Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật, Úc kêu gọi Bắc Hàn trở lại đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa, sau khi Bình Nhưỡng từ chối thảo luận với Washington.
Ngũ Giá Đài cho biết "Bộ trưởng Quốc phòng Úc Đại Lợi, Linda Reynold, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Kono Taro, và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Mark Esper, đã triệu tập một cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ba bên vào ngày 7/7 tại Washington".
Tuyên bố chung Bộ trưởng Quốc phòng 3 bên cho hay "Lãnh đạo Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Úc kêu gọi Bắc Hàn quay trở lại bàn đàm phán và đưa ra cam kết duy trì đối thoại thông qua hợp tác liên tục để giám sát và ngăn chặn các hoạt động chuyển nhượng trái phép dầu mỏ, than đá và các hàng hóa khác".
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom ngày 30/6/2019. (Ảnh: AP)
Tuyên bố sau cuộc họp giữa Bộ trưởng ba nước cũng bày tỏ lo ngại trước tuyên bố của Triều Tiên về việc nước này không còn bị ràng buộc bởi lệnh cấm trong các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động làm "gia tăng căng thẳng và làm suy yếu sự ổn định khu vực", đồng thời tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và thực hiện các bước đi rõ ràng trong việc hủy bỏ các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo.
Tuyên bố tại cuộc gặp 3 bên cho hay "Các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, cho rằng điều này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế và lên án các hành vi vi phạm của Bình Nhưỡng đối với các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".
Đầu tuần trước, Triều Tiên đã bác khả năng bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Mỹ và cáo buộc Washington thực hiện "chính sách thù địch" đối với Bình Nhưỡng và coi thường các thỏa thuận được đưa ra tại các hội nghị thượng đỉnh vừa qua.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã xấu đi kể từ khi sau tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2/2019. Hai bên đã không đạt được sự đồng thuận tại cuộc gặp này do những khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề. Kể từ đó, các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai bên đã bị đình trệ.