Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 153.204 trường hợp mắc COVID-19 và 3.361 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 10 triệu người và trên 500 nghìn ca tử vong. Đại dịch đang có xu hướng trở lại và lây lan trên diện rộng hơn.
Tình nguyện viên Ấn Độ chuyển thi thể một bệnh nhân COVID-19 tới nghĩa trang ở Chennai ngày 16/6/2020. Ảnh: THX
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/6 (giờ GMT+7), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 10.228.319 ca, trong đó có 503.985 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 5.546.444 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 57.957 và 4.177.890 ca đang điều trị tích cực. Ngày 28/6, thế giới có 132 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Người dân đi bộ trên đường phố tại Sydney,Úc, ngày 24/6/2020. Ảnh: THX.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (35.221 ca), Brazil (28.202 ca) và Ấn Độ (19.620 ca); trong khi các nước Mexico (602 ca), Brazil (519 ca) và Ấn Độ (384 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong đó phải kể đến một số điểm nóng từng kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản. Trong khi Ấn Độ đối mặt với nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp ngày 18/6/2020. Ảnh: THX
Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Trên bình diện khu vực, Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico và Chile. Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Cảnh nhộn nhịp tại một tuyến phố ở New York, Mỹ sau khi các cửa hàng kinh doanh được phép mở trở lại sau thời gian đóng cửa do dịch COVID-19, ngày 24/6/2020. Ảnh: THX
Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất và đứng đầu thế giới cả về số ca mắc bệnh cũng như tử vong vì dịch COVID-19.
Tính tới sáng 29/6 (theo giờ GMT+7), "xứ sở cờ hoa" ghi nhận tổng cộng 2.631.724 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 128.412 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này tăng thêm 35.187 người mắc bệnh và 260 trường hợp tử vong.
Trước tình trạng số ca mắc mới gia tăng một cách đáng lo ngại trong những ngày gần đây, một số bang tại quốc gia này đã phải tạm hoãn các kế hoạch nới lỏng hạn chế. Mới nhất, cơ quan y tế bang Washington đã quyết định tạm ngừng việc chuyển sang giai đoạn 4 tại các hạt của bang này do số ca mắc mới trên toàn bang gia tăng.
Người tản bộ đeo khẩu trang tại Washington D.C., Mỹ ngày 18/5/2020. Ảnh: THX
Giai đoạn 4 đồng nghĩa các hoạt động trở lại bình thường, mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, song do số ca nhiễm đang có xu hướng tăng, chính quyền bang đã phải đưa ra quyết định trên.
Theo CNN, tính đến ngày 27/6, tổng cộng có 12 bang của Mỹ gồm Arizona, Arkansas, Delaware, Florida, Idaho, Louisiana, Maine, Nevada, New Mexico, North Carolina, Texas và Washington đã tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại.
Cùng ngày, các bang Florida, Georgia, South Carolina và Nevada đều ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã quyết định hủy các sự kiện liên quan đến chiến dịch tranh cử tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Santiago, Chile ngày 26/5/2020. Ảnh: AFP
Khu vực Mỹ Latinh cũng là điểm “nóng” dịch bệnh mới của thế giới, với số ca tử vong vượt 100.000 người trong khi số ca nhiễm đã tăng lên hơn 2 triệu người.
Các khu chợ buôn bán thực phẩm bị cho là những ổ dịch có nguy cơ lây lan cao. Các khu chợ có mái che bán hàng lương thực-thực phẩm tươi sống mang tính đặc trưng ở Mỹ Latinh được xem là môi trường gần như "hoàn hảo" cho dịch bệnh lây lan.
Hàng trăm triệu người dân trong khu vực phụ thuộc vào các khu chợ này về thực phẩm cũng như sinh kế. Các chuyên gia lo ngại dịch bệnh không được kiểm soát và khó khăn kinh tế càng làm suy yếu khả năng chống chọi của khu vực này nếu chính phủ các nước không có những biện pháp quyết liệt hơn, cũng như cần sự hỗ trợ tích cực của quốc tế.
Brazil là quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất châu Mỹ trong 1 ngày qua, với 519 trường hợp. Xứ sở Samba tới nay đã có tổng cộng 1.344.143 ca mắc bệnh và 57.622 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại thủ đô Sofia, Bulgaria ngày 11/4/2020. Ảnh: AFP
Tại châu Âu, Chính phủ Anh đang cân nhắc áp đặt lệnh phong tỏa tại thành phố Leicester với 350.000 dân, sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây gia tăng. Trong hai tuần tính đến ngày 16/6 vừa qua, Leicester đã ghi nhận hơn 650 ca mắc COVID-19.
Anh tới tới sáng 29/6 đã có tổng cộng 311.151 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 43.550 trường hợp tử vong.
Khách du lịch tại thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP
Trong khi đó, Ireland sẽ duy trì việc cách ly 14 ngày đối với du khách tới từ Anh vào tháng 7 tới, dù nước này đã lên kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại với một số quốc gia.
Trước đó, Chính phủ Ireland thông báo đang lên kế hoạch dỡ bỏ biện pháp cách ly 14 ngày đối với du khách tới từ những quốc gia đã kiểm soát được dịch COVID-19 từ ngày 9/7 tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Berlin, Đức, ngày 15/6/2020. Ảnh: THX
Tại Đức, khi tổng số ca nhiễm vượt 194.000 ca, trong đó có hơn 9.000 ca tử vong, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo người dân về hành vi bất cẩn trước những diễn biến nguy hiểm còn tiếp diễn do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu điện ngầm ở Tehran, Iran, ngày 30/5/2020. Ảnh: THX
Tại Trung Đông, Iran sẽ áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở một số khu vực để đề phòng dịch bệnh đồng thời một số tỉnh chịu tác động nặng nề của dịch bệnh được phép áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế nếu cần.
Kể từ khi Iran ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên hôm 19/2, đến nay số ca tử vong ở nước này đã vượt mức 10.000 người trong khi số ca mắc bệnh đã tăng lên hơn 220.000 người.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thành phố Tel Aviv, Israel ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP
Ngày 28/6, Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein cảnh báo nước này đang bước vào giai đoạn khởi đầu của làn sóng lây nhiễm thứ 2 của đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Edelstein đã đưa cảnh báo trên sau một cuộc họp do Thủ tướng Benjamin Netanyahu chủ trì về những biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan với số ca mắc mới tăng nhanh mỗi ngày sau khi Israel nới lỏng các biện pháp phong tỏa và hạn chế hồi tháng 5.
Cũng trong ngày 28/6, thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết đã có thêm 218 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc ở nước này kể từ dịch bùng phát lên 23.639.
Người dân trên đường phố tại Sydney, Úc, ngày 24/6/2020. Ảnh: THX
Tại Úc, tiểu bang Victoria sáng 28/6 ghi nhận thêm 49 ca nhiễm virus, trong đó có 19 ca chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Victoria là bang duy nhất ở Úc có số lượng ca nhiễm hằng ngày tăng, lên mức 2 con số trong hơn một tuần qua.
Tới sáng 29/6,Úc ghi nhận tổng cộng 7.764 ca mắc COVID-19 và 104 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ ngày 16/6/2020. Ảnh: THX
Khi dịch bệnh vẫn diễn biến mạnh dẫn tới tình trạng thiếu giường bệnh, Ấn Độ đã sẵn sàng đưa vào hoạt động Trung tâm điều trị COVID Sardar Patel, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh COVID-19 lớn nhất thế giới.
Bệnh viện có quy mô hơn 10.000 giường bệnh, được thiết lập ở Chhatarpur, Delhi, trong đó 2.000 giường bệnh đã sẵn sàng đón nhận bệnh nhân có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.
Dự kiến hơn 1.000 bác sĩ và nhân viên y tế sẽ được triển khai để làm việc tại đây, cùng sự trợ giúp của Lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP).
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/6/2020. Ảnh: AFP
Dịch bệnh diễn biến "nghiêm trọng và phức tạp" là lời nhận định của quan chức tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) trong bối cảnh giới chức nước này tuyên bố phong tỏa thêm một huyện gần thủ đô do phát hiện ổ dịch mới.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn các quan chức y tế Trung Quốc ngày 28/6 cho biết nhà chức trách sẽ phong tỏa và kiểm soát toàn bộ huyện An Tân, thuộc tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150km. Theo đó, mỗi hộ gia đình chỉ có một người được phép ra khỏi nhà một lần trong ngày để mua nhu yếu phẩm như thức ăn và thuốc chữa bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/6/2020. Ảnh: AFP
Biện pháp trên được áp dụng trong bối cảnh sau khi kiểm soát cơ bản được dịch bệnh trên cả nước, gần đây, giới chức y tế Trung Quốc lại phát hiện ổ dịch mới liên quan chợ đầu mối Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, và số ca mới tại tỉnh Hà Bắc trong những tuần gần đây cũng có xu hướng gia tăng.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 28/6 thông báo đã ghi nhận 17 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục trong ngày 27/6, trong đó có 14 ca lây nhiễm trong nước và 3 ca từ nước ngoài nhập cảnh. Toàn bộ các ca nhiễm trong nước đều được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh. Không ghi nhận ca tử vong mới.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thành phố Daegu, Nam Hàn ngày 2/3/2020. Ảnh: THX
Sau thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh, Nam Hàn những ngày gần đây đang đối mặt với những áp lực mới khi số ca nhiễm mới do lây lan trong nước và nhập cảnh đều tăng.
Ngày 28/6, Nam Hàn ghi nhận thêm 62 ca, nâng tổng số ca nhiễm của cả nước lên 12.715 ca, trong đó 282 ca tử vong. Kể từ khi Nam Hàn nới lỏng lệnh "giãn cách xã hội" vào ngày 6/5 vừa qua, tại nước này xuất hiện các cụm lây nhiễm lẻ tẻ.
Khu vực đô thị (Seoul và vùng phụ cận) đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai. Nhà chức trách cảnh báo Nam Hàn cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống dịch kéo dài.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 14/6/2020. Ảnh: THX
Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản cùng ngày cho biết có thêm 60 ca nhiễm tại thành phố này, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi chính phủ gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh hồi cuối tháng 5.
Cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện một số ổ dịch có liên quan đến khu vực hoạt động ban đêm.
Tuần trước, chính quyền thành phố Tokyo đã gỡ bỏ các hạn chế, cho phép buổi biểu diễn nhạc sống, câu lạc bộ đêm được mở cửa trở lại.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 10/4/2020. Ảnh: AFP/ TTX
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.086 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.200 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Indonesia tình hình ngày càng nghiêm trọng khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục ở mức cao.
Hiện “quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực ASEAN có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.212 người dân ở khu vực này, tăng 42 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 145.696 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 82.357 trường hợp. Campuchia sau nhiều ngày bình yên, ngày 28/6, đã ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 mới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 23/6/2020. Ảnh: THX
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Dù vậy, tâm lý lo sợ một làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng gia tăng tại nhiều khu vực của thế giới, và Đông Nam Á không phải là ngoại lệ.
Bắt đầu từ ngày 29/6, Nam Phi cho phép một số lĩnh vực kinh tế - xã hội được hoạt động trở lại nhằm từng bước phục hồi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do các tiêu động tiêu cực từ dịch COVID-19, bất chấp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này liên tục tăng cao trong những tuần vừa qua khi số ca nhiễm gần lên tới 140.000 người, trong đó bao gồm hơn 2.000 ca tử vong.
Thông báo từ Phủ Tổng thống Nam Phi cho biết các lĩnh vực được mở cửa trở lại từ ngày 29/6 bao gồm dịch vụ nhà hàng, hội họp, chiếu bóng và casino. Đây là bước hiện thức hóa tuyên bố hôm 18/6 của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa về lộ trình nới lỏng hạn chế trong các hoạt động kinh tế - xã hội mà nước này áp dụng trước đó nhằm giảm đà lây lan của dịch COVID-19.
Kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên hôm 5/3, đến hết ngày 17/6, Nam Phi ghi nhận 138.134 ca bệnh với 2.456 ca tử vong và 68.925 người đã khỏi bệnh. Trong thời gian trên, nước này đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 1,5 triệu người và đo thân nhiệt cho hơn 20 triệu người.
Phân phát khẩu trang miễn phí cho người dân phòng lây nhiễm COVID-19 tại thủ đô Algiers, Algeria. Ảnh: AFP
Ngày 28/6, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tuyên bố quốc gia Bắc Phi sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới trên bộ, trên không và trên biển cho đến khi đại dịch COVID-19 ở nước này hoàn toàn được kiểm soát.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nhà chức trách Algeria quan ngại về tình trạng số ca mắc COVID-19 mới liên tục tăng cao kỷ lục những ngày gần đây. Riêng trong ngày 28/6, Bộ Y tế Algeria cho biết đã có thêm 305 ca mắc mới. Đây là số ca cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia Bắc Phi hôm 25/2 đến nay.
Tính đến 17h ngày 28/6 theo giờ địa phương, Algeria đã ghi nhận 13.273 ca mắc COVID-19, trong đó 897 trường hợp đã tử vong. Kể từ tháng 3, Algeria đã đóng cửa mọi cửa khẩu trên đất liền với các nước láng giềng, đồng thời ngừng khai thác bay thương mại trong nước và quốc tế.