Ngoài Trung Quốc, hiện ở Pakistan cũng có mối quan ngại gia tăng về việc quân Mỹ và NATO sẽ rút hết khỏi nước Afghanistan láng giềng và nguy cơ nội chiến dữ dội mới bùng phát ở Afghanistan rồi lan ra khắp vùng.

 

 

Tin tức cho hay, Mỹ muốn Pakistan hối thúc phe Taliban dàn xếp hòa bình với chính phủ ở Kabul (thủ đô Afghanistan) trong thời kỳ sau khi quân Mỹ và NATO đã rút đi hết. Nhưng hiện nay, Taliban không chấp nhận cuộc “hôn nhân cưỡng ép” này.

 

 

 

 

Lính đặc nhiệm Afghanistan. Ảnh: Anadolu.

 

 

 

 

 

Pakistan muốn đẩy lùi thời điểm 11/9?.

Pakistan hiện nay công khai phản đối lộ trình của Mỹ rút hoàn toàn quân vào ngày 11/9/2021 và khẳng định rõ rằng Pakistan sẽ không chịu trách nhiệm nếu Afghanistan rơi vào vòng xoáy bạo lực sau đó.

 

 

Giới chức Pakistan cho hay họ sẵn lòng từ bỏ chính sách “chiều sâu chiến lược” đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Học thuyết quân sự này có nội dung là Pakistan sử dụng Afghanistan làm công cụ an ninh chiến lược trong căng thẳng từ trước đến nay giữa họ và Ấn Độ.

 

 

Chính quyền của Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã thể hiện sự sẵn lòng của họ làm việc với bất cứ chính phủ nào do nhân dân Afghanistan lựa chọn.

 

 

Tuy nhiên Mỹ vẫn nói rõ rằng tương lai quan hệ Mỹ-Pakistan phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của tiến trình hòa bình ở Afghanistan.

 

 

Asfandyar Mir, một học giả tại Đại học Stanford chuyên về vấn đề an ninh Nam Á, nói rằng tình trạng thiếu thống nhất ở Afghanistan có nghĩa rằng Taliban không đối mặt với bất cứ áp lực chính trị nội địa nào để phải đàm phán với chính quyền của Tổng thống Ghani.

 

 

Pakistan đã tiếp cận cả Kabul và Bắc Kinh dưới sự bảo trợ của cơ chế Đối thoại Ngoại trưởng Trung Quốc-Afghanistan-Pakistan để chuẩn bị một chiến lược khu vực chung nhằm xử lý tình hình hậu rút quân.

 

 

Pakistan e sợ rằng nếu không đạt được sự dàn xếp nào trước đợt rút quân Mỹ cuối cùng thì tình hình ở Afghanistan có thể nhanh chóng trở nên bạo lực hơn. Mà bất ổn tại Afghanistan có thể gieo rắc thêm bất ổn ở khu vực Trung Á rộng hơn, bao gồm cả vùng Tân Cương của Trung Quốc.

 

 

 

Trung Quốc cũng rất e ngại nếu Mỹ sớm rút hết quân.

Hiện Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), do người Duy Ngô Nhĩ dẫn dắt, hoạt động ở vùng biên giới của Afghanistan, Tajikistan và Trung Quốc nhằm tạo dựng một nhà nước độc lập với cái tên Đông Turkestan ở Tân Cương.

 

 

ETIM thu hút sự hậu thuẫn của Taliban. Phong trào này đã phát động nhiều cuộc tấn công ở Trung Quốc trong các năm qua. Lực lượng của Mỹ đã tấn công các mạng lưới của ETIM vào cuối năm 2018.

 

 

Jan Achakzai – cựu cố vấn cho chính quyền tỉnh Balochistan của Pakistan, nói rằng quan ngại của Trung Quốc về tình hình Afghanistan sau khi Mỹ rút quân vừa mang tính chiến lược vừa mang tính kinh tế.

 

 

Các nhà phân tích khác tin rằng Trung Quốc ưa thích một chính phủ chuyển tiếp của Taliban và Ghani cho đến khi có tổng tuyển cử và một chính phủ liên hiệp mới ra đời như con đường tốt nhất dẫn tới ổn định.

 

 

 

Giải pháp chính trị - cốt lõi của vấn đề.

Tháng trước Mỹ bảo đảm với Pakistan rằng Washington sẽ sát cánh với Islamabad nếu như việc rút quân của Mỹ là gây bất ổn định cho khu vực.

 

 

 

Hai bên được cho là đã trao đổi sơ bộ về việc cho phép Mỹ nối lại việc sử dụng các căn cứ tại Pakistan cho mục đích chống khủng bố. Trong vài năm qua, Pakistan không cho Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của mình do sự thiếu niềm tin đối với nhau trong thời gian đó.

 

 

Thủ tướng Pakistan đầu tháng 6/2021 nói rằng sự thiếu vắng giải pháp chính trị ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng đến toàn khu vực.

 

 

Thủ tướng Khan nói với giới truyền thông ở Islamabad: “Hiện nay ở Pakistan có nhiều nỗi sợ hãi. Tôi bảo đảm với quý vị rằng chúng tôi đang cố gắng ở cấp độ cao nhất để có được một giải pháp chính trị nào đó trước khi người Mỹ rút đi”.

 

 

Theo Achakzai, Pakistan đặc biệt lo ngại tình trạng bất ổn và chiến tranh gia tăng ở Afghanistan sẽ tạo ra làn sóng người di cư mới xuyên biên giới – điều mà Pakistan vẫn chưa sẵn sàng đón nhận do các vấn đề lớn về kinh tế và y tế.

 

 

Achakzai cho biết, Pakistan cũng lo lắng về sự lan tràn của chủ nghĩa khủng bố, sự bất ổn mới ở vùng biên giới, và cuộc đấu địa chính trị khốc liệt với Ấn Độ và Iran thông qua chiến tranh ủy nhiệm.

(Nguồn: Asia Times)