Một số trường Đại học ở Afghanistan dùng rèm treo giữa lớp để phân tách chỗ ngồi giữa các nam sinh và nữ sinh.

 

 

Sinh viên trên toàn lãnh thổ Afghanistan đã lần đầu tiên quay trở lại các trường Đại học, kể từ sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước.

 

 

Tại một số trường, các nam sinh và nữ sinh được chia ngồi thành 2 bên và một tấm rèm treo giữa phòng học để ngăn cách.

 

 

Tấm rèm chia đôi lớp học tại Đại học Avicenna của Afghanistan dưới thời Taliban. (Ảnh: Reuters)

 

 

 

Những quy định và diễn biến tại các trường Đại học và cấp học dưới ở Afghanistan đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nước ngoài với hy vọng Taliban giữ lời hứa đảm bảo các quyền cho phụ nữ và để họ nhận được những sự hỗ trợ thiết yếu, cũng như được ngoại giao với xã hội.

 

 

Trước đây trong thời gian cai trị Afghanistan từ năm 1996 – 2002, nhóm phiến quân Taliban đã cấm phụ nữ và trẻ em gái tới trường học, cũng như không được đi làm.

 

 

Dù trong những tuần gần đây, Taliban liên tiếp khẳng định sẽ đảm bảo các quyền cho phụ nữ theo các quy định của đạo Hồi, nhưng hiện không rõ những lời nói trên có được hiện thực hóa hay không.

 

 

Theo Reuters, các giáo viên và sinh viên tại những ngôi trường Đại học tọa lạc ở những thành phố lớn nhất của Afghanistan là Kabul, Kandahar và Herat cho hay, nữ sinh đã được quay trở lại trường học, nhưng họ phải tuân thủ nhiều quy định về trang phục, chỗ ngồi, thời lượng tiết học và phạm vi đi lại trong trường.

 

 

“Treo rèm giữa lớp học là chuyện không thể chấp nhận được. Tôi cảm thấy thật kinh khủng khi bước chân vào lớp học. Chúng tôi đang dần bị đưa trở lại thời kỳ của 20 năm trước”, cô Anjila (21 tuổi), nữ sinh tại Đại học Kabul chia sẻ với Reuters qua điện thoại.

 

 

Theo cô Anjila, ngay cả trước khi Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan, các nữ sinh và nam sinh trong lớp cũng đã được chia làm 2 dãy ngồi, nhưng không có chuyện treo rèm để phân tách.

 

 

Đáng nói, một văn bản được nhóm các trường Đại học tư ở Afghanistan lan truyền cho thấy nữ sinh phải thực hiện nhiều quy định khắt khe khi trở lại lớp học như mặc trang phục hijab và đi lối đi riêng. Hiện không rõ đây có phải là quy định do Taliban đặt ra hay không.

 

 

Còn trong tuần trước, Taliban tuyên bố các trường học nên mở cửa hoạt động trở lại, nhưng nam sinh và nữ sinh cần phải bị chia tách.

 

 

Một quan chức cấp cao của Taliban nói rằng, việc phân chia lớp học bằng rèm là “hoàn toàn chấp nhận được” và do “nhân lực và vật lực của Afghanistan chỉ có hạn”, nên cách tốt nhất là giáo viên đứng giảng trong lớp học có cả học sinh nam và nữ.

 

 

Tiếp tục đi học.

 

Theo những bức ảnh được Đại học Avicenna ở thủ đô Kabul công bố trên mạng xã hội, một tấm rèm màu xám được nhìn thấy treo ở giữa lớp học với một bên là các nữ sinh mạng trang phục trùm kín từ đầu tới chân và chỉ hở mỗi khuôn mặt.

 

 

Một số giáo viên thừa nhận, họ không chắc các quy định như trên sẽ được Taliban áp dụng vĩnh viễn hay không.

 

 

Việc Taliban trở lại cai trị đã khiến nhiều phụ nữ Afghanistan lo sợ sẽ bị mất đi những quyền mà họ được hưởng trong suốt 20 năm qua.

 

 

Một Giáo sư chyên ngành báo chí tại Đại học Herat ở phía tây Afghanistan nói với Reuters rằng, ông quyết định chia tiết học kéo dài 1 tiếng đồng hồ ra làm 2 phần. Một nửa thời gian giảng riêng cho nữ sinh và nửa còn lại cho nam sinh. 

 

 

Lớp học của ông có 120 sinh viên, nhưng chưa tới 1/4 có mặt trong buổi học vào ngày 6/9. Nguyên nhân là do nhiều học sinh và giáo viên đã đi sơ tán khỏi Afghanistan. Chuyện này sẽ khiến số phận của ngành truyền thông tư nhân ở quốc gia này rơi vào cảnh tương lai mù mịt.

 

 

Giáo sư cho hay “Các sinh viên vô cùng lo lắng. Tôi đã bảo các em cứ tiếp tục đi học và trong những ngày tới chính phủ mới sẽ đưa ra thêm các quy định”.

 

 

Ông Sher Azam (37 tuổi), giảng viên tại một trường Đại học tư ở Kabul, cho biết cơ sở giáo dục để cho các giáo viên lựa chọn cách đứng lớp, một là chia đôi thời gian giảng bài cho riêng nữ sinh và cho riêng nam sinh, hoặc đứng lớp nhưng dùng rèm hoặc bảng ngăn 2 bên nam sinh và nữ sinh ngồi.

 

 

Nhưng ông Azam lo ngại liệu còn bao nhiêu sinh viên sẽ tới các lớp học khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan đã xuất hiện sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát.

 

 

Ông Azam tâm sự “Tôi không biết sẽ có bao nhiêu học sinh quay trở lại lớp học bởi tác động của vấn đề tài chính do nhiều gia đình đã bị mất việc và mất đi thu nhập”.