Tình hình sức khỏe của Thủ tướng Anh, Boris Johnson, tiếp tục được cải thiện và ông được cho rời phòng chăm sóc đặc biệt. Bên kia đại dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hàng chục liệu pháp điều trị COVID-19 đang được thử nghiệm.

 

* Bản tin cập nhật lúc 9h50 ngày 10-4

 

Theo thống kê của trang worldometers, tính đến 7h sáng 10-4 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt mốc 1,6 triệu, trong khi số ca tử vong cũng lên hơn 95.000 ca. Số bình phục là 355,600 ca.

 

Châu Âu chi 550 tỉ euro cứu trợ trong dịch COVID-19

Theo hãng tin AP, chính phủ của 19 quốc gia có sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro rốt cuộc đã vượt qua được những khác biệt sâu sắc để ngày 9-4 đạt được thống nhất về khoản chi ngân sách cứu trợ trong dịch bệnh COVID-19.

 

Theo đó, các nước đồng ý dành 550 tỉ euro để hỗ trợ các công ty, người lao động và hệ thống y tế trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ông Mario Centeno, mô tả đây là một gói cứu trợ "hoàn toàn chưa từng có tiền lệ".

 

Daegu lần đầu không còn ca nhiễm mới

Theo hãng tin Reuters, thành phố Daegu (Hàn Quốc) hôm nay 10-4 không ghi nhận thêm ca bệnh nào, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 2. 

 

Cùng với đó, số ca nhiễm corona mới trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc cũng tiếp tục giảm. Trong thông tin cập nhật dịch bệnh sáng nay 10-4, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc (KCDC), nước này ghi nhận thêm 27 ca mới, mức thấp mới đáng kể theo ngày so với thời điểm đỉnh dịch hơn 900 ca một ngày hồi cuối tháng 2.

 

Daegu từng là ổ dịch lớn nhất sau Trung Quốc với ít nhất 6,807 ca bệnh (chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm cả nước).

 

Hiện Hàn Quốc có tổng cộng 10,450 ca bệnh COVID-19, trong đó 208 ca tử vong.

 

Một nhà tù ở Chicago có 450 người bị COVID-19

Khoảng 450 người gồm tù nhân và nhân viên tại nhà tù lớn nhất ở thành phố Chicago (Mỹ) là Cook County Jail (nhà tù hạt Cook) dương tính với virus corona chủng mới. Theo hãng tin Reuters, đây cũng là một trong những ổ dịch COVID-19 lớn nhất cho tới nay ở Mỹ.

 

 

Thủ tướng Anh rời khoa chăm sóc đặc biệt

Báo The Guardian dẫn thông báo chính thức của Văn phòng thủ tướng Anh ngày 10-4 cho biết ông Johnson được đưa ra khỏi khoa chăm sóc đặc biệt chiều 9-4 sau 3 đêm nằm ở đây. Một quan chức Anh trước đó cho biết ông Johnson phải thở oxy nhưng không cần sử dụng máy thở như tin đồn.

 

Tinh thần của thủ tướng Anh "cực kỳ tốt", thông báo nhấn mạnh đồng thời xác nhận ông Johnson vẫn chưa được xuất viện ngay. "Thủ tướng sẽ ở lại bệnh viện để các bác sĩ theo dõi sát giai đoạn đầu hồi phục".

 

Cho đến thời điểm hiện tại ông Johnson là lãnh đạo quốc gia cấp cao nhất bị nhiễm virus corona mới. Thủ tướng Anh xác nhận bị nhiễm bệnh hôm 27-3 song cho biết sẽ tự cách ly và làm việc từ xa.

 

Số ca nhập viện ở New York giảm mạnh 

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 10-4 cho biết số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã giảm mạnh trong vòng 24 giờ qua khi chỉ có 200 người nhập viện. Ông Cuomo khẳng định đây là mức thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và nhấn mạnh đó là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội ở New York. 

 

Tuy nhiên, ông Cuomo cũng thừa nhận số ca tử vong vẫn còn ở mức cao và tăng trong ngày thứ 3 liên tiếp với 799 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết vì COVID-19 tại bang New York lên 7,067. 

 

Cũng theo thống đốc New York, số giường trống ở bang này vẫn còn nhiều, lên tới 90,000 giường trong khi số ca đang nhập viện chỉ khoảng 18,000 người. Một số mô hình dự đoán trước đó nói số người cần nhập viện ở New York lên tới 110,000 người. 

 

Tổng số ca nhiễm ở New York tính tới ngày 9-4 là hơn 151,000, trong đó hơn 81.000 là ở thành phố New York, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

 

Hơn 12.600 nhân viên y tế Ý nhiễm bệnh, hơn 100 người đã chết 

Hãng thông tấn AFP ngày 9-4 dẫn thông cáo của hiệp hội các bác sĩ và nha sĩ Ý (FNOMCeO) cho biết số bác sĩ chết vì COVID-19 tại Ý đã tăng lên hơn 100 người. Trong số này có cả các bác sĩ đã nghỉ hưu nhưng trở lại bệnh viện cứu người theo lời kêu gọi của chính phủ. 

 

Truyền thông Ý cũng ước tính khoảng 30 y tá và điều dưỡng hỗ trợ cũng đã chết trong cuộc chiến với COVID-19. Hiện vẫn không có con số chính thức về số ca nhiễm là y bác sĩ và nhân viên y tế ở Ý. 

Viện Y tế quốc gia Ý ước tính khoảng 10% tổng số bệnh nhân là người làm trong lĩnh vực y tế bao gồm bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, lái xe cứu thương và các nhân viên hỗ trợ. 

 

Theo một thống kê khác, con số này là hơn 12,600 người. “Chúng ta không thể để các bác sĩ, nhân viên y tế đi chiến đấu với virus mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào. Đó là một cuộc chiến không công bằng”, đại diện FNOMCeO nhấn mạnh.

 

Mỹ đang thử nghiệm lâm sàng hàng chục liệu pháp điều trị COVID-19

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10-4 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận ít nhất 19 liệu pháp điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của viurs corona (COVID-19) đang được thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ.

 

Ông Trump cũng tiết lộ khoảng 26 liệu pháp điều trị khác đang được xúc tiến thử nghiệm lâm sàng và đánh giá hiệu quả.

 

Hiện vẫn chưa có vắcxin ngăn COVID-19 nhưng nhiều nước đã gia nhập cuộc đua chế tạo vắcxin làm dấy lên hi vọng nhân loại sẽ sớm tìm được cách khắc chế và ngăn ngừa loại virus chết người này.

 

Uber tặng hàng chục triệu khẩu trang xịn cho tài xế

Hãng đặt xe công nghệ Uber của Mỹ ngày 9-4 cho biết sẽ tặng "hàng chục triệu khẩu trang" cho các tài xế của hãng trên toàn thế giới trong nỗ lực đảm bảo an toàn cho cả hành khách và tài xế.

 

Lô hàng đầu tiên đã được chuyển tới thành phố New York, tâm dịch COVID-19 của nước Mỹ. Khoảng 500,000 khẩu trang sẽ được chuyển tới các thành phố khác ở Mỹ trong tuần này. Hồi tuần trước Uber cũng thông báo đã bắt đầu gởi nước sát khuẩn cho các tài xế của hãng theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

 

"Chúng tôi đã đặt hàng thêm hàng chục triệu khẩu trang và hi vọng chúng sẽ đến các thành phố và khu vực khác trên thế giới trong những tuần tới", đại diện Uber cho biết thêm.

 

Mỹ xét nghiệm COVID-19 nhiều nhất thế giới

Tổng thống Trump ngày 10-4 cho biết Mỹ đã xét nghiệm virus corona mới được hơn 2 triệu người ở nước này, nhấn mạnh các phương pháp xét nghiệm "có độ phức tạp và chính xác cực kỳ cao".

 

Trước đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết "năng suất" xét nghiệm của Mỹ hiện nay đã tăng lên 100,000 người/ngày.

 

 

Tổng số ca nhiễm của Mỹ cũng vì thế nhiều nhất thế giới với hơn 465,000 người nhiễm và khoảng 16,500 người khác tử vong tính đến sáng 10-4.