Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn ảnh) đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 1/7/2021. (Wang Zhao / AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

"Phú khả địch quốc" - khi tài sản cá nhân của một người có thể sánh ngang hay vượt qua cả ngân khố của một quốc gia, thì khối tài sản đó lại trở thành mối nguy khôn lường cho người chủ, đặc biệt nếu như họ đang nằm dưới sự kiểm soát của một chế độ độc tài như ĐCSTQ.

 

 

Vào ngày 26/9/2021, chương trình thời sự "60 Minutes" đã phát sóng một bộ phim tài liệu hấp dẫn, kể về câu chuyện đau đớn của người tố giác gốc Trung Quốc là ông Desmond Shum. Vợ cũ của ông Shum là tỷ phú Whitney Duan đã biến mất trên đường phố Bắc Kinh vào 4 năm trước.

 

 

Cho đến gần đây, không ai được nghe tin tức hay biết về số phận của bà ấy. Hiện tại, ông Shum đang sống ở Luân Đôn cùng người con chung của họ và đang chuẩn bị ra mắt một cuốn sách kể về sự kiện mất tích này, về những hoạt động — hay đúng hơn là mưu mô — của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Song ngay lúc này, ông lại nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ người vợ cũ của mình. Bà đã gọi để cầu xin ông Shum từ bỏ việc ra mắt cuốn sách, hiển nhiên là dưới sức ép của thế lực Trung Quốc đang bắt giữ bà.

 

 

Tuy nhiên, sự mất tích của bà Whitney Duan không phải là một sự kiện cá biệt. Một số tỷ phú đã biến mất trong thập kỷ qua, và một số người không còn được nghe nói đến hoặc nhìn thấy kể từ khi họ biến mất.

 

 

Cuối cùng, hầu hết những người này sẽ bị buộc tội với những tội danh tham nhũng và gây thâm hụt tài chính — một tội danh dễ mắc phải khi tra xét khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú. Hoặc đơn giản hơn, họ sẽ biến mất vĩnh viễn.

 

 

Số phận đáng lo ngại này không chỉ dành riêng cho các tỷ phú. Ngày càng có thêm nhiều cái tên xuất hiện trong danh sách, bao gồm những nhân vật nổi tiếng, học giả và giới truyền thông đã phải hứng chịu sự đàn áp của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

 

Trong số đó có người dẫn chương trình truyền hình Úc Cheng Lei, và thậm chí người giàu nhất Trung Quốc là tỷ phú Jack Ma - người đã thành lập nên đế chế Alibaba. Ông Ma đã dám chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, để rồi biến mất vào đầu tháng 11/2020 nhưng lại xuất hiện trong một thời gian ngắn vào tháng Giêng và tháng Hai năm 2021.

 

 

 

Một bảng hiệu của Alibaba được nhìn thấy bên ngoài văn phòng của công ty ở Bắc Kinh vào ngày 13/4/2021. (GREG BAKER / AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

Vậy, đâu là sự thật đằng sau tất cả những điều này? Chương trình "60 Minutes" — trong một cuộc phỏng vấn với ông Desmond Shum — đã vén màn một số hoạt động của một chế độ cai trị muốn bám lấy quyền lực, ngay cả khi cần phải tiêu diệt bất kỳ phe đối lập nào, dù là tưởng tượng, theo cách thật tàn nhẫn.

 

 

Bộ phim tài liệu của "60 Minutes" nhắc nhở tôi về số phận của Hầu tước Nicolas Fouquet, Bộ trưởng Tài chính của Vua Louis XIV (Đức Vua Mặt trời) của Pháp.

 

 

Vào ngày 17/8/1661, Đức vua Louis XIV đã đến thăm cung điện mới được xây dựng cho vị Bộ trưởng Tài chính. Chi phí xây dựng tòa điện này được thanh toán một phần bằng các nguồn tiền có lẽ đã được chiếm dụng từ Ngân khố Pháp. Đức vua đi dạo trên những hành lang tuyệt đẹp của cung điện, chiêm ngưỡng những khu vườn và đài phun nước. Ông đã được thưởng thức và ăn tối trong phòng ăn sang trọng của cung điện, với sự lộng lẫy vây quanh mình. Tòa điện này khiến Đức vua rất ghen tị, vì cung điện của ông gần như không lộng lẫy bằng cung điện mới của Bộ trưởng Fouquet.

 

 

Khi thấy một bức chân dung tuyệt đẹp của mình được treo trong phòng ăn, Đức vua bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với bức tranh đó và đáp lại, Bộ trưởng Tài chính đã tặng bức tranh cho ngài. Nhưng than ôi, hành động hào phóng ấy đã quá muộn màng vì Đức vua - người không quen với suy nghĩ rằng những người khác có thể sống trong một nơi sang trọng hơn mình - đã ra lệnh bắt giữ ông Fouquet vài ngày sau đó vì tội đầu cơ (biển thủ công quỹ). Sau một quá trình xét xử kéo dài, ông Fouquet cuối cùng phải chịu án tù chung thân và bị lưu đày. Ông qua đời vào năm 1680.

 

 

Câu chuyện về Hầu tước Nicolas Fouquet xác nhận một cách phù hợp rằng, sẽ thật nguy hiểm khi những người thành công phô trương sự giàu có của mình, đặc biệt là trước sự chứng kiến ​​của những người ít giàu có hơn nhưng lại quyền lực hơn họ. Sau sự sụp đổ của ông Fouquet, Đức vua Louis XIV quyết định xây dựng một tòa cung điện huy hoàng cho riêng mình, sử dụng cùng những vị kiến ​​trúc sư và nhân viên thương mại mà vị Bộ trưởng Tài chính bị phế truất từng trọng dụng trước đây. Cung điện mới này chính là Cung điện Versailles lộng lẫy.

 

 

 

Galerie des Gords (Sảnh gương) ở Cung điện Versailles, Versailles, Pháp. (Ảnh: Myrabella / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)

 

 

 

 

 

Sự hiểu biết sâu sắc về đoạn lịch sử này có thể giải thích, ít nhất một phần, cho sự biến mất đáng lo ngại của các tỷ phú và những người thành công khác ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, bất kỳ sự phản đối nào đối với ĐCSTQ, dù là dựa trên thực tế hay chỉ đơn thuần là suy đoán của nhà cầm quyền, cuối cùng sẽ dẫn đến sự trả đũa có thể đoán trước được. Điều này có thể dẫn đến sự biến mất của những người mà của cải tài chính do họ sở hữu được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với khả năng tồn tại của chế độ cầm quyền độc tài này.

 

 

Việc trao tặng phần tài sản và nguồn tài chính có giá trị cho ĐCSTQ không thể đảm bảo an toàn cho họ, ngay cả khi họ là đảng viên của ĐCSTQ.

 

 

Cuối cùng, khi một đế chế kinh doanh tư nhân trở nên quá mạnh, nó có thể bị coi là mối đe dọa tiềm tàng hoặc thực tế đối với chế độ ĐCSTQ cầm quyền (tương tự như câu nói "phú khả địch quốc").

 

 

Chắc chắn đó cũng không phải ý kiến ​​hay khi trực tiếp chống đối lại chế độ, như tỷ phú Jack Ma đã làm. Ông đã chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ vài ngày trước khi mất tích. Và dù theo cách gián tiếp, bằng việc bành trướng quá lớn và có quyền lực để trở thành một đối thủ đáng gờm đối với ĐCSTQ, thì cũng không nên.

 

 

 

Ông Jack Ma, doanh nhân và người sáng lập Alibaba, tại Lễ kỷ niệm 40 năm Cải cách và Mở cửa tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, hôm 18/12/2018. (Ảnh: Andrea Verdelli / Getty Images)

 

 

 

 

Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, sở hữu nhiều của cải như trong trường hợp của Bộ trưởng Tài chính Pháp Fouquet không thể đảm bảo cho sự bảo vệ tuyệt đối. Cuối cùng, nếu các doanh nghiệp quốc tế thành công bị coi là trở ngại đáng gờm đối với quyền lực không thể công khai của ĐCSTQ, thì điều đó sẽ gây nên một cơn thịnh nộ - nhưng ngấm ngầm - ngay trong nội bộ chế độ này.

 

 

Tuy nhiên, lịch sử cũng cho chúng ta biết rằng, chế độ quân chủ của Pháp chỉ tồn tại thêm 100 năm nữa sau sự sụp đổ của ngài Hầu tước, và nó đã kết thúc (ít nhất là tạm thời) trong vụ chém đầu Vua Louis XVI vào ngày 21/1/1793.

 

 

Tương tự, việc dự đoán ĐCSTQ cuối cùng sẽ bị phế truất hoặc mất quyền lực là điều không quá xa vời, và có lẽ thế giới sẽ không cần đợi thêm 100 năm nữa.

 

 

Các chế độ tà ác cần phải nuôi dưỡng sự thống trị áp bức của họ bằng cách trở nên tàn bạo hơn bao giờ hết để duy trì quyền lực — một vấn đề sẽ dẫn đến sự diệt vong không thể tránh khỏi của họ. Đặc biệt là trong thời đại phổ cập Internet hiện nay, khi mọi hành động ác độc của nhà nước đều có thể bị vạch trần công khai trên diện rộng.

 

 

Câu chuyện về ngài Hầu tước Fouquet góp phần vào sự hiểu biết về các sự kiện ngày nay. Cụ thể, nó dạy rằng, trong một nhà nước độc tài, sẽ rất nguy hiểm nếu bạn khiến kẻ thống trị ghen tị với mình, bằng cách phô trương sự giàu có và quyền lực của bản thân. Việc phô bày tài sản như vậy có thể kích động sự đố kỵ của đảng cầm quyền và dẫn đến cái chết của những người có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước họ.

 

 

Nhưng lịch sử cũng luôn tự lặp lại - Một câu nói nên dùng để cảnh báo các chế độ chuyên quyền độc tài đang muốn duy trì quyền lực tuyệt đối của mình.

 

 

 

Tác giả bài viết là Giáo sư Gabriël A. Moens AM. Ông là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng, trưởng khoa và giáo sư luật tại Đại học Murdoch tại Úc. Ông ấy đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết về nguồn gốc của căn bệnh COVID-19, với tiêu để “A Twisted Choice” (tạm dịch: Một sự lựa chọn vặn xoắn), và gần đây đã xuất bản một truyện ngắn tên là “The Greedy Pros Inspector” trong một Tuyển tập truyện ngắn có tựa đề “The Outback” (Boolarong Press, 2021).

 

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times hay NTD Việt Nam.

 

(ntdvn.com - Theo Epoch Times tiếng Anh)