Một công nhân đang kiểm tra điện thoại di động của mình tại một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, tháng 1 năm 2024. Florence Lo / Reuters – nghiencuuquocte.org
Nguồn: Nicholas R. Lardy, “China Is Still Rising,” Foreign Affairs, 02/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Đừng đánh giá thấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong hơn hai thập niên, thành tích kinh tế phi thường của Trung Quốc đã gây ấn tượng và cũng gây lo ngại cho phần lớn thế giới, bao gồm cả Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Nhưng kể từ năm 2019, tốc độ tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà quan sát kết luận rằng nước này đã đạt đến đỉnh cao của một cường quốc kinh tế. Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Joe Biden khẳng định trong Thông điệp Liên bang: “Suốt nhiều năm, tôi đã nghe nhiều người bạn từ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ nói rằng Trung Quốc đang trên đà phát triển và Mỹ đang tụt lại phía sau. Họ đã nói ngược rồi.”
Những người nghi ngờ việc Trung Quốc sẽ tiếp tục trỗi dậy thường viện dẫn mức chi tiêu hộ gia đình kém, đầu tư tư nhân giảm, và tình trạng giảm phát cố hữu. Họ lập luận rằng, trước khi vượt qua Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ bước vào một cuộc suy trần kéo dài, thậm chí có thể là một thập niên mất mát.
Nhưng quan điểm suy trầm này đã đánh giá thấp khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Đúng là nước này đang phải đối mặt với một số trở ngại được ghi nhận rõ ràng, bao gồm trì trệ ở thị trường nhà đất, những hạn chế do Mỹ áp đặt đối với việc tiếp cận một số công nghệ tiên tiến, và dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm. Tuy nhiên, Trung Quốc từng vượt qua những thách thức lớn hơn khi bắt đầu con đường cải cách kinh tế vào cuối những năm 1970. Dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây, Trung Quốc vẫn có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ gấp đôi Mỹ trong những năm tới.
HIỂU SAI DỮ LIỆU
Một số quan niệm sai lầm đang củng cố cho sự bi quan về tiềm năng kinh tế của Trung Quốc. Một quan niệm phổ biến cho rằng tốc độ thu hẹp khoảng cách với quy mô nền kinh tế Mỹ của nền kinh tế Trung Quốc đã bị đình trệ. Đúng là từ năm 2021 đến năm 2023, GDP của Trung Quốc đã giảm từ mức 76% GDP của Mỹ xuống còn 67%. Nhưng cũng trong năm 2023, GDP của Trung Quốc đã lớn hơn 20% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch toàn cầu, trong khi GDP của Mỹ chỉ lớn hơn 8%.
Nghịch lý này có thể được giải thích bởi hai yếu tố. Thứ nhất, trong vài năm qua, lạm phát ở Trung Quốc luôn thấp hơn ở Mỹ. Năm ngoái, GDP danh nghĩa của Trung Quốc tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng 5,2% của GDP thực tế. Ngược lại, do lạm phát cao nên GDP danh nghĩa của Mỹ trong năm 2023 tăng 6,3%, trong khi GDP thực tế chỉ tăng 2,5%.
Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất hơn 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, từ 0,25% lên 5,5%, khiến các tài sản bằng đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu, và nâng cao giá trị của đồng đô la so với các loại tiền tệ thay thế. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại cắt giảm lãi suất cơ bản từ 3,70% xuống 3,45%. Khoảng cách ngày càng tăng giữa lãi suất của Trung Quốc và Mỹ đã đảo ngược dòng vốn nước ngoài lớn từng đổ vào Trung Quốc, sau cùng làm giảm giá trị của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la tới 10%. Việc chuyển đổi một GDP danh nghĩa nhỏ hơn sang đô la với tỷ giá hối đoái yếu sẽ dẫn đến việc giá trị GDP của Trung Quốc giảm khi đo bằng đô la so với GDP của Mỹ
Nhưng hai yếu tố này có thể chỉ là tạm thời. Lãi suất ở Mỹ hiện đang giảm tương đối so với lãi suất ở Trung Quốc, làm giảm động lực của các nhà đầu tư trong việc chuyển đổi đồng nhân dân tệ thành tài sản bằng đồng đô la. Kết quả là sự mất giá của đồng tiền Trung Quốc đã bắt đầu đảo ngược. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo giá cả tại Trung Quốc sẽ tăng trong năm nay, theo đó thúc đẩy GDP của Trung Quốc được tính bằng đồng nhân dân tệ. GDP danh nghĩa của Trung Quốc được đo bằng đồng đô la Mỹ gần như chắc chắn sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong năm nay và có khả năng vượt qua Mỹ sau khoảng 10 năm nữa.
Quan niệm sai lầm thứ hai là thu nhập, chi tiêu hộ gia đình, và niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc đều yếu. Dữ liệu không hỗ trợ quan điểm này. Năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người thực tế đã tăng 6%, cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng vào năm 2022, khi đất nước bị phong tỏa, và mức tiêu dùng bình quân đầu người cũng tăng 9%. Nếu niềm tin của người tiêu dùng thực sự yếu, các hộ gia đình sẽ cắt giảm tiêu dùng và tăng tiết kiệm. Nhưng các hộ gia đình Trung Quốc lại làm điều ngược lại vào năm ngoái: tiêu dùng tăng nhiều hơn thu nhập, điều vốn chỉ có thể xảy ra nếu các hộ gia đình giảm tỷ lệ thu nhập dành cho tiết kiệm.
Quan niệm sai lầm thứ ba là giảm phát đã cắm rễ sâu ở Trung Quốc, đẩy nước này vào con đường suy trầm. Đúng là giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2% trong năm ngoái, từ đó làm dấy lên lo ngại rằng các hộ gia đình sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu vì sợ giá vẫn giảm – theo đó làm giảm cầu và giảm tốc độ tăng trưởng. Nhưng dự đoán này đã không xảy ra vì giá tiêu dùng cốt lõi (nghĩa là giá hàng hóa và dịch vụ ngoài lương thực và năng lượng) thực tế đã tăng 0,7%.
Giá công cụ và nguyên liệu thô dùng để sản xuất các hàng hóa khác đã giảm vào năm 2023, phản ánh sự sụt giảm toàn cầu về giá năng lượng và các mặt hàng giao dịch quốc tế khác, cũng như mức cầu tương đối yếu ở Trung Quốc đối với một số mặt hàng công nghiệp, nhiều khả năng làm suy yếu động lực khuyến khích các công ty đầu tư mở rộng năng lực sản xuất của mình. Thay vì bơm tiền vào hoạt động kinh doanh, người ta cho rằng các công ty sẽ sử dụng lợi nhuận đang sụt giảm để trả nợ. Nhưng vấn đề là điều ngược lại đã xảy ra: các tập đoàn Trung Quốc đang tăng cường đi vay, cả về mặt tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong GDP. Và đầu tư vào sản xuất, khai thác mỏ, tiện ích, và dịch vụ cũng đã tăng lên. Không có dấu hiệu nào cho thấy suy trầm đã gần kề.
Một quan niệm sai lầm khác liên quan đến khả năng sụp đổ của đầu tư bất động sản. Những nỗi sợ này không hoàn toàn thiếu cơ sở. Chúng được hỗ trợ bởi dữ liệu về việc khởi công xây dựng nhà ở, số lượng tòa nhà mới bắt đầu xây dựng, mà vào năm 2023 chỉ bằng một nửa so với năm 2021. Nhưng cần phải xem xét bối cảnh. Trong cùng khoảng thời gian hai năm đó, đầu tư bất động sản chỉ giảm 20%, do các nhà phát triển phân bổ phần lớn chi phí vào việc hoàn thành các dự án nhà ở mà họ đã bắt đầu từ những năm trước. Diện tích nhà ở được xây xong hoàn toàn đã đạt gần 725 triệu mét vuông vào năm 2023, lần đầu tiên vượt qua diện tích nhà ở mới khởi công. Điều này được hỗ trợ bởi chính sách của chính phủ nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay đặc biệt cho các dự án nhà ở gần hoàn thành; nhưng việc nới lỏng những ràng buộc đối với các khoản vay ngân hàng của các nhà phát triển bất động sản sẽ làm tăng thêm tình trạng dư cung bất động sản.
Quan niệm sai lầm cuối cùng là các doanh nhân Trung Quốc đang chán nản và chuyển tiền ra khỏi đất nước. Chắc chắn, cuộc đàn áp của chính phủ kể từ cuối năm 2020 đối với các công ty tư nhân lớn, nổi bật là Alibaba, đã khiến mọi thứ xấu đi. Từ khi bắt đầu cải cách kinh tế năm 1978 đến giữa những năm 2010, đầu tư tư nhân ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 2014, đầu tư tư nhân chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư – tăng từ mức gần bằng 0% vào năm 1978. Do đầu tư tư nhân nhìn chung có hiệu quả cao hơn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, nên tỷ trọng ngày càng tăng của nó trong tổng đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc trong giai đoạn này. Nhưng xu hướng đã đảo ngược sau năm 2014 khi Tập Cận Bình, người lúc đó vừa lên đảm nhận vị trí lãnh đạo tối cao, quyết liệt chuyển hướng nguồn lực sang khu vực nhà nước. Tốc độ suy giảm ban đầu còn khiêm tốn, nhưng đến năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ còn chiếm 50% tổng đầu tư. Tập đã làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư; các doanh nhân không còn coi chính phủ là người quản lý đáng tin cậy của nền kinh tế nữa. Nhìn chung, chừng nào Tập còn nắm quyền, các doanh nhân sẽ còn tiếp tục hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, và thay vào đó chọn cách chuyển tài sản của họ ra khỏi đất nước.
Tuy nhiên, một lần nữa, sự bi quan không được hỗ trợ bởi dữ liệu. Thứ nhất, gần như toàn bộ sự sụt giảm tỷ trọng của đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư sau năm 2014 là do sự điều chỉnh trên thị trường bất động sản, vốn do các công ty tư nhân thống trị. Khi loại trừ bất động sản, đầu tư tư nhân đã tăng gần 10% vào năm 2023. Và dù một số doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc đã rời khỏi đất nước, hơn 30 triệu công ty tư nhân vẫn quyết định ở lại và tiếp tục đầu tư. Hơn nữa, số lượng công ty gia đình, không được phân loại chính thức là doanh nghiệp, đã tăng thêm 23 triệu vào năm 2023, đạt tổng số 124 triệu doanh nghiệp, sử dụng khoảng 300 triệu lao động.
THÁCH THỨC THẬT SỰ PHÍA TRƯỚC
Dù Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả những vấn đề nảy sinh từ nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm siết chặt quyền kiểm soát nền kinh tế, nhưng việc phóng đại những vấn đề này chẳng mang lại lợi ích gì cho ai cả. Nó thậm chí có thể dẫn đến sự tự mãn khi đối mặt với những thách thức có thật khác mà Trung Quốc đặt ra cho phương Tây.
Điều này đặc biệt đúng với Mỹ. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời gia tăng dấu ấn kinh tế của mình, đặc biệt là ở Á châu. Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ đánh giá thấp điều này, họ có thể đánh giá quá cao khả năng của mình trong việc duy trì quan hệ kinh tế và an ninh ngày càng sâu sắc với các đối tác Á châu.
Nicholas R. Lardy là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
(nghiencuuquocte.org)