Ngày 15/11, Mỹ cáo buộc Nga thử vũ khí chống vệ tinh, điều có thể tạo ra mối đe dọa đối với an toàn của phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

 

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cáo buộc Nga tiến hành 'thử nghiệm liều lĩnh tên lửa chống vệ tinh'.

 

 

Phát ngôn viê Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price, tuyên bố: “Hôm nay, Nga đã tiến hành cuộc thử nghiệm liều lĩnh một tên lửa chống vệ tinh trên một trong những vệ tinh của họ”.

 

Ông Price cho biết thêm, điều này được cho là đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều mảnh vụn rác vũ trụ, giờ đây đe dọa lợi ích của tất cả các nước.

 

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận: “Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để đáp trả những hành động này của Nga”.

 

Về phần mình, Ngũ Giác Đài cho rằng, vũ khí chống vệ tinh do Nga phát triển có thể gây ra mối đe dọa đối với Mỹ và các cường quốc không gian khác.

 

Đại diện của Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, Hoa Kỳ ủng hộ việc xây dựng các tiêu chuẩn chung cho toàn thể cộng đồng thế giới trong việc khám phá không gian vũ trụ.

 

 

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ tuyên bố: "Chúng tôi đang tích cực làm việc để xác định đặc điểm của trường mảnh vỡ và sẽ tiếp tục đảm bảo tất cả các quốc gia có thông tin cần thiết để điều động vệ tinh nếu bị tác động".

 

 

Ngày 15/11, mảnh vỡ nguy hiểm của một vệ tinh nhất định đã 2 lần bay qua ISS trong khoảng 1 giờ 30 phút.

 

 

Các phi hành gia đã phải ngồi vào các con tàu vũ trụ cập trạm ISS: Soyuz MS-19 (các phi hành gia người Nga Anton Shkaplerov, Peter Dubrov và người Mỹ Mark Vande Hei) và phi hành đoàn tàu Dragon (các phi hành gia người Mỹ Raja Chari, Thomas Marshburn, Kayla Barron và Matthias Maurer người Đức) trong trạng thái sơ tán khẩn cấp.

 

 

Chiều 15/11, tập đoàn hàng không vũ trụ Nga Roskosmos thông báo mối đe dọa đã qua đi.

 

 

Đây không phải là lần đầu tiên rác vũ trụ nguy hiểm tiếp cận ISS. Ngày 10/11, ISS đã tránh được một mảnh vỡ của vệ tinh khí tượng Trung Quốc Fengyun-1C mà quân đội nước này đã bắn rơi khi thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh vào năm 2007.

 

 

Nga hiện chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc trên của Mỹ.