Một trong sáu người Úc uống ít nhất 5.2 ký-lô đường một năm chỉ từ các loại nước uống có chứa đường, Nguồn: AAP

(Theo SBS Việt Ngữ)

19 tổ chức tại Úc đã kết hợp với nhau để truyền thông về sự tai hại mà các đồ uống chứa đường ảnh hưởng tới sức khỏe.

Các tổ chức đang thúc giục chính phủ phải có những biện pháp làm giảm việc tiêu thục đồ uống có chứa đường trên cả nước.

Highlights:

-19 tổ chức của Úc cùng hỗ trợ chiến dịch mới của Ủy hội Ung thư.

-Chương trình “Hãy bắt đầu suy nghĩ lại về đồ uống chứa đường” nhắm đến mục tiêu giảm việc tiêu thụ loại nước uống này.

-Bảo tàng Victoria loại bỏ thức uống có đường ra khỏi các nhà hàng trong hệ thống.

Chiến dịch “Hãy bắt đầu suy nghĩ lại về đồ uống chứa đường” tung ra một quảng cáo trên truyền hình, cảnh báo công chúng về mối liên hệ giữa đường và tình trạng tăng cân, bệnh béo phì, các bệnh về tim và thận, cũng như các bệnh tiểu đường và ung thư.

Việc tiêu thụ các loại nước giải khát chứa nhiều đường còn dẫn đến những tác hại rất phổ biến với sức khỏe chẳng hạn như sâu răng, xẩy ra cho gần 50% trẻ em Úc.

Cứ khoảng 6 người Úc thì có 1 người tiêu thụ ít nhất 5.2 kg đường mỗi năm, chỉ bằng việc họ uống các loại đồ uống chứa đường, chứ chưa kể đến lượng đường trong các loại thức ăn khác.

Trong một chai nước giải khát có chứa đường 600ml đã có tới 16 muỗng đường.

Ông Craig Sinclair là Giám đốc Ủy Ban Phòng bệnh, thuộc Ủy hội Ung thư Victoria, và cũng là phát ngôn nhân của chương trình “Hãy bắt đầu suy nghĩ lại về đồ uống chứa đường”.

Ông nói thông qua việc tiếp thị, các nhãn nước giải khát có chứa đường gây nhiều ảnh hưởng lên giới trẻ vì các nhãn hàng này thường thâm nhập vào những tổ chức xã hội mà giới trẻ hay tụ tập. Ông nói:

“Chúng ta thường thấy nhiều quảng cáo liên quan tới thể thao, trên truyền hình và mạng xã hội. và những quảng cáo này được thực hiện theo một cái nhìn mang tính xây dựng rất tích cực. nó thường nói về sự liên hệ giữa thanh thiếu niên với những niềm vui trong cuộc sống, trong đó luôn có sự hiện diện của những loại nước uống chứa đường này”.

Ông Sinclair nói rằng thật cần thiết phải ngăn chặn sự hiện diện của các thức uống có chứa đường trong các hoạt động thể thao, tại trường học và nhiều nơi khác.

Một vài tổ chức như Museums Victoria đã xem xét các tiệm cà phê trong hệ thống bảo tàng của mình, và chỉ cho phép các tiệm này bán các loại nước có lợi cho sức khỏe.

CEO của Museums Victoria, ông Rod McNeil nói việc kiểm tra này là cần thiết để mang lại lợi ích cho cộng đồng.

“Phần lớn các du khách của chúng tôi là những gia đình trẻ. Chúng tôi cũng đón khoảng 250 ngàn học sinh đến tham quan bảo tàng mỗi năm. Vì vậy, chúng tôi phải dọn dẹp hết những loại nước giải khát chứa đường, cũng như tăng thêm số lượng các loại nước lọc và thức uống có lợi cho sức khỏe.”

Ông Sinclair nói một thay đổi nhỏ có thể mang lại ảnh hưởng lớn lao cho cộng đồng.

“Và chúng ta biết rằng dù các cửa hàng thay đổi mặt hàng giải khát của mình, không còn bán các loại nước uống có nhiều đường nữa, thì doanh số của cửa hàng vẫn không thay đổi. Khách đến mua cũng sẽ bắt đầu quyết định mua loại nước uống mà họ biết sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất cho cơ thể họ.”

Còn ông McNeil nói những nhà kinh doanh khác đều có thể theo đuổi mô hình này

“Tôi nghĩ thật tuyệt nếu các tổ chức giống như chúng tôi đều đề cao giá trị của các khách tham quan theo gia đình, và có thể thực hiện biện pháp này để tạo ra những sự lựa chọn tốt hơn cho khách hàng, và từ đó hướng dẫn cho mọi người một thói quen tốt.”

Nếu sự phổ biến của nước giải khát có đường được cho là vì các loại nước này rất dễ thấy và xuất hiện tràn ngập trong cửa hàng, thì một nguyên nhân nữa quan trọng không kém chính là giá cả của loại nước uống chứa đường so với các loại nước khác.   

Ông Craig Sinclair thuộc Ủy hội Ung thư nói những người sống ở miền quê nước Úc có thể không có được nhiều lựa chọn bổ ích như các khu vực thành thị.

“Đặc biệt trong cộng đồng ở các miền quê và các vùng xa xôi, thỉnh thoảng các loại nước giải khát có đường tràn ngập trong tủ lạnh, và thật khó để có thể tìm được một sự lựa chọn bổ ích hơn. Vì vậy việc nó có mặt ở khắp nơi, còn là vì giá cả, sự tiếp thị và số lượng áp đảo của nó”.

Ông Sinclair nói cuộc đối thoại thường bắt đầu trong các gia đình, khi cha mẹ giáo dục con về sự tai hại của đường trong các loại nước giải khát chứa đường.

Chương trình “Hãy bắt đầu suy nghĩ lại về đồ uống chứa đường” hy vọng sẽ khởi sự những chương trình truyền thông này, cùng với các chiến dịch quảng cáo thường xuyên trên mạng xã hội.