(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

Nguồn: Who are the Houthis, the group attacking ships in the Red Sea?”, The Economist, 12/12/2023.

Biên dịch: Phan Nguyên (nghiencuuquocte.org)

 

 

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã để lại những gợn sóng ở Biển Đỏ. Kể từ khi cuộc tấn công Gaza của Israel bắt đầu, Houthi, một nhóm nổi dậy ở Yemen, đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các tàu chở hàng. Nhóm nổi dậy này, được Iran hậu thuẫn, nói rằng họ đang hành động trong tình đoàn kết với người Palestine. Họ đe dọa sẽ tấn công bất kỳ con tàu nào đến hoặc rời khỏi Israel mà không cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza. Vào ngày 19 tháng 11, các chiến binh Houthi đã cướp một tàu chở hàng có liên kết với một công ty của Israel (xem video bên dưới). Vào ngày 12 tháng 12, một tên lửa được phóng từ khu vực do nhóm này kiểm soát ở Yemen đã làm hư hại một tàu chở dầu của Na Uy dù chủ sở hữu của tàu nói rằng nó đang không trên đường đến Israel. Các tàu chiến của Pháp cũng là mục tiêu. Mỹ đang cố gắng kêu gọi sự ủng hộ đối với việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân để đối phó vấn đề. Vậy nhóm Houthi là ai và tại sao họ lại tham gia vào cuộc chiến?

 

Phong trào Houthi nổi lên ở miền bắc Yemen, nơi hầu hết mọi người theo chủ nghĩa Zayd,[1] một nhánh của Hồi giáo dòng Shia. Các thầy tế (imam) theo nhánh Zayd đã tranh giành quyền kiểm soát khu vực trong nhiều thế kỷ và vào năm 1918, họ đã thành lập một quốc gia có chủ quyền. Các imam đã cai trị cho đến năm 1962, khi một cuộc đảo chính quân sự gây ra cuộc nội chiến dẫn đến việc thành lập Cộng hòa Ả Rập Yemen. Các khu vực theo nhánh Zayd trở nên nghèo hơn so với các vùng trung du có đa số người Sunni. Vào những năm 1980, chính phủ Ả Rập Saudi và (ở mức độ thấp hơn) Yemen bắt đầu thúc đẩy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở phía bắc. Một phong trào phản kháng của nhánh Zayd tương đối ôn hòa đã nổi lên để đáp trả. Vào những năm 1990, Hussein al-Houthi, một giáo sĩ nhánh Zayd, đã giúp thành lập các trường học mùa hè mang tên Thanh niên Mộ đạo (Believing Youth) nhằm chống lại việc thành lập các chủng viện Sunni do Ả Rập Saudi tài trợ. Đến năm 2001, nhóm của ông đã tách ra; những người theo phe của ông được gọi là nhóm Houthi.

 

Sự ủng hộ ngày càng tăng đối với phong trào khiến nó trở thành mối đe dọa đối với chính phủ Yemen; các nhà lãnh đạo đất nước đã ủng hộ cuộc xâm lược Iraq của Mỹ vào năm 2003, điều mà nhiều người Yemen lên án. Lợi dụng sự phẫn nộ của họ, Houthi đã kêu gọi biểu tình rầm rộ. Ông coi Cách mạng Hồi giáo của Iran và nhóm Hizbullah ở Lebanon là hình mẫu phản kháng. Nhóm này đã thông qua khẩu hiệu kêu gọi tiêu diệt Mỹ và Israel: Houthi được cho là đã thốt ra khẩu hiệu này lần đầu vào năm 2000, sau khi xem đoạn phim quay cảnh một đứa trẻ Palestine bị binh lính Israel giết chết trong intifada (cuộc nổi dậy) lần thứ hai của người Palestine vào đầu thế kỷ này.

 

Khi cuộc nổi dậy ở miền bắc ngày càng gia tăng, chính phủ đã đàn áp. Sau khi Houthi bị lực lượng chính phủ tiêu diệt vào năm 2004, các thủ lĩnh mới của nhóm đã tiến hành cuộc chiến đầu tiên chống lại chính phủ Yemen. Phần lớn vũ khí của họ đến từ chợ đen hoặc nguồn trong quân đội. Sự đàn áp tàn bạo của chính phủ đã khuyến khích nhiều chiến binh hơn tham gia các cuộc xung đột tiếp theo, xây dựng cánh quân sự của nhóm. Năm 2011, trong Mùa xuân Ả Rập, nhóm Houthi đã giành quyền kiểm soát Saada, một tỉnh ở miền bắc Yemen và lấy tên là Ansar Allah, hay “Những người bảo vệ Chúa”.

 

 

Năm 2014, lực lượng Houthi đã tràn ra khỏi thành trì phía bắc của họ và nắm quyền kiểm soát Sana’a, thủ đô Yemen. Với sự hỗ trợ của Iran, họ đã chiếm được phần lớn miền Tây Yemen. Tổng thống lúc bấy giờ của đất nước, Abdrabbuh Mansur Hadi, đã trốn sang Ả Rập Saudi. Vào năm 2015, theo yêu cầu của ông, Ả Rập Saudi đã phát động một chiến dịch chống lại nhóm Houthi: trong những năm sau đó, khoảng 25.000 cuộc không kích đã giết chết hơn 19.000 dân thường. Liên Hợp Quốc cho biết vào đầu năm 2023 rằng đây vẫn là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Kể từ khi ngừng bắn bắt đầu vào tháng 4 năm 2022, Yemen đã tương đối yên bình. Điều đó đã cho phép nhóm Houthi thắt chặt sự kiểm soát đối với các khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của họ, bao gồm cả Sana’a (xem bản đồ). Họ dường như đã gần đạt được một thỏa thuận với Ả Rập Saudi nhằm chấm dứt chiến tranh và củng cố vai trò của họ trong chính phủ.

 

 

Mặc dù các chiến binh của họ kêu gọi tiêu diệt Mỹ và Israel, nhưng lực lượng Houthi thiếu khả năng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng bên ngoài Yemen. Họ có lẽ có rất ít tên lửa có khả năng vươn tới Israel. Một trong những tên lửa tầm xa nhất của nhóm này, Burkan-2h, có thể di chuyển khoảng 1.000km, chưa đủ xa (xem bản đồ). Nhưng tấn công các con tàu lại là chuyện khác. Sự giúp đỡ của Iran đã biến Houthi từ một đội quân nghèo khó thành một lực lượng có tầm ảnh hưởng trong khu vực, nhất là đối với tuyến đường thương mại quốc tế huyết mạch. Iran cung cấp cho họ một kho vũ khí và công nghệ tinh vi cho tên lửa chống tăng, đạn đạo và hành trình. Các cuộc tấn công gần đây của nhóm này có thể làm tăng chi phí bảo hiểm hoặc buộc các tàu phải đi tuyến đường dài hơn vòng qua châu Phi. Điều đó đã khiến phương Tây phải chú ý. Các cuộc tấn công vào các tàu có liên hệ với Israel có thể cải thiện vị thế của nhóm này trong thế giới Ả Rập, nơi có sự ủng hộ cao đối với chính nghĩa của người Palestine. Nó cũng mang lại lợi ích cho nhóm này ở trong nước: hành động của họ có vẻ như đã giúp họ giành được sự ủng hộ từ những nhóm yếu thế ở Yemen.

 

———————-

[1] Theo Wikipedia, chủ nghĩa Zayd (Zaydism), là nhánh lớn thứ ba của Hồi giáo dòng Shia, nổi lên sau cuộc nổi dậy không thành công của Zayd ibn Ali chống lại caliph xứ Umayyad là Hisham ibn Abd al-Malik (r. 724–743).