Thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra trong bầu không khí không thù địch nhau nhưng cũng không thân thiện với nhau. Họ phấn đấu đạt được cái tối thiểu chứ không phải cái tối đa.

 

 

 

 

 

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ. (Nguồn: AFP)

 

 

 

 

 

 

Cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Nga diễn ra và kết cục không ngoài dự liệu của bên ngoài. Nó diễn ra trong bầu không khí không thù địch nhau nhưng cũng không thân thiện với nhau. Nó kết thúc không với kết quả gây ấn tượng nhưng cũng không phải không với kết quả nào.

 

 

Cái tối thiểu và cái tối đa.

Hai người này không họp báo chung, thông cáo chung cũng chỉ với nội dung sơ sài nhưng trong họp báo riêng ẩn hiện tâm trạng không hài lòng thì cũng không thất vọng về diễn biến và kết cục cuộc gặp. Ở sự kiện này, họ đạt được cái tối thiểu chứ không phải cái tối đa và họ phấn đấu đạt cái tối thiểu vì ý thức được rằng không thể đạt được cái tối đa.

                              

 

Những kết quả của cuộc gặp này như đại sứ trở lại nhiệm sở, đối thoại về giải trừ quân bị, thăm dò khả năng đàm phán hiệp ước không tấn công mạng lẫn nhau, hợp tác cứu trợ nhân đạo ở Syria dẫu có ý nghĩa tích cực đến mấy cũng vẫn chưa thể đủ để mối quan hệ song phương này được khởi động trở lại, càng chưa thể được coi là biểu hiện báo hiệu quan hệ bắt đầu được cải thiện.

 

Nhưng một sự kiện ngoại giao trong thực chất thành công hay thất bại không phải do bên ngoài đánh giá nó thành công hay thất bại mà do các bên liên quan nhìn nhận và đánh giá nó như thế nào.

 

Ông Putin thu về được nhiều, khi lời mời đến Thuỵ Sỹ do ông Biden chủ động đưa ra,  và ở Thuỵ Sỹ nước Nga được ông Biden nhìn nhận là cường quốc thế giới. Năm xưa, khi nước Nga tiếp nhận Crimea, Tổng thống Mỹ Barack Obama coi nước Nga chỉ là cường quốc khu vực. Tổng thống Mỹ Donald Trump mang tiếng là đề cao ông Putin cũng không đặt nước Nga ngang hàng với nước Mỹ. Cuộc gặp ông Biden vì thế đưa lại cho ông Putin những gì ông Putin mong muốn.

 

Còn ông Biden lại tiếp cận theo cách khác. "I did what I came to do", ông Biden khái quát ở đó mục đích theo đuổi với cuộc gặp này không phải để đạt cái gì mà để làm những gì cho rằng cần phải làm, cụ thể là chỉ ra cho ông Putin thấy lằn ranh đỏ của Mỹ (trong răn đe hạt nhân, trong chuyện dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền cũng như trong chuyện tấn công mạng và can thiệp vào công việc chính trị nội bộ của nước Mỹ) và tìm hiểu về lằn ranh đỏ của phía Nga.

 

 

Ông Biden chủ ý tạo dựng hình ảnh về nắm thế chủ động trong xử lý quan hệ của Mỹ với Nga, cứng rắn và kiên quyết đối với Nga để bảo vệ lợi ích và giá trị của Mỹ trong quan hệ với Nga, cảnh báo và răn đe Nga chớ vượt quá giới hạn.

 

---

Họ không hẹn gặp lại nhau, cũng không mời nhau sang thăm, nhưng chắc rồi họ sẽ lại gặp nhau.

---

 

 

Ông Biden không chủ trương gây dựng sự tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Nga mà chỉ tìm cách bảo vệ lợi ích của Mỹ. Người này không đặt ra mục tiêu cải thiện quan hệ với Nga vào thời điểm hiện tại mà chỉ ngăn chặn đột biến trong quan hệ song phương, tức là làm cho quan hệ song phương được ổn định và có thể trù liệu được biến động.

 

 

Đấy không phải là ổn định chiến lược, cũng chẳng phải khuôn khổ quan hệ song phương mới mà chỉ giữ cho quan hệ song phương không tồi tệ thêm và không biến động bất ngờ.

 

 

 

Cái được và cái chưa thể được

Rõ ràng là ông Biden có nhu cầu giữ cho quan hệ của Mỹ với Nga dẫu tồi tệ nhưng không ảnh hưởng tiêu cực tới những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Ông Biden chủ ý dùng những nhượng bộ trước cũng như trong cuộc gặp ông Putin để đổi lấy nhận thức ở phía Nga là đừng làm gì buộc chính quyền mới ở Mỹ phải hành xử với hệ luỵ là mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga thêm tồi tệ.

 

 

 

Ông Biden muốn yên với Nga để tập trung vào các ưu tiên đối nội và đối ngoại khác trong thời gian tới, tức là tránh bị Nga đẩy vào tình thế vì nhu cầu đối nội và vì các đồng minh, đối tác chiến lược mà buộc phải gay gắt thêm với Nga.

 

 

Qua cuộc cấp cao Mỹ-Nga này có thể thấy phía Mỹ hiện không dành ưu tiên hàng đầu cho việc xử lý quan hệ với Nga và cũng chưa hoàn tất quá trình hoạch định chính sách đối với Nga vì chưa bị bức bách về thời gian.

 

 

 

Sau vài tháng nữa, thế cuộc có thể rất khác. Ông Biden và ông Putin với cuộc gặp này giúp cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga bớt biến động và sôi động trong thời gian tới nhưng cũng chưa làm tăng tác động của cặp quan hệ Mỹ-Nga tới diễn biến tình hình thế giới và quan hệ quốc tế trong thời gian tới.

 

 

Họ không hẹn gặp lại nhau, cũng không mời nhau sang thăm, nhưng chắc rồi họ sẽ lại gặp nhau.