Một biển báo hướng giao thông hướng tới lối vào của đường dây dẫn khí Nord Stream 2 ở Lubmin, đông bắc Đức, vào ngày 7/9/2020. (Ảnh Getty Images)
Nord Stream 2 AG, công ty thuộc sở hữu của "đại gia" khí đốt Nga Gazprom, phá sản do các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời cho nghỉ việc toàn bộ 106 nhân viên của mình.
Đơn vị vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), công ty Nord Stream 2 AG, ngày 1/3 đã nộp đơn xin phá sản và chấm dứt hợp đồng với toàn bộ nhân viên sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên dự án này để phản ứng với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Ông Silvija Thalman-Gut, một quan chức của chính quyền bang Zug, Thụy Sĩ, nơi tọa lạc trụ sở chính của Nord Stream 2 AG, cho biết "công ty buộc phải phá sản và tất cả 106 nhân viên đã bị cho nghỉ việc".
"Nord Stream 2 vỡ nợ do các lệnh trừng phạt của Mỹ và nhà chức trách Thụy Sỹ đã nhận được thông báo vào ngày 1/3 rằng công ty này đã nộp đơn xin phá sản, đồng thời sa thải toàn bộ 106 nhân viên", bà Silvia Thalmann-Gut, đại diện cơ quan quản lý kinh tế bang Zug (Thụy Sỹ) - nơi công ty đặt trụ sở - nói với đài phát thanh SRF.
Nord Stream 2, trị giá 11 tỷ USD và dài 1.230 km, dự án được xây dựng nhằm dẫn khí đốt thẳng từ Nga sang châu Âu, trong đó tăng gấp đôi lượng cung cấp sang Đức. Dự án này được hoàn tất vào năm ngoái, nhưng chưa thể đi vào hoạt động do chưa được cơ quan chức năng Đức phê chuẩn. Tuần trước, Đức tuyên bố tạm dừng quy trình phê chuẩn này như một biện pháp trừng phạt với Nga sau khi Moscow công nhận độc lập và đưa lực lượng tới hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Nord Stream 2 AG, đăng ký kinh doanh tại Thụy Sỹ nhưng thuộc sở hữu của Gazprom - tập đoàn khí đốt quốc doanh của Nga.
Trước đó, hôm 23/2, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh hành pháp cho phép "hủy bỏ các giao dịch liên quan đến Nord Stream 2 AG" hoặc "bất kỳ thực thể nào mà Nord Stream 2 AG sở hữu - trực tiếp hoặc gián tiếp – với tỷ lệ 50% trở lên” trước ngày 2/3.
Giám đốc điều hành tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, Alexei Miller, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Zhang Gaoli tham dự buổi lễ đánh dấu mối liên kết đầu tiên của "Sức mạnh Siberia" - "đường ống dẫn khí đốt chính, vào ngày 1 tháng 9 năm 2014 (Ảnh của ALEXEY NIKOLSKY/RIA NOVOSTI/AFP qua Getty Images)
Gazprom đã đầu tư hơn 50% chi phí xây dựng đường ống Nord Stream 2, phần còn lại trong dự án 11 tỷ USD được đầu tư bởi hãng dầu khí Shell (Anh), OMV (Áo), Engie (Pháp), Uniper và Wintershall DEA (Đức).
Shell, Engie, OMV và Wintershall DEA không có tuyên bố chính thức liên quan tới thông tin Nord Stream 2 AG phá sản. Trong khi đó, người phát ngôn của Uniper cho biết công ty hiện không nhận được thông tin về việc này.
Hiện chưa rõ liệu tất cả thực thể liên quan tới Nord Stream 2 AG có bị đóng cửa không và Gazprom dự định thực hiện công tác bảo trì đường ống này như thế nào.
Đức, hiện nhập khẩu một nửa lượng khí đốt tiêu thụ trong nước từ Nga, đã hỗ trợ dự án Nord Stream để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Tuy nhiên, dự án này vấp phảo sự phản đối trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vì làm gia tăng sự phụ thuộc về khí đốt vào Nga và cho phép Moscow giảm lượng cung cấp qua Ukraine.
Kể từ khi Nga mở cuộc tấn công vũ trang vào Ukraine tuần trước, một số công ty lớn, trong đó có nhiều hãng năng lượng khổng lồ, đã tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tại Nga. Trong đó, Shell nói rằng sẽ không còn liên quan tới dự án Nord Stream 2.
Một số công ty khác của Nga cũng có trụ sở chính tại Zug. Bà Thalmann-Gut thừa nhận tương lai có thể chứng kiến nhiều vụ phá sản hơn nữa khi các đòn trừng phạt mạnh tay nhắm vào Nga bắt đầu có hiệu lực.
Vốn là một nước trung lập, Thụy Sĩ ban đầu do dự trong việc đưa ra lệnh trừng phạt với Nga. Tuy nhiên, ngày 28/2, nước này cho biết sẽ làm theo các nước EU và áp đặt tất cả lệnh trừng phạt mà khối này nhắm vào Nga.
(ntdvn.net - Theo SCMP)