Theo tờ India Times, Ấn Độ có kế hoạch mời Úc tham dự cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar cùng với hai nước khác là Mỹ và Nhật Bản.
Tàu Hải quân Ấn Độ cùng tàu của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản diễn tập ngày 27/6/2020.
Ảnh: JMSDF
Ý định mời Úc dự tập trận Malabar xuất hiện tại thời điểm quan hệ Trung - Ấn đang căng thẳng nhất trong 4 thập kỉ qua sau vụ đụng độ ở Ladakh dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước. Một quan chức cấp cao giấu tên tại Ấn Độ cho biết hải quân bốn nước dự kiến tập trận ở vịnh Bengal vào cuối năm nay.
Ấn Độ sẽ hoàn thiện những bước cuối cùng trong tuần tới để chuyển lời mời chính thức tới Úc sau khi tham vấn ý kiến của Mỹ và Nhật Bản. Phát ngôn viên hải quân Ấn Độ từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc Đại Lợi cho biết Canberra chưa nhận được lời mời dự diễn tập Malabar, nhưng “Úc nhận thấy giá trị của việc tham gia vào hoạt động quân sự trong nhóm bộ tứ để giúp tăng cường khả năng phối hợp, nâng cao lợi ích tập thể tại một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vượng”.
Theo học giả Derek Grossman thuộc Trung tâm RAND có trụ sở ở Washington, D.C, thời điểm Ấn Độ mời Úc tham gia tập trận Malabar có ý nghĩa đặc biệt quan trọng xét trong bối cảnh hiện nay. Nó gửi tới Trung Quốc một thông điệp ẩn ý rằng nhóm bộ tứ trên thực tế đang tiến hành tập trận hải quân chung.
Tập trận Malabar được khởi động từ năm 1992 giữa hải quân Mỹ và Ấn Độ. Đến năm 2004, diễn tập này có thêm sự tham gia của một số nước châu Á.
Việc Ấn Độ mời Úc dự Malabar 2020 diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện, cùng với đó là Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự được thông qua hồi tháng 5 vừa qua, cho phép quân đội hai nước được sử dụng căn cứ, cảng, cơ sở hậu cần của nhau.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (thứ 2, trái) sau khi đáp máy bay xuống Leh, thủ phủ vùng Ladakh ngày 3/7/2020. Ảnh: AFP
Giới phân tích nhận định, sự tham gia của Canberra đối với tập trận Malabar chỉ là vấn đề thời gian. “Không có liên hệ trực tiếp nào giữa việc New Delhi mời Úc gia nhập diễn tập với những gì xảy ra trên tuyến biên giới Trung - Ấn. Đây là một bước tiến tự nhiên. Nhưng vẫn sẽ còn đó câu hỏi: Trung Quốc sẽ xem động thái này là như thế nào? Họ sẽ phản ứng một cách tiêu cực như những lần trước”, ông Biren Nadan, cựu Cao ủy Ấn Độ tại Úc và hiện là chuyên gia cao cấp tại Nhóm Chính sách Delhi (DPG) nhận định.
Ông Nadan cho biết năm 2015, Trung Quốc phản đối Nhật Bản gia nhập tập trận Malabar với Mỹ và Ấn Độ. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lúc đó cảnh báo các quốc gia có liên quan không nên kích động đối đầu và tạo ra căng thẳng tại khu vực. Năm năm sau, Trung Quốc cũng sẽ làm vậy với Ấn Độ.
Vậy nhưng, theo Rajeswari Pillai Rajagoplan, học giả tại Viện Nghiên cứu Người quan sát (ORF) có trụ sở ở New Delhi, có thể dễ chấp nhận hơn ý tưởng về “các nền dân chủ cùng chí hướng muốn tìm cách giữ cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở” trong bối cảnh quan hệ Ấn-Trung ở vào thời kỳ khủng hoảng.
Chuyên gia này nhìn nhận, nhóm bộ tứ từ trước đến nay luôn chủ yếu hiện diện dưới góc độ một nền tảng an ninh, mà không có một cục diện quân sự thích ứng. Diễn tập Malabar có thể sẽ giúp bổ sung điểm này trong bối cảnh căng thẳng Ấn-Trung hiện nay.