập trung cho chiến trường và khó có thể cung cấp vũ khí hiện đại cho Việt Nam.

 

 

 

Ảnh: VGP

Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

 

 

 

Sau triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, chính phủ Việt Nam cho biết đã ký kết 16 hợp đồng trị giá 286,3 triệu USD và 17 thỏa thuận hợp tác chiến lược với các quốc gia có nền quốc phòng tiên tiến như Bỉ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Nam Hàn và Mỹ.

 

Theo hãng tin Reuters, Việt Nam hiện đang trong quá trình đàm phán mua hỏa tiễn Brahmos từ Ấn Độ và máy bay vận tải C-130J Hercules từ Mỹ.

 

Cũng tại triển lãm này, Mỹ đã đưa tới Việt Nam hàng loạt vũ khí, khí tài như lựu pháo M777, xe bọc thép Stryker, trực thăng CH-47F Chinook và tàu không người lái Wave Glider, với hi vọng thu hút sự quan tâm của Hà Nội.

 

Trong nhiệm kì đầu, tổng thống Donald Trump từng khuyến khích Việt Nam mua thêm vũ khí Mỹ, những thiết bị quân sự mà ông quảng bá là tốt nhất thế giới.

 

Dù cho rằng hiện nay Việt Nam sẽ khó mua thêm vũ khí tấn công của Mỹ, vì nhiều lí do trong đó có phản ứng từ Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cũng nhận định rằng Hà Nội có thể tăng cường hợp tác với các ngành công nghiệp quốc phòng của Washington về các công nghệ như máy bay không người lái và những công nghệ khác thiên về phòng thủ hơn là tấn công.

 

 

 

(Theo BBC)