GETTY IMAGES
Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk bày tỏ mong muốn đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Trong khi đó, một số ông lớn ngành năng lượng của Âu châu lại "bỏ chạy" khỏi quốc gia này.
Trong khuôn khổ chuyến đi Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách về quan hệ với chính phủ và kinh doanh toàn cầu của SpaceX, vào ngày 25/9 tại thành phố New York.
Truyền thông trong nước đưa tin rằng ông Hughes đánh giá Việt Nam là thị trường có tiềm năng rất lớn đối với kế hoạch phát triển internet vệ tinh của SpaceX và công ty muốn đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
Công ty này cũng mong có được sự hỗ trợ từ phía chính quyền Việt Nam liên quan tới dự án đầu tư này.
Chưa biết mức độ chắc chắn trong "mong muốn" của SpaceX lần này, nhưng trong quá khứ gần, công ty của tỷ phú Elon Musk từng đàm phán với Việt Nam về khả năng đầu tư dịch vụ internet vệ tinh Starlink. Thậm chí, Cảnh sát biển Việt Nam từng dùng thử dịch vụ Starlink để điều khiển thiết bị bay không người lái.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 4/2024, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin của người trong cuộc cho biết SpaceX đã quyết định dừng đàm phán với Việt Nam do vướng quy định về tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong các doanh nghiệp công nghệ.
Theo nguồn tin trong ngành, SpaceX trước đó đã tìm cách xin ngoại lệ đối với quy định sở hữu nước ngoài của Việt Nam. Giới hạn sở hữu tối đa hiện là 50% cổ phần trong những công ty viễn thông có hạ tầng kỹ thuật mạng. Bản sửa đổi luật về viễn thông (Luật Viễn thông 2023) của Việt Nam do Quốc hội phê duyệt vào tháng 11/2023 không nới rộng giới hạn nói trên. Do đó, SpaceX lúc bấy giờ đã ngừng đàm phán.
Tuy nhiên, sự quan tâm của SpaceX chưa dừng lại. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 6/9 tại Hà Nội, ông Tim Hughes đã khẳng định tập đoàn này đã sẵn sàng đưa Starlink đến Việt Nam.
Giờ đây, thông tin SpaceX "mong muốn đầu tư 1,5 tỷ đô la" được đưa ra trong cuộc gặp với ông Tô Lâm càng cho thấy sự quan tâm của công ty Mỹ.
SpaceX là một trong những công ty hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới do tỷ phú Elon Musk sáng lập vào năm 2002. Theo cập nhật của Forbes vào sáng 26/9, ông Musk là người giàu nhất hành tinh với khối tài sản trị giá gần 268 tỷ USD.
Về phía Việt Nam, ông Tô Lâm đã cảm ơn sự quan tâm và đề nghị giúp đỡ của công ty liên quan cơn bão số 3 và bày tỏ mong muốn dịch vụ Starlink của SpaceX có thể giúp Việt Nam ứng phó kịp thời và hiệu quả trước thiên tai trong tương lai.
Ông Tô Lâm cũng đề nghị SpaceX phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan ở Việt Nam để hoàn thiện khâu chuẩn bị cho sự đầu tư này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và SpaceX đã không ngay lập tức phản hồi đề nghị bình luận của Reuters.
Theo Reuters, hệ thống hạ tầng kỹ thuật lỗi thời của Việt Nam có thể gây gián đoạn hoạt động của các tuyến cáp quang ngầm quan trọng. Bên cạnh đó, những dãy núi cao cũng khiến internet ở Việt Nam kém ổn định. Vì thế, Việt Nam cần dịch vụ internet vệ tinh cho các hoạt động như tuần tra ở Biển Đông - khu vực xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.
Động thái hợp tác với SpaceX, do đó, có thể không được Trung Quốc ủng hộ.
Nhiều công ty Mỹ khác cũng muốn đầu tư vào Việt Nam
Không chỉ SpaceX, nhiều công ty Mỹ khác cũng đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam nhân chuyến đi của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ông Tô Lâm cũng đã có buổi đón tiếp các lãnh đạo của các tập đoàn lớn khác bao gồm AES, Pacifico Energy và Google.
Vào hôm 23/9 tại New York, các công ty Mỹ và Việt Nam đã ký các biên bản ghi nhớ (MoU) để hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Nổi bật trong đó có thể kể tới biên bản về chuyển giao công nghệ năng lượng giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và công ty Kellogg Brown & Root; hợp tác về khí thiên nhiên hóa lỏng giữa đơn vị PTSC của PVN và Excelerate Energy; hợp tác phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu giữa tập đoàn Sovico và công ty Supermicro chuyên về phần cứng máy chủ.
Hãng hàng không Vietjet cho biết họ đã ký một thỏa thuận hợp tác trị giá 1,1 tỷ USD với công ty Honeywell Aerospace Technologies chuyên về sản xuất động cơ máy bay. Theo thỏa thuận, công ty Mỹ sẽ cung cấp các thiết bị, dịch vụ liên quan đến điện tử hàng không cho đội bay của Vietjet.
Vào tháng 5/2024, khi trả lời BBC News Tiếng Việt về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, Tiến sĩ ngành kinh tế chính trị Edmund Malesky - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế, Đại học Duke (Mỹ) - nhận xét:
"Mặc dù quy mô nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc và chưa đạt được mức độ năng suất của Trung Quốc, Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong nhiều ngành để thu hút nhà đầu tư Mỹ, nhất là khi Mỹ vẫn tiếp tục đánh thuế cao đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.”
"Một số nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực năng lượng sạch và công nghệ cao nhìn thấy những tiềm năng lớn ở Việt Nam."
(Theo BBC Việt ngữ)