Amazon sở hữu kho dữ liệu khổng lồ về khách hàng và đối tác. Nguồn ảnh (Pixabay)

 

 

 

 

 

Công ty Amazon.com, Inc đang đối mặt với khoản tiền phạt lớn nhất từ trước đến nay từ Liên minh châu Âu sau khi cơ quan theo dõi của khu vực cáo buộc Công ty vi phạm các quy tắc bảo vệ dữ liệu. Mức phạt lên tới 746 triệu EUR (tương đương 888 triệu USD). 

 

 

CNPD, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Luxembourg, đã phạt Amazon với mức phạt kỷ lục trong quyết định ngày 16 tháng 7 và cáo buộc nhà bán lẻ trực tuyến vi phạm Quy định chung về Bảo vệ Dữ liệu của EU, GDPR. Phía Amazon cho rằng quyết định này là “không có cơ sở”.

 

 

 

Amazon khẳng định mạnh mẽ trong tuyên bố, và cho biết thêm rằng họ có kế hoạch kháng cáo, rằng “Chúng tôi không vi phạm nguyên tắc và dữ liệu khách hàng không bị tiết lộ cho bất kỳ bên thứ ba nào. Chúng tôi không đồng ý với phán quyết của CNPD ”.

 

 

Quyết định phạt trên bắt nguồn từ khiếu nại của nhóm bảo vệ quyền riêng tư tại Pháp - La Quadntic du Net vào năm 2018. Bastien Le Querrec, một thành viên của nhóm La Quadntic, cho biết: “Khoản tiền phạt có thể gây bất bình, nhưng chúng tôi vô cùng thận trọng chờ xem quyết định có yêu cầu hành vi sửa chữa vi phạm hay không.”

 

 

Quyền hạn của các cơ quan quản lý dữ liệu Châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi Quy định GDPR có hiệu lực vào tháng 5 năm 2018. Quy định cho phép các cơ quan theo dõi có thể áp mức phạt lên tới 4% doanh thu hàng năm toàn cầu của một công ty. Cho đến nay, khoản tiền phạt lớn nhất là khoản phạt 50 triệu EUR đối với Google do cơ quan CNIL của Pháp đưa ra.

 

 

CNPD tạm thời không đưa thêm bình luận gì. Luật pháp sở tại quy định chính quyền Luxembourg phải giữ bí mật nghề nghiệp và không cho phép cơ quan này bình luận về các trường hợp riêng lẻ hoặc xác nhận về kháng cáo. Amazon đặt cơ sở tại Luxembourg, do đó, các cơ quan quản lý sở tại có trách nhiệm giám sát công ty tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu.

 

 

Amazon là đối tượng cần giám sát chặt chẽ trong những năm gần đây do công ty sở hữu kho dữ liệu khổng lồ về khách hàng và đối tác, bao gồm người bán độc lập trên thị trường bán lẻ, người dùng hệ thống trợ lý Alexa (trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói do Amazon phát triển), và những người mua sắm với lịch sử trình duyệt và mua hàng mà Amazon hiển thị trên trang web.

 

 

Công ty cho biết họ thu thập dữ liệu để cải thiện trải nghiệm của khách hàng, từ đó đưa ra các nguyên tắc quản lý cho nhân viên. Một số nhà lập pháp và cơ quan quản lý quan ngại rằng Amazon có thể sử dụng thông tin để tạo lợi thế không công bằng trên thị trường.

 

 

Việc giám sát chống độc quyền đối với hoạt động kinh doanh của Amazon ở Châu Âu cũng được siết chặt. EU đang thăm dò việc Amazon sử dụng dữ liệu từ người bán trên nền tảng trực tuyến và xem xét liệu công ty có ưu tiên sản phẩm của mình hơn không. Đức có nhiều cuộc điều tra về doanh số bán hàng của Amazon. Vương quốc Anh cũng đang xem xét các vấn đề tương tự như EU đang làm.

 

 

Ủy ban Châu Âu hồi tháng trước cũng nêu lên quan ngại về vấn đề chống độc quyền đối với hệ thống trợ lý giọng nói Alexa và dữ liệu mà Amazon thu thập được từ người dùng.

(Theo ntdvn.com)