(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

 

Nguồn: “Chinese companies are winning the global south,” The Economist, 01/08/2024.

 

Biên dịch: Tạ Kiều Trang (nghiencuuquocte.org)

 

Sự bành trướng ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc mang đến những bài học quan trọng cho các doanh nghiệp phương Tây.

 

 

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các tập đoàn lớn của các nước công nghiệp phát triển đã chi phối thương mại toàn cầu. Ngày nay, người tiêu dùng và người lao động tại hầu hết các quốc gia đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các hoạt động kinh doanh có phạm vi rải khắp thế giới của các tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ, châu Âu và ở một mức độ thấp hơn là Nhật Bản. Những tập đoàn lớn này hiện đối mặt với nguy cơ bị đe dọa, khi mà các công ty Trung Quốc trong các ngành công nghiệp, từ ô tô cho đến quần áo, đang mở rộng ra nước ngoài với tốc độ đáng kinh ngạc. Một cuộc cạnh tranh thương mại mới đã bắt đầu. Chiến trường không phải là Trung Quốc hay các nước phát triển, mà là các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở các nước thuộc phương Nam toàn cầu (Global South).

 

Sự bành trướng của các doanh nghiệp Trung Quốc diễn ra theo hai hình thức. Một là, thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tư mới có vốn trực tiếp từ nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã tăng gấp ba lần vào năm ngoái, lên đến 160 tỷ USD. Phần lớn trong số đó được chi cho việc xây dựng các nhà máy ở các nước từ Malaysia cho đến Ma-rốc. Một thực tế ít được chú ý hơn là các công ty Trung Quốc cũng đang nhắm đến 5 tỷ người tiêu dùng ở các nước đang phát triển còn lại. Kể từ năm 2016, các công ty niêm yết Trung Quốc có doanh số bán hàng tại các nước phương Nam tăng gấp bốn lần, đạt mức 800 tỷ USD, và hiện các công ty này bán hàng ở các nước đang phát triển nhiều hơn là ở các nước phát triển. Đối với phương Tây, nỗ lực đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc đem đến cho họ những bài học khó chịu.

 

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài một phần vì tăng trưởng kinh tế chậm lại và cạnh tranh khốc liệt ở trong nước. Các doanh nghiệp này đang làm suy yếu dần sự thống trị của các tập đoàn đa quốc gia ở khắp mọi nơi từ Indonesia cho đến Nigeria. Transsion, một công ty điện tử, sản xuất một nửa số điện thoại thông minh mà người dân châu Phi đang sở hữu. Mindray là công ty  cung cấp hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân hàng đầu ở Mỹ Latinh. Các công ty sản xuất xe điện và tua-bin phát điện bằng sức gió của Trung Quốc đang mở rộng thị trường tại các nước đang phát triển, nơi chiếm đến chín trong số mười thị trường lớn nhất của TikTok.

 

Tuy nhiên, sự mở rộng của Trung Quốc có hình thái cụ thể như hiện nay là hệ quả từ các chính sách của chính phủ phương Tây và Trung Quốc. Khi các nước phát triển dựng lên các rào cản thương mại để ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả hàng hoá như pin mặt trời và xe điện, một số công ty Trung Quốc cố gắng tránh các biện pháp hạn chế bằng cách dịch chuyển sản xuất sang các nước thuộc phương Nam toàn cầu. Đồng thời, việc bán hàng cho các thị trường mới nổi tự bản thân nó cũng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Con đường của các doanh nghiệp trở nên thuận lợi nhờ nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia phương Nam, đặc biệt là thông qua việc thúc đẩy 1 nghìn tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Khi phương Tây trở nên khép kín, Trung Quốc và phần còn lại của các nước đang phát triển đã xích lại gần nhau hơn.

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đối mặt với nhiều thách thức, một bài học quan trọng cho các viên chức hoạch định chính sách được chỉ ra: thương mại có thể đem lại những lợi ích to lớn. Hàng tỷ người sẽ được hưởng lợi từ việc có nhiều chọn lựa hơn về các sản phẩm giá rẻ, sáng tạo và thân thiện với môi sinh. Những chiếc điện thoại thông minh giá 100 USD của Transsion đã mang lại cho một số người nghèo nhất trên thế giới khả năng tiếp cận toàn bộ kiến thức và dịch vụ mà internet cung cấp. Các thiết bị y tế mức giá phải chăng sẽ cứu sống được rất nhiều mạng người. Công nghệ thân thiện với môi sinh có chi phí thấp giúp tăng khả năng các nước đang phát triển có thể kiểm soát lượng khí thải nhà kính ngay cả khi các nước này trở nên phát triển hơn và dân số tăng lên.

 

Một bài học khác là cái giá phải trả khi để các tập đoàn đa quốc gia phương Tây được miễn cạnh tranh. Sự cạnh tranh trong nước đã khiến các công ty Trung Quốc, từng bị coi thường vì sản xuất hàng nhái kém chất lượng, nay lại trở thành bậc thầy trong việc tạo ra sản phẩm cho người tiêu dùng thu nhập thấp, điều mà các công ty phương Tây chưa từng làm được. Hiện nay, các công ty Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện và pin, những ngành mà các chính phủ các nước phát triển đang bảo hộ cho doanh nghiệp của họ tại quê nhà. Ý tưởng cho rằng các thương hiệu Trung Quốc thiếu sức hấp dẫn toàn cầu đã bị phá vỡ bởi những công ty như Shein, một hãng thời trang nhanh (fast-fashion). Doanh số của các công ty Trung Quốc tại các nước thuộc phương Nam toàn cầu đã vượt qua các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản. Với xu hướng hiện tại, họ sẽ vượt qua các công ty châu Âu và sánh ngang với các công ty Mỹ vào năm 2030.

 

Đối với chính phủ các nước phương Nam, bài học của họ lại mang một sắc thái tinh tế hơn. Các viên chức hoạch định chính sách ở các nước sở tại có cơ hội để nâng cao đời sống cho người tiêu dùng tại đất nước họ, tạo việc làm, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các viên chức hoạch định chính sách phải cần khéo léo điều hướng giữa một bên là chủ nghĩa bảo hộ và bên kia là các chính sách mang tính thụ động.

 

Tương tự như ở phương Tây, các ngành công nghiệp địa phương cạnh tranh với các công ty Trung Quốc sẽ chỉ trích việc Trung Quốc trợ cấp doanh nghiệp trong nước và yêu cầu sự bảo hộ đặc biệt. Hiện Brazil đã áp thuế quan với xe điện, trong khi một số sản phẩm xuất cảng của Trung Quốc cũng đang bị đánh thuế ở Indonesia. Tuy nhiên, việc loại bỏ sản phẩm Trung Quốc sẽ khiến người tiêu dùng mất đi lợi ích của việc có nhiều sự lựa chọn và đổi mới, đồng thời giúp các ngành công nghiệp địa phương kém hiệu quả và trì trệ tránh phải cạnh tranh với Trung Quốc. Các viên chức hoạch định chính sách cũng cần thận trọng để không trở nên quá dễ dãi. Một số doanh nghiệp đã phải gánh chịu tổn thất khi các khoản vay trong sáng kiến Vành đai và Con đường không đạt được kết quả như mong đợi. Hiện nay, nhiều hoạt động kinh doanh của các công ty Trung Quốc ở các nước phương Nam chủ yếu chỉ liên quan đến khâu lắp ráp cuối cùng. Nhiều công ty được báo cáo là mang công nhân Trung Quốc đến làm việc thay vì tuyển dụng lao động địa phương. Để nền kinh tế của các nước đang phát triển thực sự hưởng lợi, các quốc gia này nên yêu cầu các công ty Trung Quốc tuyển dụng nhiều công nhân địa phương hơn, chia sẻ công nghệ và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và lao động địa phương.

 

Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận những yêu cầu trên. Qua nhiều năm, các tập đoàn đa quốc gia Mỹ và Nhật Bản đã nhận thấy lợi ích của việc đào tạo nhân viên địa phương và chuyển giao kiến thức, khi họ tìm cách tiếp cận gần hơn với thị trường mục tiêu, giảm chi phí và tránh phản ứng tiêu cực từ người dân địa phương. Tương tự, các công ty Trung Quốc cũng nhận ra lợi ích của việc thiết lập mối liên kết sâu sắc với các nước đang phát triển. Cũng như các mối quan hệ thương mại chặt chẽ đã nâng cao sức mạnh mềm của Mỹ và Nhật Bản vào cuối thế kỷ 20, Trung Quốc cũng có thể tăng cường ảnh hưởng của mình ở phương Nam toàn cầu.

 

Trong nhiều thập kỷ, phương Tây là nhóm ủng hộ mạnh mẽ nhất cho ý tưởng về toàn cầu hóa. Vì vậy, những hệ quả từ việc phương Tây quyết định trở nên khép kín để bảo vệ mình khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm mới có thể hiểu rõ hoàn toàn. Nhưng thế giới thì không ngừng chuyển động. Các tập đoàn đa quốc gia phương Tây từ lâu đã là những tác nhân chính trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới, và là những người hưởng lợi lớn từ sự cởi mở trong kinh doanh. Ngày nay, phương Tây lại đang đánh mất lợi thế ở những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và đông dân nhất thế giới. Còn Trung Quốc đã bắt đầu gặt hái lợi ích từ sự thay đổi này.

 

(nghiencuuquocte.org)