Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng 28/6 (theo giờ GMT+7), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 10 triệu, trong đó trên nửa triệu người đã tử vong.

 

 

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Manaus, Brazil ngày 8/6. Ảnh: AFP

 

 

 

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 167.607 ca mắc COVID-19 và 4.460 ca tử vong. 

 

Đa số ca mắc mới được ghi nhận tại Mỹ (40.661 ca), Brazil (33.613 ca) và Ấn Độ (20.131 ca). Ba quốc gia này cùng với Nga chiếm bốn vị trí đầu thế giới về tổng ca mắc COVID-19 tính tới 28/6.

 

Các nước ghi nhận số ca mắc mới ở mức trung bình trong 24 giờ qua là Nam Phi (7.210 ca), Nga (6.852 ca), Mexico (5.441 ca).

 

Về số ca tử vong, Brazil đứng đầu thế giới với 961 ca tử vong trong 24 giờ qua, tiếp đó là Mexico với 719 ca, Mỹ với 492 ca và Ấn Độ với 414 ca. Xét về tổng số người chết vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới.

 

 

Dịch bệnh tại Mỹ nghiêm trọng, ca mắc tăng chóng mặt

 

 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Inglewood, California (Mỹ) ngày 19/6. Ảnh: AFP

 

 

 

Mỹ là nước bị  ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 với tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lên tới 2.593.617 và số ca tử vong là 128.132 ca (tính tới 6 giờ sáng 28/6 – giờ GMT+7).

 

Trong những ngày gần đây, số bệnh nhân nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ liên tục gia tăng. Ngày trước đó, Mỹ đã ghi nhận trên 40.700 ca nhiễm COVID-19. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. 

 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã công bố báo cáo cho thấy khoảng từ 5-8% dân số nước này đã nhiễm virus SARS-COV-2. Ước tính này dựa trên các khảo sát đại diện các kết quả xét nghiệm kháng thể trên toàn quốc.

 

Các khảo sát cũng chỉ ra số ca mắc bệnh COVID-19 tại Mỹ trên thực tế có thể còn gấp 10 lần số ca đã được xác nhận chính thức. Dân số Mỹ hiện là 329,8 triệu người và CDC ước tính con số thực tế những người đang nhiễm hoặc từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể nằm trong khoảng từ 16,5 đến 26,4 triệu người.

 

Trong khi đó, Giám đốc CDC, Robert Redfeild, cho biết tỷ lệ nhiễm virus không đồng đều trên cả nước, có những tiểu bang tỷ lệ phát hiện kháng thể chưa đến 2% tức là còn phần lớn người dân trong khu vực vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.

 

 

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 31/3. Ảnh: AFP

 

 

 

Những số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ khi nhiều bang dần khôi phục hoạt động sau thời gian phong tỏa để ngăn chặn dịch lây lan. Một số chuyên gia y tế cảnh báo nhiều bang có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát. 

Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm hàng đầu và cũng là cố vấn y tế của Tòa Bạch Ốc, Anthony Fauci,  mô tả một số tiểu bang ở miền Nam và miền Tây đang trải qua những ngày gia tăng số lây nhiễm mới một cách đáng lo ngại. Một số tiểu bang kiểm soát tốt dịch bệnh ở phía Đông Bắc như New York, New Jersey và Connecticut đã khuyến cáo những người dân từ các điểm nóng dịch bệnh ở tiểu bang khác tự cách ly khi đến những tiểu bang này. 

 

Các chuyên gia cho rằng những yếu tố như thiếu sự thống nhất trong các biện pháp ứng phó chính thức, chính sách đeo khẩu trang và giãn cách xã hội không mang tính bắt buộc hay tâm lý tự mãn chính là những yếu tố khiến Mỹ tới nay vẫn chưa thể qua giai đoạn đỉnh dịch.

 

Nhật Bản: Tokyo có số ca nhiễm virus tăng cao

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 14/6. Ảnh: THX

 

 

 

Chính quyền thành phố Tokyo ngày 27/6 cho biết đã có 57 ca nhiễm tại thành phố này. Đây cũng là mức tăng số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi Chính phủ gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh hồi cuối tháng 5. 

Trên thực tế, trong 4 ngày qua, thủ đô Tokyo liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày tăng trên ngưỡng 50 ca/ngày. Trước đó, ngày 26/6, số ca nhiễm mới trong ngày tại Nhật bản lần đầu tiên vượt 100 ca kể từ ngày 9/5.

 

Cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện một số ổ dịch có liên quan đến khu vực hoạt động ban đêm. Tuần trước, chính quyền thành phố Tokyo đã gỡ bỏ các hạn chế cho phép buổi biểu diễn nhạc sống, câu lạc bộ đêm được mở cửa trở lại.

 

Trung Quốc, Nam Hàn ghi nhận thêm ca nhiễm mới

 

 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 22/6. Ảnh: THX

 

 

 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 27/6 cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 21 ca COVID-19, gồm 17 ca lây nhiễm trong nước và 4 ca nhập cảnh. Không có thêm ca tử vong nào trong ngày này. 

 

Theo NHC, toàn bộ các ca lây nhiễm trong nước đều được ghi nhận ở thủ đô Bắc Kinh. Như vậy, tính đến hết ngày 27/6, Trung Quốc có tổng cộng 83.483 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong. 78.444 bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện. 

 

Tính đến hết ngày 27/6, Đặc khu Hành chính Hong Kong  có 1.198 ca nhiễm, trong đó có 7 ca tử vong do COVID-19; Đặc khu hành chính Macao có 46 ca nhiễm.

 

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nam Hàn (KCDC) thông báo có 51 ca nhiễm được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến nay ở nước này lên 12.653 ca. Trong số các ca nhiễm mới có 20 ca nhập cảnh và 31 ca lây nhiễm trong nước (riêng thủ đô Seoul ghi nhận 15 ca).

 

Số ca nhiễm gia tăng trở lại vào thời điểm nước này đang hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ hai, nhất là ở thủ đô Seoul có 24 triệu dân, sau khi ghi nhận số ca nhiễm giảm trong nhiều tuần trước đó. 

 

Ấn Độ tiếp tục ghi nhận ca mắc hàng ngày cao kỷ lụ

 

 

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 9/6. Ảnh: AFP

 

 

 

Tính tới 6 giờ sáng 28/6 (giờ GMT+7), Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày khi phát hiện 20.131 ca dương tính trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 529.577 người, trong đó có 16.103 trường hợp tử vong.

 

Ba bang bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất là Maharashtra, Delhi và Tamil Nadu khi chiếm tới hơn 60% tổng số ca nhiễm COVID-19 toàn quốc, trong đó riêng ba thành phố New Delhi, Mumbai và Chennai đã chiếm gần 40% số ca nhiễm.

 

Trong một diễn biến khác, lãnh đạo cảnh sát Mumbai cho hay các tòa nhà ở những khu vực đông đúc và các khu ổ chuột ở phía Bắc Mumbai sẽ được phong tỏa do các ca nhiễm COVID-19 tại đây đang gia tăng trong 15 ngày qua. Trong khi đó, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal thông báo đến nay, thủ đô của Ấn Độ đã ghi nhận 74.000 ca COVID-19, nhưng tình hình đang trong tầm kiểm soát. Do các cơ quan y tế đang tăng cường xét nghiệm nên số ca nhiễm cũng tăng lên. Chính quyền đã đưa vào sử dụng 3.500 giường cho bệnh nhân COVID-19 tại các khách sạn trong 10 ngày qua.

 

Khi New Delhi trở thành thành phố có nhiều ca COVID-19 nhất, chính quyền thành phố đã chuẩn bị một kế hoạch đầy tham vọng, sàng lọc y tế từng nhà một trong các khu vực ngăn chặn đến ngày 30/6 và ở phần còn lại của thành phố đến ngày 6/7.

 

Úc có thể kéo dài lệnh đóng biên giới đến năm 2021.

 

 

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Melbourne, Australia ngày 22/6. Ảnh: AFP

 

 

 

Thủ tướng Úc, Scott Morrison,  cho biết không loại trừ khả năng Úc sẽ đóng cửa biên giới cho đến sang năm 2021 do tình hình dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu giảm ở nhiều nước trên thế giới.

 

Nhận định của Thủ tướng Morrison được đưa ra sau khi ông Alan Joyce, Giám đốc điều hành hãng hàng không Qantas,  cho rằng các chuyến bay quốc tế của Qantas khó có thể được nối lại trước năm 2021, đồng thời thông báo sẽ cắt giảm hàng ngàn nhân công do tình trạng suy thoái nghiêm trọng bắt nguồn từ đại dịch COVID-19.

 

 

Nga tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao    

 

 

 

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tver, Nga ngày 30/5. Ảnh: THX

 

 

 

Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh của Nga ngày 27/6 thông báo trong 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này ghi nhận 6.852 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 627.646 trường hợp.

 

Trong khi đó, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 8.969 ca sau khi có thêm 188 ca tử vong trong 24 giờ qua. Thủ đô Moskva là địa phương của Nga chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 với tổng số bệnh nhân lên tới 219.354 ca. 

 

Theo tổ chức giám sát thịnh vượng và tiêu dùng của Nga, tính đến ngày 27/6, vẫn còn gần 300.000 người ở nước này bị giám sát y tế. Nga đến nay cũng đã xét nghiệm hơn 18,7 triệu người trên cả nước. Là quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Brazil, Nga đang từng bước khôi phục dần hoạt động kinh tế, xã hội. 

 

 

Anh bỏ quy định cách ly với công dân ở nước có nguy cơ thấp

 

 

 

Khách hàng được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào một cửa hàng ở London, Anh, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 ngày 5/6. Ảnh: AFP

 

 

Chính phủ Anh thông báo sẽ dỡ bỏ quy định yêu cầu cách ly 14 ngày đối với công dân một số quốc gia có nguy cơ lây lan COVID-19 ở mức thấp. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh London đang đối mặt với sức ép từ các hãng hàng không và ngành du lịch kêu gọi mở cửa trở lại.  

 

Dự kiến, trong tuần tới, Chính phủ Anh sẽ công bố danh sách các nước mà công dân được phép nhập cảnh mà không cần thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định hiện tại. Danh sách này dựa trên các yếu tố gồm tình hình lây lan dịch COVID-19 ở nước sở tại, tính xác thực của các số liệu và đường cong biểu đồ dịch bệnh. Danh sách sẽ được công bố sau các cuộc thảo luận với các nước như Pháp, Hy Lạp và Tây Ban Nha, dự kiến diễn ra trong vài ngày tới, với những thay đổi có hiệu lực từ ngày 6/7. Theo một người phát ngôn của Chính phủ Anh, hệ thống đánh giá rủi ro mới sẽ cho phép Anh mở một số tuyến đi lại trên khắp thế giới một cách an toàn và thận trọng.

 

Bộ Ngoại giao Anh cũng sẽ cập nhật hướng dẫn đi lại, theo đó cho phép thực hiện các chuyến đi có lộ trình nằm trên "hàng lang du lịch" an toàn. Theo hướng dẫn hiện hành có hiệu lực từ ngày 8/6, người dân Anh được khuyến cáo không ra nước ngoài nếu không cần thiết. Ngoài ra, hướng dẫn cập nhật cũng quy định tất cả hành khách phải đeo khẩu trang trên các chuyến bay và tàu, thuyền.

 

Theo trang worldometer.info, tính tới 6 giờ sáng 28/6 (giờ GMT+7), Anh ghi nhận 310.250 ca mắc COVID-19, trong đó 43.514 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân nước này tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn y tế phòng dịch, cũng như thực hiện giãn cách xã hội.

 

Italy cấm sử dụng khoang hành lý xách tay trên máy bay

 

 

 

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan tại nhà ga ở Bologna, Italy ngày 4/5. Ảnh: THX

 

 

 

Tại Italy, Cơ quan Hàng không Dân dụng Italy (Enac) thông báo các hành khách đến hoặc đi từ nước này sẽ không được phép sử dụng khoang hành lý xách tay trên máy bay do các khoang này không an toàn đối với sức khỏe người dùng. Quyết định này được đưa ra nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan thông qua việc tiếp xúc gần giữa các hành khách, cũng như để hạn chế hành khách di chuyển trong cabin máy bay. 

 

Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Italy đã hoan nghênh quyết định này, cho rằng việc cấm sử dụng khoang hành lý xách tay trên máy bay sẽ giúp tránh tình trạng nhốn nháo và tiếp xúc gần giữa các hành khách.

 

Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu trở thành điểm nóng của đại dịch COVID-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận hơn 34.716 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số gần 240.136 ca nhiễm.

 

 

Thủ tướng Đức cảnh báo mối đe dọa từ dịch bệnh còn nghiêm trọng

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Berlin, Đức ngày 15/6. Ảnh: THX

 

 

 

Trong một thông điệp được truyền thông Đức đưa tin chiều 27/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo người dân về hành vi bất cẩn trước những diễn biến nguy hiểm còn tiếp diễn do virus SARS-CoV-2 gây ra.

 

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh mối đe dọa từ virus vẫn còn nghiêm trọng, bà Merkel đồng thời lặp lại một cách rõ ràng lời kêu gọi của mình từ đầu cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 giữa tháng 3 rằng người dân Đức cần nghiêm túc đối phó với dịch bệnh. Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng, người dân đã lãng quên mối nguy hiểm một cách dễ dàng bởi vì Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng một cách hợp lý, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân đã được an toàn và mối nguy hiểm đã được đẩy lùi.

 

Tính đến 6 giờ sáng 28/6 (giờ GMT+7), Đức ghi nhận 243 ca nhiễm virus SARS-CoV 2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 194.642 ca, trong đó 9.026 ca tử vong.