(Ảnh minh họa) - Kim loại đất hiếm được sản xuất tại nhà máy MP Materials' Independence, Fort Worth, Texas, Mỹ. © AFP / Photo: Business Wire

 

 

 

QUỐC TẾ - Tuy là tổng thống Mỹ, nhưng Donald Trump bản chất vẫn là một nhà doanh nghiệp, rất thực dụng : Đối với ông, mọi chuyện đều là làm ăn, có qua thì phải có lại. Trong quan hệ với Ukraine, ông Trump cũng hành xử như thế.

 

Hôm thứ Hai 03/02/2025, ông Trump cho biết muốn đàm phán một “thỏa thuận” với Ukraine theo hướng là Kyiv “bảo đảm” nguồn cung cấp đất hiếm cho Hoa Kỳ, đổi lại Washington sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine để chống quân xâm lược Nga. 

 

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm ngày 4/02 đã ngay lập tức “hưởng ứng” đề xuất của Trump, tuyên bố Ukraine sẵn sàng tiếp nhận “đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ” để khai thác đất hiếm, những kim loại có tính chất chiến lược đối với Hoa Kỳ nói riêng và cho cả thế giới nói chung. Không chỉ cần thiết trong ngành công nghiệp điện tử, đất hiếm ngày càng được sử dụng trong các công nghệ chuyển đổi năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu.

 

Tuy gọi là đất hiếm, trữ lượng của các kim loại này rất dồi dào trên hành tinh của chúng ta. Trong báo cáo năm 2024, Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính trữ lượng toàn cầu là 110 triệu tấn, trong đó hơn 1/3, tức 44 triệu tấn, nằm ở Trung Quốc, 22 triệu ở Việt Nam, 21 triệu ở Brazil, 10 triệu ở Nga và 7 triệu ở Ấn Độ.

 

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, nước Mỹ hiện nay phụ thuộc vào việc nhập khẩu một số loại khoáng sản. Chẳng hạn như vào năm 2023, Hoa Kỳ đã nhập cảng hơn 95 phần trăm lượng titan, được sử dụng trong ngành hàng không - không gian và điện tử. Cũng vào năm 2023, Hoa Kỳ đã nhập khẩu toàn bộ than chì, loại vật liệu được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm bình điện xe hơi.

 

Thế mà Trung Quốc đang là nước sản xuất hàng đầu các loại khoáng sản này, bao gồm cả đất hiếm. Để không tiếp tục phụ thuộc vào đối thủ thương mại Trung Quốc, Mỹ buộc phải đa dạng hóa nguồn cung và một trong những nguồn cung tiềm tàng chính là Ukraine.

 

Tạp chí Forbes Ukraine vào tháng 4/2023 ước tính tài nguyên khoáng sản của Ukraine lên tới 111 tỷ tấn, trị giá 14.800 tỷ đô-la, chủ yếu là than đá và quặng sắt. Có điều hơn 70 phần trăm các nguồn tài nguyên này nằm ở các vùng Donetsk và Lugansk, mà Nga hiện kiểm soát một phần và ở vùng Dnipropetrovsk, nơi mà lực lượng của Moscow đang tiến đến gần. 

 

Cũng theo Forbes Ukraine, vào năm 2023, Ukraine có trong tay 33 triệu tấn lithium, trị giá 38 tỷ đô-la. Lithium là nguyên liệu thiết yếu để sản xuất bình điện xe hơi và nhu cầu về kim loại này đang tăng mạnh. Trong bài thuyết trình kêu gọi đầu tư năm 2022, chính phủ Kyiv cho biết Ukraine nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về trữ lượng titan đã được chứng minh và chiếm 7 phần trăm sản lượng toàn cầu. 

 

Cũng theo Kyiv, Ukraine là một trong năm quốc gia hàng đầu thế giới về trữ lượng than chì với khoảng 19 triệu tấn. Theo USGS, trước khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022, sản lượng than chì ở Ukraine là vào khoảng 10.000 tấn mỗi năm, nhưng đã giảm 95 phần trăm vào năm 2023 do xung đột. Ukraine cũng có trữ lượng lớn các loại đất hiếm khác mà thế giới đang rất cần, bao gồm uranium, mangan, thủy ngân và gali, một kim loại được sử dụng trong thiết bị điện tử.

 

 

Hôm ngày 4/02 không phải là lần đầu tiên tổng thống Zelenskyy mời gọi đầu tư của Mỹ để khai thác đất hiếm, mà ngay từ khi gặp ứng cử viên Donald Trump vào tháng 10/2024, lãnh đạo Ukraina đã từng nêu lên khả năng này. Vào lúc đó, ông Zelenskyy còn nói với ông Donald Trump rằng nếu những quặng đó nằm trong tay Nga, thì những nước “như Iran hay Bắc Hàn” sẽ có thể tiếp cận được.

 

Đây cũng là một phần của kế hoạch hòa bình mà tổng thống Zelenskyy đề xuất từ trước đó rất lâu, theo đó các nước đồng minh sẽ được phép tham gia khai thác các tài nguyên của Ukraine, với điều kiện phải có những bảo đảm thật sự là những vùng đất có các tài nguyên đó không nằm trong tay quân Nga. 

 

Như vậy có thể nói trong vấn đề khai thác đất hiếm, có một sự tương đồng về lợi ích giữa Hoa Kỳ và Ukraine : Một bên thì sẽ giảm bớt được sự phụ thuộc vào Trung Quốc, bên kia thì hy vọng lấy lại được các vùng đất bị Nga chiếm đóng. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một viễn cảnh xa vời vào lúc mà chưa ai dám chắc là Kyiv và Moscow sẽ chấp nhận ngồi vào bàn hòa đàm.

 

 

 

(Theo RFI)