Thủ tướng Scott Morrison đã đến Singapore trước khi đến dự cuộc họp thượng đỉnh G7 . Nguồn: Lee Hsien Loong/Twitter
Thủ tướng Scott Morrison đã đạt được một thỏa thuận với Singapore nhằm lên kế hoạch cho một hành lang du lịch giữa hai nước khi tình hình cho phép.
Ông Morrison đã có một chuyến thăm ngắn đến Singapore vào thứ Năm để hội đàm với người đồng cấp Lý Hiển Long.
Đây là điểm dừng chân đầu tiên của ông trên đường đến Cornwall để dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7, cũng như các cuộc đàm phán thương mại và an ninh ở London và Paris.
Trong tuần qua, Singapore ghi nhận trung bình chỉ 4 ca nhiễm cộng đồng mỗi ngày. Việc triển khai vắc-xin đang được tiến hành tốt đẹp, các hạn chế đang được nới lỏng, và các bộ xét nghiệm nhanh sắp được bán cho công chúng tại các hiệu thuốc.
Ông Morrison nói rằng Singapore đã nỗ lực hết mình để kiểm soát đại dịch và đã đến lúc cân nhắc một hành lang du lịch tương tự như thoả thuận giữa Úc và New Zealand.
Ông nói “Không có gì cản trở chúng tôi – như chúng tôi đã thảo luận hôm nay – để bắt tay vào việc thiết lập các hệ thống nhằm xây dựng hành lang du lịch giữa Singapore và Úc”.
Học sinh và sinh viên từ đảo quốc sư tử sẽ được ưu tiên khi hành lang du lịch bắt đầu hoạt động.
Ông Lý phát biểu tại cuộc họp báo chung rằng thế giới đang chuyển sang “giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến” chống lại đại dịch COVID-19.
Hành lang du lịch “an toàn và tối ưu” sẽ bắt đầu với sự công nhận các giấy chứng nhận chủng ngừa của hai nước.
Ông nói “Khi đã sẵn sàng, chúng ta có thể bắt đầu với quy mô nhỏ bằng hành lang du lịch hàng không để xây dựng lòng tin cho cả đôi bên”.
Hai nhà lãnh đạo đã ký một biên bản ghi nhớ về chăm sóc sức khỏe và công nghệ y tế, và đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về một “cầu nối fintech” giúp việc hợp tác về công nghệ tài chính được dễ dàng hơn.
Đồng thời, một thỏa thuận về “nền kinh tế xanh” sẽ được thương lượng, cùng với sự hợp tác nhiều hơn về hydro và các nhiên liệu phát thải thấp khác.
Mặc dù ông Morrison dự kiến sẽ không đưa ra bất kỳ cam kết mới nào về khí hậu, Úc đang đối mặt với những lời kêu gọi ủng hộ một loại thuế đánh vào hàm lượng carbon của các mặt hàng nhập khẩu nhiều khí thải.
Tuy nhiên, ông cho rằng bất kỳ hình thức “thuế carbon” nào cũng đều đi ngược lại lợi ích quốc gia của Úc.
Ông Morrison cho biết trong khi chống biến đổi khí hậu là một vấn đề then chốt, các lĩnh vực trọng tâm khác sẽ là sự chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai, sự tăng trưởng do doanh nghiệp dẫn đầu, thương mại tự do và công bằng và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.