Những cánh buồm của Nhà hát Opera Sydney được thắp sáng theo màu quốc kỳ Ukraine để thể hiện sự ủng hộ chống chiến tranh, tại Sydney, Thứ Ba, ngày 1 tháng 3 năm 2022. (Hình ảnh AAP/Bianca De Marchi). Nguồn: AAP / BIANCA DE MARCHI /APIMAGE

 

 

Những lời bình luận từ Giáo hoàng Francis dường như kêu gọi Ukraine hãy đầu hàng và đàm phán hòa bình với Nga, đã gây ra sự chỉ trích, đặc biệt là từ các quan chức Ukraine và một số nhân vật ở Âu châu.

 

 

Sự tức giận lan rộng ở thủ đô Kyiv của Ukraine, khi Giáo hoàng Francis nói rằng Ukraine, sắp đối mặt với một thất bại có thể xảy ra, nên can đảm đàm phán để chấm dứt chiến tranh với Nga và không xấu hổ khi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình.
 

"Tôi nghĩ rằng người mạnh nhất là người nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng dũng cảm giương cờ trắng và đàm phán. ... Khi bạn thấy mình bị đánh bại, rằng mọi thứ không diễn ra như mong muốn, thì bạn phải có can đảm để thương lượng. Bạn xấu hổ, nhưng nếu cứ tiếp tục như thế này thì sẽ có bao nhiêu người sẽ chết?... Đừng xấu hổ khi thương lượng, trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.”

 

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba là quan chức đầu tiên đưa ra phản hồi trên Twitter.

 

Ông nhắc lại sự hợp tác giữa một số thành viên của Giáo hội Công giáo và Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.
 

“Người mạnh nhất là người, mà trong cuộc chiến giữa thiện và ác, đứng về phía thiện hơn là cố gắng đặt phía thiện ngang hàng với phe ác, và gọi đó là “đàm phán”. Đồng thời, nhắc đến “cờ trắng”, chúng ta biết đến chiến lược này của Vatican từ nửa đầu thế kỷ XX. Tôi kêu gọi tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ và hãy ủng hộ Ukraine cũng như người dân Ukraine trong cuộc đấu tranh chính nghĩa cho cuộc sống của họ."

 

 

Đại sứ Ukraine tại Vatican, Andrij Jurasz, cũng đăng một ví dụ tương tự về Thế chiến thứ hai trên mạng xã hội.
 

"Sự nhất quán là rất quan trọng. Để giải quyết cuộc xung đột toàn cầu hiện nay, điều quan trọng là rút ra bài học từ Thế chiến thứ hai."
 

 

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong một bài phát biểu trên truyền hình, đã trả lời Giáo hoàng rằng người Ukraine thuộc mọi tín ngưỡng đang chiến đấu để ngăn chặn việc Nga tiêu diệt họ.
 

"Khi Nga bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2, tất cả người Ukraine đã đứng lên bảo vệ đất nước. Tất cả những người theo đạo Thiên chúa, người Hồi giáo, người Do Thái, tất cả mọi người. Tôi xin cảm ơn các đức tuyên uý giám mục Ukraine đang ở cùng quân đội, ngay trong lực lượng phòng thủ, trên tiền tuyến, để bảo vệ sự sống và nhân loại. Họ đã hỗ trợ chúng tôi bằng lời cầu nguyện, bằng lời nói và bằng việc làm. Đó chính là hình ảnh của nhà thờ trong mắt người dân. Mà không phải một nơi ở cách xa nơi đây 2,500 cây số, một nơi làm trung gian ảo giữa một bên là những người muốn sống và một bên là những kẻ muốn tiêu diệt”.

 

Một số chính trị gia và nhà bình luận Âu châu cũng bày tỏ sự tức giận sau tuyên bố của Đức Giáo hoàng.


 

Họ cho rằng Giáo hoàng đã im lặng về tội ác của Nga, với tư cách là kẻ xâm lược, và đặt gánh nặng hòa bình lên vai Ukraine.
 

 

Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski đã đăng trên mạng xã hội:
 

“Để cho công bằng, tại sao không khuyến khích Putin hãy can đảm rút quân khỏi Ukraine đi? Như vậy hòa bình sẽ đến ngay lập tức mà không cần đàm phán."

 

 

Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Đức, và cũng là Thành viên Nghị viện Âu Châu Dennis Radtke nói những nhận xét của Đức Giáo hoàng là “đáng xấu hổ” và “không thể hiểu được”.


 

Đức Giáo hoàng không bình luận thêm về những nhận xét gây tranh cãi của ngài, được ghi lại vào tháng trước, nhưng vào Chủ nhật, từ Vatican, ngài đã cầu nguyện và chấm dứt các cuộc xung đột ở Congo, Trung Đông và Ukraine.
 

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng như ở Ukraine đang bị dày vò và ở Thánh địa của chúng ta nữa. Cầu mong sự thù địch gây ra đau khổ cho thường dân chấm dứt càng sớm càng tốt.”