Elon Musk, người sáng lập và kỹ sư trưởng của SpaceX phát biểu tại Triển lãm và Hội nghị Vệ tinh 2020 vào ngày 09/03/2020 tại Washington, DC. (Ảnh của Win McNamee / Getty Images)
Các chuyên gia cho biết Tesla không còn nhiều thời gian để tăng thị phần tại Trung Quốc trước khi chính phủ nước này “ra tay”. Một điều khá rõ ràng là Bắc Kinh đang cố làm xấu mặt Tesla để các đối thủ trong nước có cơ hội bắt kịp.
Tín hiệu cảnh cáo cho Telsa
Khi Tu Le biết được chuyện gì đã xảy ra tại kiốt Tesla - chỉ cách nơi anh đang xem triển lãm ô tô Thượng Hải chỉ một căn phòng - anh biết mình đã bỏ lỡ một điều vô cùng hay ho. Không phải ngày nào cũng có một người phụ nữ làm náo loạn triển lãm bằng cách mặc áo phông in dòng chữ "phanh không hoạt động" và nhảy lên trên chiếc Model 3 màu đỏ, la hét về việc Tesla từ chối khắc phục sự cố phanh. Cuối cùng cô này đã được an ninh đưa đi.
Anh Tu Le - nhà sáng lập của Sini Auto Insights - một tập san chuyên theo dõi thị trường xe điện Trung Quốc đã chứng kiến những sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng đối với Tesla trong nhiều tuần. Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn với TechNode vào đầu tháng này, anh đã bác bỏ những lo ngại rằng các phàn nàn về dịch vụ khách hàng và an toàn ầm ĩ trên mạng xã hội sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty. Anh giải thích rằng, ngoài những khách hàng không hài lòng, vẫn còn vô khối người yêu thích Tesla.
Tuy vậy, mọi thứ ở Trung Quốc có thể thay đổi rất nhanh chóng - đặc biệt là khi chính phủ trung ương quyết định đã đến lúc chấn chỉnh mọi thứ. Và trong vài tuần qua, Bắc Kinh - thông qua các kênh truyền thông nhà nước - đã tham gia vào dàn đồng ca chỉ trích Tesla, và đó là tiếng nói quan trọng nhất.
Bà Anne Stevenson-Yang, người sáng lập công ty đầu tư J Capital Research tại Trung Quốc, cho biết: “Tân Hoa xã và Nhân dân nhật báo thường xuyên đăng tải các ý kiến nói rằng Tesla phớt lờ quyền lợi của người tiêu dùng. Các vi phạm được cho là bao gồm quyền định giá minh bạch và dữ liệu về các vụ tai nạn”.
Bà Stevenson-Yang nói "Các nhà phê bình nói rằng Tesla đã vi phạm cam kết đầu tư (14 tỷ NDT) và cam kết trả thuế (2,23 tỷ NDT hàng năm). Công ty cũng không đạt được mục tiêu doanh số”, “Hàng loạt nhà phê bình đã tham gia công kích, yêu cầu đuổi cổ Tesla ra khỏi Trung Quốc, giống như Google. Đáng chú ý là đây không chỉ là ý kiến của một vài tay viết, đây đang trở thành một chiến dịch chống lại Tesla có tổ chức"
Anh Le cũng đồng tình với đánh giá đó và nói rằng giống như Phù thủy xứ Oz - Bắc Kinh có khả năng "đưa một thứ lên mây hoặc vùi dập không thương tiếc”. Vì vậy, ngay cả khi Tesla bán được 30.000 chiếc trong nước mỗi tháng, thì "việc truyền thông xã hội tẩy chay là một chuyện", "còn khi truyền thông nhà nước tham gia lại là một chuyện khác. Đây là một cảnh báo rõ ràng cho họ".
Rõ ràng là Tesla rất cần Trung Quốc. Hôm 26 tháng 4 vừa qua, Tesla báo cáo kết quả kinh doanh Qúy 1 đạt lợi nhuận kỷ lục nhưng cổ phiếu của họ lại giảm xuống 4% vào ngày hôm sau. Đó là vì mức lợi nhuận này là nhờ bán Bitcoin và bán giấy phép xả thái cho các hãng ô tô khác. Khi mà việc cạnh tranh trở nên nóng hơn ở Mỹ và Trung Quốc trong nửa sau của năm nay, thị trường giấy phép này có thể sẽ bắt đầu hạ nhiệt. Phố Wall muốn biết làm sao công ty có thể tiếp tục tạo ra lợi nhuận sau đó. Với công ty, việc chiến thắng thị trường Trung Quốc là một phần vô cùng quan trọng.
Anh Daniel Ives, một nhà phân tích tại Wedbush Securities đã đặt mức giá mục tiêu cho cổ phiếu Tesla là 1.000 USD, cho biết lý do chính tự tin vào cổ phiếu Tesla là bởi "Khả năng của Tesla có thể thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc".
"Khi Trung Quốc là mấu chốt quan trọng cho thành công toàn cầu của Tesla. Elon Musk sẽ phải ‘tỏ ra tử tế’ ở Trung Quốc để đảm bảo tăng trưởng của Tesla không sụt giảm ở thị trường này. Trung Quốc sẽ chiếm tới 40% số lượng xe điện được giao toàn cầu vào năm 2022", anh Ives viết.
Tesla đã không trả lời yêu cầu bình luận về câu chuyện này.
Bắc Kinh “nuôi” Telsa để “thịt”?
Vài năm qua khi quan hệ thương mại Mỹ – Trung bắt đầu ngày càng xấu đi thì Tesla lại bắt đầu đầu tư mạnh vào Thượng Hải. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã “trải thảm đỏ” để thu hút Tesla đầu tư và đặt nhà máy tại đây. Họ đã đưa ra những điều kiện hết sức thuận lợi. Ví dụ đã giao cho Tesla sử dụng một khu "đất vàng" rộng rãi ở Thượng Hải, đồng thời các ngân hàng thương mại Trung Quốc cũng cho vay với lãi suất thấp, ưu đãi lớn về thuế, cộng với một loạt các ưu đãi khác vô cùng hấp dẫn để đảm bảo Tesla đạt được lợi nhuận tối đa.
Ý đồ của chính quyền Bắc Kinh là tương đối rõ ràng, vào thời điểm đó một số lượng lớn các công ty đã rút khỏi Trung Quốc, chuỗi công nghiệp của Trung Quốc đang trên đà đứt gãy. Nếu có một công ty khổng lồ của Mỹ tham gia vào thì tình hình có thể chuyển hướng, công ty đó sẽ thành tấm gương để nguồn vốn nước ngoài vẫn vào Trung Quốc, giúp đảm bảo sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Đồng thời, một công ty lớn đóng góp cực nhiều vào nguồn thu thuế của Hoa Kỳ cũng rất dễ trở thành một con tin để Trung Quốc dễ bề thao túng Mỹ về mặt chính trị.
Nhà nghiên cứu Nhậm Chính Đạo của Tổ chức Kinh tế và Chính trị Thiên Vận chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc rất thích sử dụng 3 thủ đoạn “nuôi, trùm đầu, hạ thủ” với các doanh nghiệp tư nhân. Khi chính quyền địa phương thu hút đầu tư thì hứa hẹn cung cấp cho doanh nghiệp những điều kiện và môi trường thoải mái. Nhưng sau khi một số công ty đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ để bắt đầu hoạt động, đó là lúc chính quyền địa phương của Trung Quốc thay đổi bộ mặt hoặc thậm chí trở mặt vì nhiều lý do khác nhau.
Chuyên gia Le cho rằng Tesla và Trung Quốc vừa hợp tác, vừa đối đầu. Bắc Kinh cần Tesla để tạo sự chú ý cho thị trường xe điện nước này. Tuy nhiên, về lâu về dài, Bắc Kinh muốn các thương hiệu nội địa chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời, gần đây, Bắc Kinh đã học cách thể hiện sự tức giận của mình đối với các chính phủ nước ngoài thông qua các công ty của họ, đặc biệt là về các vấn đề như Tân Cương và Đài Loan.
Hiện, Tesla, SAIC-GM-Wuling Automobile và BYD đang thống thị trị thị trường xe điện Trung Quốc với 55% thị phần. Tuy nhiên, chừng đó chỉ tương đương 5% tổng thị phần thị trường xe hơi Trung Quốc.
“Trước mắt, Bắc Kinh vẫn cần Tesla để thúc đẩy thị trường xe điện. Nhưng Tesla cần hết sức thận trọng. Khi một thương hiệu trong nước trở nên vững mạnh, tình thế sẽ thay đổi nhanh chóng”. Tesla, ông nói, sẽ tiếp tục nhận được sự ưu ái của chính phủ Trung Quốc "cho đến khi nó không còn hữu dụng nữa, và khi đó Trung Quốc sẽ đè bẹp họ".
Theo nghĩa này, Tesla và Bắc Kinh đang có mâu thuẫn. Lợi ích tốt nhất của công ty là chiếm càng nhiều thị phần càng tốt trong khi có thể. Nhưng lợi ích của chính phủ là kiềm chế sự phát triển của Tesla và cuối cùng là kiềm chế nó. Thật khó biết khi nào điều đó có thể xảy ra. Nhưng điều rõ ràng là Bắc Kinh mới là người nắm quyền quyết định thời điểm đó - chứ không phải Tesla.
(Theo ntdvn.com)
(Thiện Nhân - Mộc Trà Theo Business Insider)