Đường Chinamans Lane, nằm ngay phía tây thị trấn Penola, ở phía đông nam tiểu bang Nam Úc. (ABC South East SA: Elsie Adamo)

 

NAM ÚC - Hội đồng ở một vùng quê tiểu bang Nam Úc đã bỏ phiếu đồng lòng giữ nguyên tên của một con đường được ngụ ý là xúc phạm người Hoa.

 

Đường Chinamans Lane, đô thị Penola, ở phía đông nam của tiểu bang Nam Úc, là một con đường chưa được trải nhựa ở rìa thị trấn, nơi trong năm năm qua đã và đang là địa điểm phát triển gia cư.

 

Vào tháng Sáu, một cư dân mới tới sinh sống trên đường Chinamans Lane đã viết thư cho Hội đồng Wattle Range, kêu gọi đổi tên con đường vì họ coi đó là "phản cảm".

 

Cư dân này đã viết trong email, "Thật xấu hổ khi gởi địa chỉ của tôi với người khác và tôi thấy mình phải xin lỗi vì cái chữ này, đặc biệt là khi giao tiếp với người Úc gốc Á".

 

Các ủy viên hội đồng đã bỏ phiếu 11–0 để giữ nguyên tên đường tại cuộc họp hội đồng vào hôm ngày 8/10.

 

Ngày càng có nhiều người chuyển đến các khu nhà ở vùng quê. (ABC South East SA: Elsie Adamo)

 

 

 

Kết nối cơn sốt đào vàng

Con đường nằm dọc theo tuyến đường mà những người Hoa di cư đã đi từ Robe đến các thành phố ở tiểu bang Victoria như Ballarat và Bendigo trong những năm 1850.

 

Họ đã quyết định vào nước Úc qua ngõ tiểu bang Nam Úc sau khi tiểu bang Victoria áp dụng Thuế Thân (poll tax) đối với người Hoa muốn tìm kiếm vận may.

 

Thị trưởng Des Noll cho biết cái tên này là một phần quan trọng trong lịch sử của vùng này.

 

Thị trưởng Noll cho biết, "Một khu chợ người Hoa đã được mở ra tại khu vực đó vào những năm 1850 để phục vụ cho 19.000 người Hoa đi đào vàng đi bộ từ Robe đến các mỏ vàng ở tiểu bang Victoria".

 

Một tượng đài ở Robe đánh dấu nơi người Hoa đổ bộ trên đường đến Victoria. (ABC South East SA: Sam Bradbrook)

 

 

Ông cho biết hội đồng đã nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng trong cả ngày 8/10 nói rằng họ ủng hộ việc giữ nguyên tên gọi.

Ông cho biết, "Tên gọi này đã được mọi người đồng lòng muốn giữ nguyên và nó chỉ là một phần của lịch sử của thị trấn Penola, và chúng ta cần giữ lại lịch sử đó trong cộng đồng của mình".

 

Chính sách đặt tên đường của hội đồng cho biết việc đổi tên sẽ liên quan đến việc tham vấn trong bốn tuần.

 

Báo cáo của hội đồng cho biết, "Việc đổi tên đường tạo ra một số thách thức với nhiều cơ sở dữ liệu cần được sửa đổi bao gồm các tham chiếu tiêu đề và địa chỉ, vì vậy quyết định đổi tên cần được cân nhắc cẩn thận".

 

 

Hậu duệ chống lại việc đổi tên đường.

Một cư dân ở Mount Gambier, tên Ian Gordon-Hansen, là hậu duệ của một trong những người Hoa di cư đầu tiên đến vùng này.

 

Ông nội của ông ấy, Chun Cheok, đã đến Melbourne vào những năm 1850 trước khi đi bộ qua phía tây tiểu bang Victoria và cuối cùng định cư tại Mount Gambier.

 

 

Ông Chun Cheok (còn được gọi là John Chuck) và vợ ông, bà Martha Cheok (hoặc Chuck). (Nguồn: Ian Gordon-Hansen)

 

Cùng với vợ là Martha, Chun Cheok sau đó chuyển đến Tarpeena, cách đó 22 cây số và trở thành một trong những gia đình sáng lập ra thị trấn.

 

Khi đến nơi, tên của ông được viết thành tiếng Anh là John Chuck, và các con đường ở South East mang tên đó.

 

Ông Gordon-Hansen cho biết ông và người thân muốn giữ nguyên cái tên Chinamans Lane, nói rằng đây là một trong số ít sự công nhận đối với cộng đồng người Hoa trong khu vực này.

Ông Gordon-Hansen nói "Người ta phải tranh luận liệu việc đổi tên có phải là cách nên làm, hay, có cần phải dựng lên một tấm bảng giải thích cho địa điểm này là cách tốt hơn để tiếp tục quảng bá lịch sử, và tiếp tục khiến mọi người tham gia vào cuộc trò chuyện về cách mọi người bị đối đãi như thế nào".

 

 

Du lịch ở Penola tập trung vào cựu cư dân Mary MacKillop và rượu vang Coonawarra. (ABC South East SA: Bec Whetham)

 

 

Ông cho biết cần có nhiều sự tôn vinh hơn đối với người Hoa trong khu vực vượt ra ngoài Robe Walk và các khu chợ người Hoa.

Ông nói "Khi chúng ta xem xét một số cách mà các hội đồng đã kết hợp lịch sử Trung Hoa, và đối với điều này, tôi sẽ lấy ví dụ về Bendigo và Ballarat, họ thực sự đã chấp nhận và phát triển các khu du lịch, theo hiểu biết của tôi, khá sinh lợi và được bảo trợ tốt, nhưng ở đây có vẻ như có thái độ ngược lại là 'Hãy xóa lịch sử khỏi bản đồ' ".

 

Bản sắc cá nhân bị xóa bỏ

Tiến sĩ Sophie Loy-Wilson, là giảng viên cấp cao về lịch sử Úc tại Đại học Sydney, chuyên về lịch sử cộng đồng người Hoa tại Úc.

 

Bà cho biết ngay cả vào thế kỷ 19, người Hoa cũng không có mối liên hệ quả quyết với từ "Chinaman".

 

Bà cho biết "Hiện nay, có một dạng công nhận rằng từ 'Chinaman' khá xúc phạm đối với cộng đồng người Hoa sống ở các nước bên ngoài Trung Quốc".

 

"Điều này không chỉ xảy ra ở Úc, mà thực tế là trên khắp Hoa Kỳ, Canada, Nam Phi, New Zealand — vì những người Hoa di cư đã tham gia vào cơn sốt đi đào vàng trên toàn thế giới, bao gồm cả những nơi cụ thể này — vì vậy chúng ta cần nhận ra rằng cuộc trò chuyện mà chúng ta đang có ở địa phương, mà tôi nghĩ là tuyệt vời, là một phần của phong trào toàn cầu hướng tới việc nhìn nhận từ này là một lời lăng mạ".

 

Giảng viên cấp cao về lịch sử Úc, Sophie Loy-Wilson, cho biết các quy ước đặt tên nên tôn vinh cá nhân. (Nguồn: Sophie Loy-Wilson)

 

 

Bà cho biết việc gọi một địa điểm theo quốc tịch thay vì một cá nhân sẽ xóa bỏ bản sắc của họ.

Bà nói "Vấn đề với từ 'Chinaman' là nó không thừa nhận tính cá nhân của người đó",

"Nếu bạn nghĩ về nhiều tên đường phố của chúng ta để ghi nhận di sản Âu châu của chúng ta — di sản Scotland, di sản Ireland, di sản xứ Wales — thì những tên đường phố này có xu hướng sử dụng tên riêng, đúng không?”

"Khi bạn sử dụng một cụm từ như 'Chinaman', bạn đang tước đi tính cá nhân".

 

Có một loạt tên địa danh ở Nam Úc bao gồm từ "Chinaman", bao gồm thị trấn Chinaman Wells ở Yorke Peninsula, Đảo Chinamans Hat Island  (cũng nằm trên Bán đảo Yorke Peninsula) và Chinaman Creek, giữa Port Pirie và Port Augusta.