Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 21/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 8.894.711 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó số ca tử vong là 465.944.
Trong 24 giờ qua, thế giới có 143.721 người mắc COVID-19 và 4.124 người tử vong. Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua là Mỹ với 29.061 ca. Tiếp đó là Brazil với 29.011 ca, Ấn Độ với 15.915 ca. Các nước còn lại đều ghi nhận dưới 10.000 ca mắc trong 24 giờ qua.
Số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất được ghi nhận ở Brazil với 886 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 49.976 ca. Đứng thứ hai là Mexico với 647 ca, tiếp đó là Mỹ với 493 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Tính tới nay, toàn thế giới đã có 4.724.627 người khỏi bệnh, nhưng vẫn còn 54.492 ca nguy kịch.
6 thành viên vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ mắc COVID-19.
Ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trên một đường phố ở Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ ngày 19/6. Ảnh: AFP
Giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo 6 thành viên của nhóm tham gia chuẩn bị sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tulsa, bang Oklahoma đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong một thông báo được đưa ra vài tiếng trước khi sự kiện diễn ra, ông Tim Murtaugh cho biết: “Đối với các nguyên tắc an toàn, nhân viên chiến dịch được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước các sự kiện. 6 thành viên của nhóm đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Các quy trình cách ly đã được thực hiện ngay lập tức”.
Ngoài ra, ông Murtaugh cũng cho biết không có bất kỳ nhân viên có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc bất kỳ ai có tiếp xúc với họ sẽ được tham dự hoặc tới gần người tham dự sự kiện.
Trong khi đó, bang Florida ghi nhận trên 4.000 trường hợp có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 19/6, mức cao kỷ lục mới trong ngày trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục nhảy vọt trong những ngày gần đây. Tổng số ca nhiễm bệnh COVID-19 tại bang này đã lên tới gần 94.000 người, trong đó có trên 3.100 trường hợp tử vong.
Cùng với Florida, bang Arizona và Texas cũng gia tăng đột biến ca nhiễm bệnh mới. Những bang này đã nới lỏng nhiều quy định như yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Một quán bar ngoài trời mở cửa trở lại tại New York, Mỹ ngày 7/6. Ảnh: AFP
Còn tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo thông báo các chuyên gia y tế công đã nhất trí với đề xuất cho phép thành phố New York bước sang giai đoạn 2 tái khởi động nền kinh tế.
Phát biểu trước báo giới, Thống đốc Cuomo đánh giá cao công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như nỗ lực của toàn thể cộng đồng trong việc ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh này. Tuy nhiên, ông cảnh báo đại dịch vẫn chưa qua và người dân vẫn phải cách giác nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Các chính quyền địa phương vẫn phải đảm bảo tuân thủ và thực hiện việc truy dấu các ca nhiễm, cũng như cảnh giác nguy cơ lây nhiễm đến từ các bang khác.
New York hiện là một trong những bang có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất trong tổng số 50 bang của nước Mỹ. Trong số 79.308 xét nghiệm được thực hiện tại bang này ngày 18/6 có 376 ca, tương đương 1%, cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tỷ lệ lây nhiễm tại thành phố New York hiện là 1,10%. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, bang New York đã ghi nhận tổng cộng 386.446 ca, trong đó thành phố New York chiếm 211.670 ca.
Thống đốc Andrew Cuomo tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP
Viện Y tế Quốc gia (NIH) ngày 20/6 cho biết viện này đã ngừng thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá sự an toàn và hiệu quả của thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine trong điều trị cho các bệnh nhân nhập viện do COVID-19. Trong một tuyên bố, NIH cho biết nghiên cứu của viện này cho thấy thuốc hydroxychloroquine không mang lại bất cứ lợi ích nào cho các bệnh nhân, mặc dù thuốc này cũng không gây hại.
Số bệnh nhân tại châu Âu vượt quá 2,5 triệu người
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Milan, Italy. Ảnh: AFP
Theo số liệu cập nhật của hãng tin Pháp AFP, ngày 20/6 (giờ Việt Nam), số bệnh nhân COVID-19 tại các nước châu Âu kể từ khi đại dịch bùng phát đã vượt quá 2,5 triệu người, trong đó hơn 50% là ở các nước Nga, Anh, Tây Ban Nha và Italy.
Với trên 192.000 ca tử vong, châu Âu hiện là châu lục bị ảnh hưởng dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới. Nga có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất tại châu Âu. Tiếp đến là Anh, Tây Ban Nha và Italy.
Tình hình dịch COVID-19 tại Đức có diễn biến xấu đi sau khi chính quyền địa phương phát hiện một số ổ dịch mới với số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên tới hàng nghìn ca tại bang North Rhine-Westfalen.
Theo thông báo ngày 20/6 của giới chức quận Gütersloh thuộc bang North Rhine-Westfalen, sau khi xét nghiệm 3.127 nhân viên công ty chế biến thịt hàng đầu của Đức Tönnies, chính quyền địa phương đã xác nhận có 1.029 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Thủ hiến bang North Rhine-Westfalen đánh giá việc lây nhiễm “là lớn nhất và chưa từng có ở bang” và không loại trừ khả năng phong tỏa trở lại đối với khu vực này. Cùng ngày, Quân đội liên bang đã triển khai thêm 40 binh sỹ hỗ trợ nhân viên y tế và nhân viên quận Gütersloh trong việc kiểm tra phòng dịch.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại công viên Chateau de Versailles gần Paris, Pháp. Ảnh: THX
Trong 24 giờ qua tính tới 6 giờ sáng 21/6 (giờ Việt Nam), Pháp ghi nhận 16 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này lên 29.633 người.
Ngoài ra, Pháp có thêm 641 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Pháp lên 160.093 ca. Ngày 19/6 đánh dấu lần đầu tiên số ca mắc COVID-19 phải nhập viện giảm xuống dưới 10.000 ca kể từ ngày 23/3. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của phần lớn số ca nhập viện vẫn ở mức xấu.
Pháp hiện là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Brazil, Anh và Italy.
Viện Y tế Cấp cao Italy (ISS) đã kêu gọi thận trọng sau khi nhận thấy "những dấu hiệu cảnh báo" hồi tuần trước về nguy cơ lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2, đặc biệt liên quan đợt bùng phát các ca mắc COVID-19 tại thủ đô Rome.
Trong báo cáo hằng tuần, ISS nêu rõ tình hình hiện nay tương đối khả quan, nhưng vẫn còn nguy cơ lây nhiễm đáng kể. Tại một số vùng, vẫn ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 ở mức cao. Lazio hiện đứng đầu về số ca mắc, vượt trên cả vùng Lombardy - nơi là tâm điểm khởi nguồn dịch bệnh tại Italy.
Hai ổ dịch mới cũng đã được xác định trong những ngày gần đây tại Rome. Một ở khu vực sinh sống của người lao động và một tại bệnh viện. Hiện giới chức y tế cho biết tình hình đã được kiểm soát. Tuy nhiên, ISS khuyến cáo cần hết sức thận trọng do cơ quan này đã xác định được những khu vực tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh nhất định tại quốc gia Nam Âu.
Tính đến nay, Italy ghi nhận tổng cộng 238.275 ca mắc COVID-19, trong đó có 34.610 ca tử vong. Dịch bệnh hiện đã nằm trong tầm kiểm soát của giới chức trách, với số ca mắc bệnh và tử vong giảm đáng kể.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vacsava, Ba Lan ngày 14/6. Ảnh: THX.
Tại Ba Lan, Phó Thủ tướng Jacek Sasin tuyên bố giới chức y tế đã kiểm soát được ổ dịch COVID-19 liên quan khu khai thác than tại tỉnh Silesia ở miền Nam nước này.
Phát biểu họp báo, Phó Thủ tướng Sasin nhấn mạnh đợt bùng phát dịch bệnh tại nhiều mỏ than ở khu khai thác nói trên đã được khống chế. Số ca mắc bệnh đã giảm đáng kể từ mức 200 xuống dưới 100 trong 2 ngày 18-19/6. Các công nhân có thể trở lại làm việc khi các mỏ mở cửa lại vào cuối tháng này, sau 3 tuần tạm ngừng hoạt động.
Tại Anh, siêu thị Asda thuộc sở hữu của Tập đoàn bán lẻ Walmart cho biết đợt bùng phát các ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại một xưởng chế biến thịt ở miền Bắc xứ England, Vương quốc Anh đã khiến siêu thị này tạm thời đóng cửa.
Asda nêu rõ siêu thị đang làm việc với giới chức y tế để đảm bảo tất cả các nhân viên được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và việc đóng cửa siêu thị tại Cleckheaton, Tây Yorkshire không phải là điều bắt buộc mà chỉ là một biện pháp phòng ngừa.
Cyprus đã bổ sung 13 quốc gia vào danh sách gồm 2 nhóm có du khách được phép nhập cảnh đảo quốc phía Đông Địa Trung Hải này.
Bộ Y tế Cyprus thông báo 4 quốc gia gồm Australia, Hàn Quốc, Lichtenstein và Iceland được bổ sung vào Nhóm "A" hiện gồm 18 nước khác "nguy cơ (dịch COVID-19) thấp", theo đó công dân những nước này có thể nhập cảnh vào Cyprus kể từ ngày 20/6 mà không cần cung cấp giấy chứng nhận không mắc COVID-19.
9 quốc gia khác (Bỉ, Pháp, Ireland, Italy, Liban, Jordan, Hà Lan, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) được bổ sung vào Nhóm B "nguy cơ có khả năng thấp" cùng Israel, Ba Lan và Romania. Theo đó, công dân các nước này cần có giấy chứng nhận không mắc COVID-19 tại thời điểm nhập cảnh Cyprus.
Bắc Kinh mở rộng đối tượng xét nghiệm acid nucleic
Nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm acid nucleic cho người dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 20/6. Ảnh: THX
Giới chức thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang tiến hành kiểm tra để truy dấu virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể có trên các nguồn thực phẩm và nhân viên giao hàng. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình trong bối cảnh đợt bùng phát dịch bệnh mới đang xuất hiện tại thành phố.
Theo Tân Hoa Xã, đến sáng 20/6, các cơ sở y tế tại Bắc Kinh đã tiến hành xét nghiệm acid nucleic cho gần 2,3 triệu người dân. Giới chức y tế đặt mục tiêu mở rộng diện xét nghiệm trên toàn thành phố 20 triệu dân sau khi phát hiện ổ dịch liên quan đến chợ đầu mối Tân Phát Địa hơn một tuần trước.
Số ca mắc COVID-19 mới, được phát hiện lần đầu tiên tại Bắc Kinh sau nhiều tháng khống chế được dịch, hiện đã vượt con số được ghi nhận hồi đầu tháng hai vừa qua, thời điểm Trung Quốc đang là tâm dịch của thế giới. Theo giới chức y tế thành phố, trước đó, việc xét nghiệm tập trung vào dân cư tại những khu vực gần chợ Tân Phát Địa và những người làm việc hoặc buôn bán gần khu vực này. Giới chức thành phố đang mở rộng diện xét nghiệm với hàng chục nghìn nhân viên giao hàng thường xuyên đi lại trong thành phố, nơi các đội xe ba bánh được dùng để vận chuyển bưu kiện và thực phẩm rất phổ biến.
Nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm acid nucleic cho người dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/6. Ảnh: THX
Theo tờ Beijing News, các nhân viên làm việc tại Công ty Chuyển phát nhanh SF Express, hãng vận chuyển lớn thứ hai của Trung Quốc, đã phải đến một số điểm tại Bắc Kinh đế tiến hành xét nghiệm theo từng đợt trong ngày 19/6. Công ty cung cấp thực phẩm Meituan Dianping cũng khẳng định rằng tất cả mọi người trong thành phố sẽ phải tiến hành xét nghiệm acid nucleic và những người chuyên giao hàng ở những khu vực có nguy cơ cao sẽ tạm thời phải nghỉ việc và cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Theo báo trên, tất cả những người giao hàng trong thành phố Bắc Kinh sẽ được tiến hành xét nghiệm vào tuần tới.
Từ ngày 11/6 đến nay, Bắc Kinh đã ghi nhận trên 200 ca mắc COVID-19 liên quan ổ dịch tại khu chợ Tân Phát Địa, riêng ngày 19/6 có thêm 22 ca. Các chuyên gia cảnh báo nếu Bắc Kinh không có biện pháp kịp thời để kiềm chế sự lây lan, thì sẽ lặp lại tình trạng dịch bệnh tại thành phố Vũ Hán. Sự bùng phát dịch bệnh ở Bắc Kinh đã được dự báo và có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào. Theo điều tra dịch tễ học, chợ Tân Phát Địa có nhiều thương nhân buôn bán hải sản hơn các thương nhân khác, và họ cũng cho thấy nhiều triệu chứng hơn những người khác. Về lý do tại sao các khu chợ ẩm ướt dường như là nguồn lây lan virus SARS-CoV-2, các chuyên gia cho rằng hải sản được bảo quản ở nhiệt độ thấp và điều kiện ẩm ướt, môi trường sống của virus, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận điều này.
Ca mắc bệnh tăng mạnh tại Ấn Độ
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Chennai, Ấn Độ ngày 22/4. Ảnh: THX
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ tiếp tục tăng mạnh. Cả nước ghi nhận 15.915 ca nhiễm và 307 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 và số ca tử vong từ khi dịch bệnh bùng phát lên lần lượt là 411.727 và 13.277 người. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày từ đầu dịch đến nay tại Ấn Độ.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ đã tăng từ 4,6% trong tuần kết thúc vào ngày 17/5 lên 7,8% trong tuần kết thúc vào ngày 17/6 vừa qua. Sự gia tăng đáng báo động hơn là ở các bang như Delhi và Haryana. Giới chuyên gia đánh giá điều này cho thấy chiều hướng dịch bệnh đang lây lan trên diện rộng.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ dương tính gia tăng, cùng với sự tăng mạnh các ca nhiễm mới cho thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan trong cộng đồng.
Theo phân tích của các quan chức và nhà nghiên cứu, dự kiến đến cuối tháng này, tổng số ca mắc COVID-19 ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Ấn Độ là New Delhi, Mumbai và Chennai sẽ tăng lên đến lần lượt là 100.000, 80.000 và 71.000 ca.
Tình hình tại Mỹ Latinh: Cuba tái khởi động nền kinh tế
Các bác sĩ trao đổi về chuyên môn về dịch bệnh COVID-19 tại một bệnh viện ở thủ đô La Habana, Cuba, ngày 5/5. Ảnh: AFP
Đúng 100 ngày kể từ khi tuyên bố bắt đầu chiến dịch chống COVID-19 từ ngày 10/3, Chính phủ Cuba đã cho phép bắt đầu giai đoạn đầu tiên của quá trình tái khởi động nền kinh tế - xã hội tại 13/15 tỉnh thành của cả nước.
Hai địa phương duy nhất vẫn buộc phải duy trì các biện pháp cách ly và phòng chống dịch là thủ đô La Habana và tỉnh lân cận Matanzas. Đây là 2 địa phương vẫn ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 trong thời gian qua, trong khi các tỉnh còn lại đã trải qua ít nhất 1 tuần không ghi nhận ca lây nhiễm nào.
Trong giai đoạn đầu quá trình khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, Cuba đã cho phép mở cửa trở lại một số hàng quán, dịch vụ dân sinh, giao thông công cộng, tuy nhiên vẫn hạn chế tối đa tụ tập đông người và người dân vẫn buộc phải sử dụng khẩu trang khi ra đường. Dự kiến trong thời gian tới, Cuba sẽ mở lại một số dịch vụ du lịch nội địa, tiếp đó là một số dịch vụ du lịch quốc tế tại các cù lao vốn có đặc điểm biệt lập hầu như hoàn toàn với các khu dân cư. Chính phủ Cuba và các chính quyền địa phương cũng xem xét từng bước nối lại hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, trong khi học sinh các cấp phổ thông trên toàn quốc sẽ nghỉ tới tháng 9 tới để tiếp tục chương trình học còn dang dở.
Tính tới 6 giờ sáng 21/6 (giờ Việt Nam), Cuba đã ghi nhận 2.309 ca mắc COVID-19, trong đó có 85 người tử vong. Dù đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại và là một trong những nước phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất tại khu vực Mỹ Latinh, Chính phủ Cuba vẫn liên tục khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cũng như cảnh báo nguy cơ về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Ngày 19/6, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei đã công bố quyết định thay thế Bộ trưởng Y tế nước này Hugo Monroy, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 cẫn diễn biến phức tạp với các ca mắc liên tục gia tăng.
Tổng thống Giammattei thông báo người thay thế vị trí của ông Monroy là tiến sĩ Maria Amelia Flores Gonzalez, chuyên gia trong ngành virus học. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Guatemala cũng bổ nhiệm một số vị trí lãnh đạo mới trong các vị trí chủ chốt của ngành y tế như Thứ trưởng Vụ Chăm sóc Sức khỏe ban đầu, Thứ trưởng phụ trách Hệ thống Bệnh viện, Thứ trưởng Kỹ thuật và Vụ trưởng Hành chính Y tế.
Việc cải tổ một loạt các vị trí lãnh đạo trong cơ quan y tế Guatemala diễn ra trong bối cảnh chính phủ nước này đang phải hứng chịu hàng loạt chỉ trích vì cách điều hành trong công tác đối phó với đại dịch. Ngoài ra, một số quan chức y tế nước này cũng bị cáo buộc tham nhũng trong các hợp đồng mua bán thuốc men và vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch, dẫn tới việc hai Thứ trưởng kỹ thuật và hành chính bị buộc phải từ chức. Tính tới 6 giờ sáng 21/6 (giờ Việt Nam), Guatemala đã ghi nhận 12.509 ca mắc COVID-19 và 483 trường hợp tử vong.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại San Jose, Costa Rica. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Y tế Costa Rica Daniel Salas thông báo Chính phủ sẽ tạm dừng việc mở cửa trở lại nền kinh tế do sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong những ngày gần đây. Theo ông Salas, các cửa hàng và trung tâm mua sắm, các bãi biển, nhà thờ và các hoạt động khác sẽ tiếp tục đóng, đợi tới khi số ca mắc giảm. Giải bóng đá quốc gia cũng sẽ tạm ngừng cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Trong 24 giờ qua, Costa Rica ghi nhận 69 ca mắc, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 2.127ca. Đã có 12 người tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này. Số liệu chính phủ cho thấy trong giai đoạn từ tháng 2 - tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia Trung Mỹ này đã tăng tới 15,7%, khi 100.000 việc làm bị mất. Ngân hàng trung ương Costa Rica dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay có thể giảm 3,6%.
Người vô gia cư sống tại khu lều tạm để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Lima, Peru, ngày 31/3. Ảnh: AFP
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Peru (BCRP) dự báo kinh tế nước này sẽ sụt giảm 12,5% trong năm nay do tác động của dịch COVID-19. Đây là mức giảm lớn nhất trong 100 năm trở lại đây và lớn hơn rất nhiều so với mức dự báo sụt giảm từ 2,3% đưa ra hồi cuối năm ngoái.
Chủ tịch BCRP nhận định khủng hoảng COVID-19 khiến hàng triệu người mất việc làm và thu nhập, do đó, nghèo đói ở Peru sẽ tăng từ mức 20,5% của năm 2019 lên mức 27,4% trong năm nay. BCRP cũng ước tính thâm hụt tài khóa năm nay ở mức tương đương 9,7% GDP và đến năm 2021, ước tính thâm hụt tài chính là 4,4% GDP.
Để vực dậy nền kinh tế, Chính quyền của Tổng thống Martín Vizcarra đã đưa ra một gói kích thích kinh tế lịch sử tương đương với gần 17% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp và đảm bảo thu nhập của người dân, cũng như tài trợ cho cuộc chiến chống lại COVID-19. Theo thống kê chính thức, Peru đã ghi nhận trên 251.338 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.861 người tử vong, đứng thứ hai tại Mỹ Latinh sau Brazil.