16/03/2020 06:01 GMT+7-(theo tuoitre.vn)

Rạng sáng 16-3 (theo giờ Việt Nam), giới chức Ý thông báo nước này ghi nhận thêm 368 ca tử vong vì COVID-19, đưa tổng số tử vong cả nước lên 1.809. Số bệnh nhân nhiễm mới là 3.590 người.

 

Đức siết chặt kiểm soát biên giới, Campuchia đóng cửa toàn bộ trường học

Ngày 16-3, Đức siết chặt kiểm soát biên giới với 5 nước Áo, Đan Mạch, Pháp, Luxembourg và Thụy Sĩ. Chỉ có những người có lý do di chuyển hợp lệ như người hay đi làm qua biên giới và tài xế giao hàng mới được thông quan, theo hãng tin AFP.

 

Bộ Giáo dục, Thanh thiếu niên và Thể thao Campuchia ngày 16-3 thông báo các trường học các cấp trên lãnh thổ Campuchia bắt đầu đóng cửa nghỉ hè sớm trong bối cảnh các ca COVID-19 gia tăng. Thông báo có hiệu lực cho đến khi có quyết định mới, theo TTXVN.

Đêm 15-3, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ đạo khẩn một số biện pháp như hướng dẫn người dân không đi đến các nước châu Âu, Mỹ và Iran nếu không có việc cấp bách; bất kỳ cán bộ hay người dân nào từ các nước châu Âu, Mỹ và Iran trở về phải được cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế...

Campuchia tối 15-3 công bố 4 ca nhiễm mới, gồm 1 em bé 4 tháng tuổi, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại đây lên 12.

 

Số ca nhiễm nhiều nước tăng, Hàn Quốc giảm

Hàn Quốc công bố thêm 74 ca COVID-19 trong ngày 16-3 (ít hơn ngày trước đó 2 ca), đưa tổng số ca nhiễm lên 8.236. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cũng thông báo thêm 303 bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục và được xuất viện, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 1.137.

 

Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới của Hàn Quốc đang có xu hướng giảm. Số liệu mới nhất thấp hơn rất nhiều so với đỉnh điểm 909 ca nhiễm được ghi nhận trong ngày 29-2.

 

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận nước này có thêm 12 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 18 người. Hai trong số ca nhiễm mới có liên quan tới ca nhiễm đầu tiên, 7 ca khác là du khách châu Âu và 3 người còn lại đến từ Mỹ.

 

Quốc gia châu Phi Rwanda cũng xác nhận số ca nhiễm COVID-19 đã tăng từ 1 lên 5 vào ngày 15-3.

 

Tại Mexico, truyền thông đưa tin nước này đã công bố ca tử vong đầu tiên liên quan đến dịch COVID-19, bệnh nhân này trước đó đã có chuyến đi tới Mỹ. Hiện Mexico có 43 ca nhiễm.

 

Bộ Y tế Bahrain cũng thông báo nước này đã có ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Bệnh nhân là công dân Bahrain, 65 tuổi, có bệnh lý nền. Hiện nước này có 214 ca nhiễm.

 

Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern ngày 16-3 tuyên bố cấm tụ tập trên 500 người, đồng thời cảnh báo sẽ không nhân nhượng đối với bất cứ ai vi phạm quy định tự cách ly mới nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Các trường học và đại học tạm thời được miễn trừ khỏi lệnh cấm trên. Cho tới nay, New Zealand đã có 8 ca COVID-19 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

 

Liberia, quốc gia Tây Phi có ca bệnh COVID-19 đầu tiên. 

 

Đài Loan có thêm 8 ca nhiễm, mức tăng lớn nhất trong ngày của nước này, có các trường hợp trở về từ Áo và Đức. Tổng số ca bệnh COVID-19 tại Đài Loan hiện là 67. 

 

Thái Lan có thêm 33 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 147, theo Reuters. Thái Lan đã lên kế hoạch đóng cửa trường học, quán bar, nhà hát, trung tâm giải trí và hoãn luôn kỳ nghỉ tết truyền thống vào tháng tới để hạn chế dịch bệnh lây lan. 

 

Malaysia thêm 125 ca nhiễm, hầu hết liên quan đến một nghi lễ tôn giáo có sự tham gia của khoảng 16.000 người. Tổng số ca nhiễm ở Malaysia lúc này là 553, là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất Đông Nam Á.

 

Ý: Số ca tử vong cao nhất kể từ đầu mùa dịch

Rạng sáng 16-3 (theo giờ Việt Nam), giới chức Ý thông báo nước này ghi nhận thêm 368 ca tử vong vì COVID-19. Con số tăng vọt so với ngày hôm trước và là ngày có nhiều ca tử vong nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Ý.

Tính tới rạng sáng 16-3, Ý đã có tổng cộng 24.747 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 1.809 người tử vong.

 

Ý vẫn đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, như đình chỉ các chuyến tàu đêm trong nước kể từ ngày 14-3; việc đi lại bằng đường bộ hoặc đường hàng không, đường biển đều hạn chế.

Đối với đường hàng không, chỉ cho phép các chuyến bay giữa sân bay Fiumicino (Rome) và sân bay Cagliari (tại thủ phủ vùng Sardegna). Đối với đường biển, chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa. Việc vận chuyển hành khách chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của cơ quan chức năng của vùng.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte khẳng định chính phủ ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe cho các y, bác sĩ và các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu gánh vác sứ mạng cứu sống bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp.

 

Các nước đẩy mạnh chống dịch

Tại Hà Lan, tất cả trường học, quán cà phê, nhà hàng và câu lạc bộ thể thao được yêu cầu đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan. Tất cả nhà tắm hơi, câu lạc bộ người lớn, quán cà phê hút cỏ cũng phải đóng cửa từ 17h. Lệnh hạn chế buôn bán, tập trung đông người cũng có hiệu lực ít nhất đến ngày 6-4.

Số ca nhiễm ở Hà Lan tăng lên 176 ca trong ngày hôm qua, lên 1.135 ca, trong đó 20 ca tử vong, trong đó có 8 ca trong hôm qua.

 

Pháp và Đức đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ chống lây nhiễm. Ủy viên Thị trường nội bộ EU Thierry Breton cũng thông báo chính phủ Đức tuyên bố sẽ gửi 1 triệu khẩu trang y tế tới Ý để hỗ trợ nước này. Khẩu trang đã trở nên khan hiếm tại Ý trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh tại quốc gia này từ khi dịch bệnh bùng phát.

 

Theo hãng tin Reuters, Guatemala có trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19. Để hạn chế dịch bệnh lây lan, một quốc gia nam Mỹ khác là Panama ngừng cho phép người nước ngoài không thuộc diện cư trú dài hạn nhập cảnh.

 

Trung Quốc: chỉ ghi nhận 16 ca nhiễm mới

Ngày 16-3, số liệu cập nhật của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc tính đến hết ngày 15-3 cho thấy, Trung Quốc ghi nhận 16 ca mắc bệnh COVID-19 mới, giảm 5 ca so với ngày hôm trước. Trong đó, tỉnh Hồ Bắc có 4 ca nhiễm mới. 

Cũng trong ngày 15-3, Trung Quốc có 14 ca tử vong (tăng 5 ca so với ngày hôm trước). Cho đến nay, tổng số ca tử vong ở riêng tỉnh Hồ Bắc, vùng tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc là 3.099, ở cả Trung Quốc là 3.213 người. Tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc là 80.860 trường hợp với hàng chục ngàn người hồi phục và xuất viện.

 

Czech: Hạn chế đi lại, cấm đi nước ngoài

Theo Hãng tin Reuters, Cộng hòa Czech đã áp đặt các lệnh hạn chế trong ngày 15-3 như hạn chế việc đi lại không cần thiết, trừ đi làm, mua sắm nhu yếu phẩm cho đến ngày 24-3, đóng cửa các trường học và cấm hầu hết các trường hợp đi nước ngoài.

Thủ tướng Andrej Babis cho biết các biện pháp này có hiệu lực từ nửa đêm, và người lao động nếu có thể làm tại nhà hoặc nghỉ phép.

Czech có 10,7 triệu dân và có 253 trường hợp nhiễm bệnh COVID-19, chưa có trường hợp tử vong.

 

Pháp: 127 người tử vong vì COVID-19

Ngày 15-3, nhà chức trách Y tế Pháp cho biết họ ghi nhận 36 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 127, số ca nhiễm mới là hơn 1.000 ca, hiện tổng số ca nhiễm bệnh COVID-19 ở Pháp là 5.423 ca.

Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định chính phủ Pháp không còn lựa chọn nào khác ngoài quyết định áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn để đấu tranh chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 như đóng cửa các quán càphê, nhà hàng, trường học và kêu gọi người dân hạn chế di chuyển - sẽ tìm cách hạn chế hoạt động du lịch đường dài "tới mức cần thiết nhất".

Theo Tổng thống Pháp, quyết định đóng cửa các cửa hàng và nhà hàng là cần thiết bởi có quá nhiều người hiện rất không nghiêm túc trong cách thức bảo vệ bản thân trước virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Sinh thái Elisabeth Borne cho biết Pháp sẽ từng bước cắt giảm các chuyến tàu hỏa, xe buýt và hàng không đường dài trên lãnh thổ nước này trong những ngày tới nhằm hạn chế đà lây lan của dịch bệnh.

 

Anh: Lần đầu tiên họp báo về đại dịch

Theo báo The Guardian, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ củng cố niềm tin của công chúng với chính phủ trong việc xử lý dịch bệnh COVID-19 bằng cách tổ chức cuộc họp báo đầu tiên của bộ trưởng về đại dịch này.

Trong ngày 15-3, số ca tử vong vì COVID-19 ở Anh là 35 và 1.372 ca nhiễm mới. Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cảnh báo trong một cuộc họp kín rằng dịch COVID-19 có thể kéo dài đến mùa xuân sang năm với 7,9 triệu người phải nhập viện.

 

Thụy Sĩ: Thêm gần 1.000 ca nhiễm mới

Theo báo The Local, trong vòng 24 giờ của ngày 15-3, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 mới do virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Thụy Sĩ đã tăng gần 1.000 ca. Tổng số ca nhiễm virus của Thụy Sĩ hiện là 2.200 với 14 trường hợp tử vong. 

Đây là mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào ngày 25-2. Chính quyền Thụy Sĩ kêu gọi người dân đừng lo lắng dù số ca bệnh tăng gần gấp đôi do đã có các biện pháp nghiêm ngặt được thực hiện.

 

Mỹ: Yêu cầu người từ 65 tuổi trở lên tự cách ly bắt buộc

Chính quyền bang California yêu cầu tự cách ly bắt buộc đối với người từ 65 tuổi trở lên, đồng thời triển khai chương trình đưa người vô gia cư vào sinh sống trong nhà, nhà nghỉ hoặc nhà di động; đóng cửa các quán bar, quán rượu, câu lac bộ. 

Bang Ohio và Illinois cũng đưa ra các quy định tương tự trong ngày 15-3, còn New York đóng cửa toàn bộ hệ thống trường công, đồng thời bàn các phương án giữ con cho những phụ huynh làm việc trong bộ máy chính quyền và chăm lo học sinh nghèo. 

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo không tổ chức các sự kiện trên 50 người, hãng CNN đưa tin.

Chính quyền kêu gọi đoàn kết chống dịch, trong khi nhiều tiểu bang có tình trạng người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm tích trữ. Cục dự trữ liên bang Mỹ đã có quyết định cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0 trong ngày 15-3 để hỗ trợ nền kinh tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump hết lời ca ngợi quyết định này. 

Hiện nay Mỹ có gần 3.000 ca bệnh trên hầu hết các tiểu bang, 65 ca tử vong. Theu Reuters, số lượng ca bệnh ở Mỹ có thể chưa được ghi nhận đầy đủ do thiếu các bộ xét nghiệm.

 

Venezuela: Cách ly tại 7 bang từ ngày 16-3

Ngày 15-3, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro xác nhận nước này có thêm 7 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và ban lệnh cách ly đối với 7 bang trên cả nước. Mọi hoạt động trừ phân phối thực phẩm, dịch vụ y tế, giao thông và an ninh sẽ phải ngừng từ 5 giờ sáng ngày 16-3. 

Theo kênh Channel News Asia, toàn bộ các ca nhiễm mới đều nhập cảnh từ nước ngoài. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 ở Venezuela hiện là 17 người.

 

* Cùng ngày 15-3, một số quốc gia mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh COVID-19 bao gồm: Nam Phi, Serbia, Slovakia, Libăng, có hiệu lực từ 16-3 và kéo dài đến khoảng cuối tháng 3-2020. 

Theo đó, Nam Phi sẽ thành lập ngay Trung tâm phản ứng quốc gia nhằm điều phối tập trung mọi hoạt động liên quan đến các tình huống khẩn cấp ứng phó với dịch COVID-19. Hiện Nam Phi ghi nhận 61 ca nhiễm, kể từ khi công bố ca đầu tiên vào ngày 5-3. Theo quy định trong tình huống khẩn cấp, Slovakia và nhiều nước yêu cầu phần lớn các cửa hàng đóng cửa, trừ cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc, ngân hàng, trạm xăng, bưu điện…