Hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo (khi đó) đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong ảnh, từ trái qua là Naoto Kan (Nhật Bản), Nguyễn Minh Triết (Việt Nam), Julia Gillard (Úc), Sebastián Piñera (Chile), Lee Hsien Loong (Singapore), Barack Obama (Hoa Kỳ), John Key (New Zealand) ), Hassanal Bolkiah (Brunei), Alan García (Peru) và Muhyiddin Yassin (Malaysia). Sáu trong số các nhà lãnh đạo này đại diện cho các quốc gia hiện đang đàm phán để gia nhập nhóm. (Ảnh+ Kiwipedia)

 

 

 

 

Ngày 16/9 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều đáng lưu ý là việc đệ đơn gia nhập này diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thành lập liên minh AUKUS để đối đầu trực diện với Trung Quốc.

 

 

CPTPP là hiệp định thương mại thế hệ mới được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018, bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

 

 

Hiệp định này ban đầu có tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được lập ra là để tạo một sân chơi kinh tế quan trọng nhằm đối trọng lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, hay nói cách khác, Hiệp định này được tạo ra để các nước liên kết chống lại Trung Quốc.

 

 

Để được thông qua, Trung Quốc sẽ cần tới sự nhất trí của toàn bộ 11 thành viên của hiệp định. Hiện Nhật Bản và Úc là 2 nước đang tạo ra trở ngại lớn cho việc Trung Quốc gia nhập, trong đó Nhật là nước đóng vai trò là chủ tịch CPTPP trong năm 2021 này.

 

Tại sao Trung Quốc lại muốn gia nhập CPTPP?

 

Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (VNUA), việc xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc thể hiện nhiều hàm ý khác nhau:

 

Về đối nội thì việc đệ đơn gia nhập giúp “khẳng định đường lối kinh tế đối ngoại ông Tập Cận Bình vẫn theo đuổi cũng như xoa dịu dư luận trong nước về việc Trung Quốc bị Mỹ bao vây do các chính sách cứng rắn của mình”.

 

 

Về mặt chiến lược, trong bối cảnh căng thẳng của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, đã “tạo ra làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.

 

 

Đây là mối đe dọa đối với vị thế của nước này trong chuỗi sản xuất toàn cầu”. Vì vậy, đây là cũng là cách để Trung Quốc “nhấn mạnh việc thắt chặt quan hệ chuỗi cung ứng với các nước láng giềng và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực có lợi cho Trung Quốc”. Nếu tham gia CPTPP, chắc chắn Trung Quốc sẽ có vị thế quan trọng, và điều đó sẽ giúp “Trung Quốc định hình luật chơi mới trong thương mại toàn cầu theo cách họ mong muốn”.

 

Ngoài ra, nếu trở thành thành viên của CPTPP đương nhiên sẽ “giúp Trung Quốc giữ được hình ảnh quốc gia thúc đẩy chủ nghĩa thương mại tự do, củng cố ưu thế ngoại giao dẫn đầu tại khu vực đồng thời ngăn Mỹ tập hợp lực lượng để loại bỏ hoặc kiềm chế Trung Quốc trong các luật chơi mới”.

 

 

Việt Nam sẽ được, mất gì nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP?

 

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết: Nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ là một trong 4 quốc gia cũng được hưởng lợi khi thu nhập quốc gia tăng thêm 16 tỷ USD mỗi năm.

 

 

Tuy nhiên, do cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của các hiệp định thương mại tư do như ACFTA và RCEP, nên khả năng Việt Nam hưởng lợi từ việc Trung Quốc gia nhập CPTPP thực tế sẽ không được như ước tính.

 

 

Chưa kể, với năng lực rất lớn của Trung Quốc về mọi mặt, lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về phía các doanh nghiệp nước này, nên Việt Nam sẽ không được hưởng lợi bao nhiêu.

 

 

Ngoài ra, Việt Nam vốn đã lệ thuộc Trung Quốc rất nhiều về kinh tế, vốn mong tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA để thoát khỏi “cái bóng” của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, với sức mạnh và vị thế của mình, Trung Quốc sẽ đóng vai trò dẫn dắt khối này theo ý muốn của Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam có nguy cơ chìm sâu hơn vào sự lệ thuộc đối với Trung Quốc.

 

 

Việc Bắc Kinh chính thức xin ra nhập có thể còn xa vời, vì hồ sơ ra nhập của Vương quốc Anh và Trung Quốc vẫn đang được xem xét.

 

Một số quan chức nghi ngờ việc Trung Quốc có thể đáp ứng các yêu cầu của thỏa thuận, đặc biệt là các điều khoản về lao động, mua sắm, doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp, thương mại điện tử và truyền dữ liệu xuyên biên giới. Đồng thời, vị thế thống trị của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong nền kinh tế cũng sẽ khó có thể phù hợp với thỏa thuận này, mặc dù một số thành viên CPTPP hiện tại cũng có sự tham gia đáng kể của nhà nước vào nền kinh tế.

(Theo ntdvn.com)