(Ảnh: BBC)
Thương Lê
Vai trò, BBC News Tiếng Việt
Sự chú ý trên thế giới sẽ đổ dồn về Moscow vào ngày 9/5, với việc Nga kỷ niệm ngày lễ lớn đánh dấu chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước Phát xít Đức vào 80 năm trước.
Đây vốn là dịp thường niên mà nhiều quốc gia kỷ niệm Đức Quốc xã đầu hàng trong Thế chiến II.
Ở Nga, họ gọi 9/5 là Ngày Chiến thắng và là ngày lễ quốc gia với các cuộc diễu hành quân sự và các bài phát biểu chính trị.
Năm 2022, chỉ mình Tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt trên khán đài, do các lãnh đạo quốc tế cố giữ khoảng cách với Moscow khi Nga bị quốc tế cô lập vì cuộc xâm lược Ukraine trước đó chưa đầy ba tháng.
Năm 2023, toàn bộ các lãnh đạo Trung Á đã có mặt, trong đó có Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan, Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus và Thủ tướng Nikol Vovayi Pashinyan của Armenia.
Con số này tiếp tục tăng lên trong năm 2024 rồi sang tới năm nay 2025, Điện Kremlin thông báo có 29 nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự lễ duyệt binh mà Moscow cho biết sẽ là hoành tráng nhất từ trước đến nay.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm nằm trong danh sách này, cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, cùng lãnh đạo Indonesia, Burkina Faso, Bosnia, Ai Cập, Zimbabwe, Iraq, Congo, Myanmar, Cuba, Ethiopia, Guinea Xích Đạo, cũng như các đồng minh truyền thống của Nga ở Trung Á.
Bên kia chiến tuyến, chính quyền Ukraine đã kêu gọi tất cả các quốc gia nước ngoài không cử quân nhân tham gia lễ duyệt binh ngày 9/5 tại Moscow.
Bài viết do Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam có đoạn, "Lời kêu gọi này đặc biệt nhắm tới các quốc gia tuyên bố giữ lập trường trung lập trước cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine hoặc khẳng định vị thế trung lập trong quan hệ quốc tế. Việc quân đội các quốc gia này cùng diễu hành sẽ là hành động đi ngược lại với lập trường trung lập đã tuyên bố và bị xem như sự ủng hộ dành cho quốc gia xâm lược".
Tuy nhiên, giáo sư danh dự Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Úc nói với BBC News Tiếng Việt rằng: "khó có thể lên án Việt Nam vì tham gia sự kiện này, bởi Tây phương cũng sẽ có mặt trong dịp này nếu cuộc chiến ở Ukraine không nổ ra".
Ông Thayer nêu quan điểm, "Liên Xô đã trả một cái giá rất đắt nhưng đã đóng góp lớn vào việc đánh bại chủ nghĩa phát xít. Cho nên tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ không bị Pháp hoặc Anh hay EU chỉ trích vì xuất hiện trong Ngày Chiến thắng, bởi vì đó là sự kiện mà toàn bộ Âu châu sẽ ăn mừng, chỉ là không ở Moscow vì họ có những bất đồng ở Ukraine".
Người Việt Nam ở Nga tụ tập xem tổng duyệt sự kiện Ngày Chiến thắng. Ảnh: Getty Images
Chuyến đi của ông Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm đang có chuyến công tác kéo dài từ 5 – 12/5 đến Nga và các nước Liên Xô cũ theo trình tự là: thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga, dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng tại Moscow và thăm cấp Nhà nước Belarus.
Phát biểu về chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết chuyến thăm là dịp để Việt Nam "khẳng định tình cảm thủy chung, mong muốn thúc đẩy hợp tác lâu dài, hiệu quả và cùng có lợi với Nga và các nước bạn bè truyền thống thuộc Liên Xô cũ, những quốc gia đã ủng hộ Việt Nam trong quá khứ và hiện tại".
Bình luận với BBC, Giáo sư Thayer cho rằng Lễ kỷ niệm ''80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại'' đã tạo cơ hội ngoại giao cho ông Tô Lâm thăm Nga, và người đứng đầu ĐCS VN đang đang thể hiện sự đoàn kết trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.
Đây là một chuyến thăm chính thức và rõ ràng đã có rất nhiều sự chuẩn bị.
Từ đầu tháng 4/2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong đó có nội dung chuẩn bị chuyến thăm của ông Tô Lâm.
Đến trước thềm chuyến thăm, Phó Thủ tướng Sơn đã nói với báo giới Nga rằng ông Tô Lâm sẽ có những cuộc tiếp xúc quan trọng với lãnh đạo cấp cao Nga trong chuyến thăm, qua đó tạo ra những xung lực mới trong hợp tác song phương.
Trong các lĩnh vực hợp tác giữa Nga và Việt Nam, quan chức hai bên đã tuyên bố rằng có bốn trụ cột trong đó đầu tư và thương mại, năng lượng, quốc phòng, an ninh.
Giáo sư Thayer dự đoán rằng nhân dịp này, sẽ có một số lượng lớn các thỏa thuận hợp tác được ký kết, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng mà Nga quan tâm như dầu khí, ký kết hoặc tiếp tục hợp đồng để giúp Việt Nam xây dựng dự án nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận.
Ông cũng cho rằng sẽ không có thông báo nào về việc Hà Nội mua vũ khí hoặc công nghệ của Nga trong chuyến thăm lần này.
Ông nói, "Họ sẽ giữ kín mọi cuộc thảo luận đó. Vì vậy, sẽ có các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật chung chung.”
“Nếu xét chuyến thăm của Putin tới Việt Nam vào tháng 6/2024, hai bên đã rất cẩn thận không đề cập đến hợp tác an ninh-quốc phòng truyền thống, vì các lệnh trừng phạt đối với Nga. Nhưng họ vẫn nói rằng quốc phòng và an ninh là một trong những trụ cột chính của mối quan hệ".
Trên thực tế, những năm gần đây Nga phải tập trung cho cuộc chiến ở Ukraine và đối mặt với lệnh cấm vận từ Tây phương nên Moscow không thể bán binh khí trên thế giới cũng như cung cấp kỹ thuật viên để bảo dưỡng và tân trang đi kèm.
Ông Thayer nhận định, "Vì vậy họ sẽ tô vẽ thêm cho vấn đề này rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận, và điều đáng chú ý là Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, sẽ tháp tùng Tổng Bí thư Tô Lâm".
Ông Tô Lâm tiếp ông Putin tại Hà Nội vào tháng 6/2024. Ảnh: Getty Images
Các nước thuộc Liên Xô cũ
Ngoài "người bạn lâu năm Nga", ông Tô Lâm còn có ba điểm đến là Kazakhstan, Azerbaijan, và Belarus. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước của người đứng đầu ĐCS VN tới các quốc gia này.
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, chuyến đi có ý nghĩa "củng cố tin cậy chính trị, truyền tải thông điệp về việc không ngừng vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác kênh Đảng".
Tính đến sáng ngày 8/5, trong chuyến đi này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với hai nước Kazakhstan và Azerbaijan.
Sau đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược là cấp quan hệ ngoại giao cao thứ hai của Việt Nam, rồi lần lượt tới đối tác toàn diện và đối tác song phương.
Theo quan điểm chính thức, Việt Nam đang đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế một cách chủ động và tích cực.
Giáo sư Thayer cho rằng chuyến đi của ông Tô Lâm tới ba quốc gia này chú trọng vào việc nâng cao tầm quan hệ "chỉ để trông có vẻ như mọi thứ đang tiến triển".
Xét về kinh tế, Belarus và Kazakhstan cùng với Nga là 3/5 nước của Liên minh kinh tế Á Âu, nhưng trong toàn bộ cán cân kinh tế của Việt Nam, các nước Trung Á không chiếm tỷ trọng lớn.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời Đại sứ Kazakhstan tại Hà Nội, Kanat Tumysh, rằng trong các năm 2023-2024 kim ngạch thương mại hai bên đạt xấp xỉ 1 tỷ USD/năm và còn nhiều triển vọng hợp tác.
Tuy nhiên, Giáo sư Thayer đánh giá rằng cơ hội về thương mại và đầu tư giữa hai bên không thực sự lớn.
Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam và Azerbaijan thống nhất sẽ ''tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí, đào tạo nguồn nhân lực về dầu khí''.
Azerbaijan là quốc gia đã đào tạo hàng ngàn kỹ sư dầu khí Việt Nam làm việc cho công ty vận tải dầu khí Sao Việt Petro. Mặc dù sự hợp tác trong lĩnh vực đào tạo chuyên nghiệp sẽ tiếp diễn, ông Thayer cho rằng số lượng học bổng mà bên này cung cấp cho bên kia hiện tại khá thấp.
Đối với Belarus, nhân vật quan sát Việt Nam lâu năm này cho rằng sẽ không có những thông tin sâu về những điều sẽ diễn ra trong chuyến thăm của ông Tô Lâm, mà có thể là những thông báo về tăng trưởng nhẹ theo hướng du lịch, mở các chuyến bay thẳng hay mở thị thực song phương.
Nhưng ông Thayer cũng đề cập đến một lĩnh vực mà Việt Nam có thể mở rộng hợp tác với các nước Trung Á này, là đường sắt.
Nếu hệ thống đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc được kết nối, các nước này có thể trở thành một phần trong tuyến đường trung gian để mở rộng mạng lưới đường sắt này đi qua Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến Trung Âu.
Ông nói với BBC, "Đó là tương lai xa, nhưng nó sẽ mở ra cơ hội kết nối và giảm chi phí vận chuyển".
Trong khi đó xét về địa chính trị, vị giáo sư danh dự của Đại học New South Wales cho rằng khu vực này quan trọng với Việt Nam vì đó là sân sau của Nga.
Ông nêu ví dụ rằng việc mở rộng hợp tác với họ sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng làm việc và huấn luyện với Nga, và điều đó sẽ mang lại lợi ích cho các bên.
Ông nói, "Việc Hà Nội có mặt tại sự kiện quan trọng của Moscow cho thấy rằng Việt Nam muốn hợp tác với Nga, vì sau tất cả, Nga là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là cường quốc nguyên tử và đóng vai trò tích cực trên toàn cầu".
Mạng lưới đường sắt xuyên Á có thể thông qua Trung Quốc để kết nối với tuyến đường sắt xuyên lục địa Á-Âu
Vai trò của ông Tô Lâm
Trong vai trò Tổng Bí thư ĐCS VN, ông Tô Lâm đã có các chuyến thăm tới hàng loạt quốc gia gồm Trung Quốc, Pháp và có chuyến công tác tới Mỹ..., hiện nay là Nga và các quốc gia Trung Á.
Giáo sư Thayer nhận định ông Tô Lâm đã kế thừa và đang sử dụng di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng, nhờ vào việc ông Trọng đã đến được Tòa Bạch Ốc, Nhật Bản, Âu châu, Vương Quốc Anh… và hợp pháp hóa ngoại giao với các quốc gia này thông qua Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thay vì các lãnh đạo nhà nước.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tô Lâm tới bốn nước này với tư cách là Tổng Bí thư, và cũng là lần đầu tiên Kazakhstan và Azerbaijan tiếp đón một Tổng Bí thư của Việt Nam.
Nhân vật quan sát Việt Nam lâu năm cho biết, "Có lẽ đây cũng là một dấu hiệu cho thấy Tô Lâm mong đợi được giữ chức sau Đại hội Đảng lần thứ 14 (dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026), và ông ấy xây dựng những mối quan hệ cá nhân này".
“Vì vậy, ông ấy đã làm lu mờ Chủ tịch nước và Thủ tướng trong các vấn đề đối ngoại, xây dựng và mở rộng di sản của người tiền nhiệm".
Tổng Bí thư Tô Lâm đã kế thừa di sản từ người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Getty Images/BBC
Ngày 8/5, Điện Kremlin chính thức phát động lệnh ngừng bắn 72 tiếng với Ukraine bắt đầu lúc 12 giờ đêm cùng ngày đến hôm 11/5 giờ địa phương theo lệnh của Tổng thống Putin, ngay kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng.
Phía Nga tuyên bố rằng lực lượng vũ trang nước này sẽ sẵn sàng đẩy lùi mọi cuộc tấn công nếu Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn, theo hãng thông tấn TASS của Nga.
Trước đó, vào ngày 4/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo rằng Kyiv không thể bảo đảm an toàn cho bất kỳ quan chức nước ngoài nào đến Moscow dự lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ (Red Square) trong bối cảnh cuộc chiến với Nga vẫn tiếp diễn.
Ông Zelensky nói, "Chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra trên lãnh thổ Liên bang Nga. Họ mới là bên phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của các vị, vì thế chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ bảo đảm nào cho các vị".
Trong đêm 5/5 cho đến rạng sáng ngày 6/5, các quan chức Nga cho biết Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (drone) nhắm vào thủ đô nước này khiến cả bốn phi trường lớn của Moscow phải đóng cửa trong vài giờ để bảo đảm an toàn.
Giáo sư Thayer nói với BBC rằng xác suất mà một drone ảnh hưởng đến phái đoàn của ông Tô Lâm tại Moscow khá nhỏ, vì cho đến nay dù Ukraine đã cố gắng tấn công ở một số địa điểm, phần lớn các thiết bị bay không người lái của họ đã bị quân Nga bắn hạ.
Dẫu vậy, ông cũng cho là mối đe dọa vẫn tồn tại, không thể đoán trước được nếu có nhiều drone được huy động tấn công.
Ông cho biết, "Dĩ nhiên là sẽ có những mối đe dọa, và nước chủ nhà Nga phải bảo đảm an ninh. Nếu có một thiết bị bay không người lái nào vượt qua được hệ thống phòng không của Nga và đặc biệt là xung quanh Moscow, thì đó là một sự sỉ nhục với Putin và làm suy yếu tuyên truyền của Nga rằng binh khí của họ vượt trội hơn Tây phương ".
Trong quá khứ, tại các sự kiện và triển lãm quốc phòng, Nga đã mời các nước khác tham gia, mời các bộ trưởng quốc phòng và các quan chức nước ngoài vào một hội trường lớn để xem những võ khí Tây phương mà Nga đã tịch thu và chứng minh sự yếu kém của chúng.
Cuộc tấn công bằng drone lớn nhất mà Ukraine tiến hành vào tháng 3/2025 nhắm vào Moscow đã khiến ba người thiệt mạng. Ảnh: Getty Images
Liệu Việt Nam có vướng vào vòng xoáy chọn phe?
Chuyến đi của Tổng Bí thư Tô Lâm diễn ta trong bối cảnh xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng trên toàn cầu và có sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa các cường quốc - chẳng hạn như Nga và Mỹ, và hiện nay là thương chiến Mỹ - Trung.
Việt Nam, quốc gia duy trì đường lối ngoại giao cây tre, cân bằng giữa các cường quốc giờ đây đang phải đối phó với mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam có nhiều lựa chọn để biến thách thức thành cơ hội và có thể thực hiện những thỏa thuận, trong khi vẫn bảo đảm rằng họ giữ được sự độc lập.
Ông đánh giá, "Thực tế là chính quyền Trump đang do dự và lưỡng lự về một giải pháp hòa bình giữa Nga - Ukraine, mang đến cho Việt Nam một cơ hội. Nếu lệnh ngừng bắn thực sự diễn ra và Nga được dỡ bỏ lệnh trừng phạt thì đó sẽ là một điều có lợi cho Việt Nam. Mặt khác, nếu mọi thứ không thuận lợi và không có dấu hiệu nào tốt trong thời điểm này, Việt Nam sẽ không muốn thu hút sự chú ý".
Nhắc đến chính sách quốc phòng "bốn không" của Việt Nam (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế), giáo sư Thayer cho rằng "bất kể tình hình có tồi tệ đến đâu, Việt Nam sẽ cố gắng duy trì con đường độc lập".
Ông dẫn chứn, "Tôi nghĩ lại thời điểm Việt Nam chiến đấu chống lại sự xâm lược của ngước ngoài và được Moscow và Bắc Kinh hậu thuẫn. Cả hai nước này đều có chiến tranh tư tưởng với nhau trong thời kỳ Mao Trạch Đông, tranh chấp Trung-Xô, mỗi bên cáo buộc bên kia không phải là xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Việt Nam có một kho kinh nghiệm lịch sử về cách đối phó với sự cạnh tranh của các lực lượng đối đầu".
Nhưng cũng theo vị giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, chuyến thăm tới bốn quốc gia của ông Tô Lâm lần này chỉ là "một phần nhỏ trong việc giải quyết vấn đề" duy trì đường lối cân bằng của Việt Nam.
Ông nhận định, "Vấn đề lớn hơn là hướng tới Âu châu, Trung Đông và những nơi khác".
Xét cho cùng, khó khăn của Việt Nam còn ở phía trước, khi chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời ông Trump hoàn toàn không thể đoán trước và thời hạn hoãn áp thuế 90 ngày của Washington với Hà Nội sẽ kết thúc vào tháng 7/2025.
Hôm 7/5, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper để thúc đẩy quá trình đàm phán nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại song phương Việt Nam – Mỹ tại trụ sở của bộ.
Trong lúc các quan chức đàm phán của Việt Nam đang làm việc, người ta có thể hy vọng cho điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
(Theo BBC)