Pháp vừa trở thành quốc gia mới nhất sau Australia, Canada, Anh và Mỹ tuyên bố sẽ không tham dự Hội nghị thế giới chống phân biệt chủng tộc (UN World Conference Against Racism - WCAR) do Liên Hợp Quốc tổ chức vào tháng 9.

 

 

 

 

Hội nghị thế giới chống phân biệt chủng tộc (UN World Conference Against Racism - WCAR) lần thứ nhất diễn ra ở Durban, Nam Phi năm 2001. Ảnh: UN

 

 

 

 

Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/8 ra thông cáo cho biết: "Lo ngại trước lịch sử các phát biểu bài Do Thái được đưa ra tại hội nghị chống phân biệt chủng tộc của Liên Hợp Quốc, còn được gọi là hội nghị Durban, Tổng thống quyết định Pháp sẽ không tham dự hội nghị sắp diễn ra  trong năm nay".

 

 

Trước Pháp, cả Úc, Gia Nã Đại (Canada), Anh Quốc và Mỹ đều thông báo sẽ tẩy chay sự kiện nói trên. Lí do của Anh cũng tương tự của Pháp. Trong khi, Canada và Mỹ giải thích rằng, họ không thể dung thứ việc hội nghị Durban thể hiện “quan điểm chống Israel”. Thủ tướng Úc, Scott Morrison, cáo buộc Liên Hợp Quốc thậm chí đã thúc đẩy "luận điệu tranh chấp và phiến diện nhằm loại trừ Israel", đồng thời khẳng định Canberra "sẽ không dính líu" đến một hội nghị như vậy.

 

 

Theo báo RT, đây không phải là lần đầu tiên sự kiện bị nhiều quốc gia tẩy chay. Australia, Canada, Đức, Israel, Italia, Hà Lan, New Zealand và Ba Lan đã từ chối tham dự vào năm 2009 và số quốc gia vắng mặt tại hội nghị vào năm 2011 đã tăng lên đến 14.

 

 

WCAR bắt đầu được tổ chức tại Durban, Nam Phi vào năm 2001. Cho đến nay, hội nghị đã thông qua Tuyên bố Durban và Chương trình hành động, yêu cầu các quốc gia cam kết giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc, kỳ thị sắc tộc, bài ngoại và không khoan dung ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.