(Biểu tượng của Meta, Logo: internet)
Meta, công ty mẹ của Facebook, đang cân nhắc việc chặn các nội dung tin tức trên nền tảng của mình tại Úc nếu chính phủ nước này yêu cầu họ trả phí bản quyền.
Tại phiên điều trần trước Nghị viện Úc vào ngày 28/6, Giám đốc chính sách khu vực của Meta, bà Mia Garlick, nói với các nhà lập pháp rằng "mọi lựa chọn đều có thể" khi được hỏi liệu công ty có chặn người Úc chia sẻ nội dung tin tức để tránh trả phí bản quyền hay không.
Bà cho biết, Meta đang chờ Chính phủ Úc quyết định xem có áp dụng luật chưa được kiểm nghiệm từ năm 2021, quy định quyền của Chính phủ trong việc thiết lập mức phí mà các gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải trả cho các cơ quan truyền thông để sử dụng liên kết các bài báo hay không.
Đây là những nhận xét cho đến nay cho thấy rõ ràng nhất rằng Meta sẽ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn ở Úc, giống như cách họ đã làm ở Canada vào năm 2023, khi quốc gia này ban hành luật tương tự.
Khi được hỏi liệu việc chặn tin tức trên Facebook ở Úc có đồng nghĩa với việc lách luật hay không, bà Garlick nói rằng hành động đó là tuân thủ luật pháp. Bà nói rõ thêm: "Chúng tôi luôn tuân thủ mọi luật lệ: luật thuế, luật an toàn, luật bảo mật. Chỉ là việc tuân thủ đạo luật này, buộc các nền tảng công nghệ lớn phải trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức, sẽ có chút khác biệt nếu nó được ban hành đầy đủ".
Theo đạo luật ban hành năm 2021, chính phủ Úc có trách nhiệm chỉ định một trung gian để đặt ra mức phí mà Meta phải trả cho các nhà xuất bản tin tức ở Úc. Chính quyền cũng có thể phạt Meta nếu công ty không hợp tác. Phần lớn các thỏa thuận trả tiền cho những công ty truyền thông của Úc như News Corp, và, Tập đoàn Phát thanh Úc Đại Lợi (ABC) mà Meta đã ký kết đều kéo dài 3 năm nhưng được tuyên bố sẽ không gia hạn sau năm 2024.
Nhưng Meta không có nghĩa vụ phải trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức nếu công ty ngăn chặn không cho người dùng đăng lại đường liên kết tới các bài báo. Thực tế, công ty đã khai triển việc này trong một thời gian ngắn vào năm 2021. Công ty cũng áp dụng chính sách ngăn chặn tương tự ở Canada kể từ năm 2023.
Trước đó, Meta đã công bố kế hoạch mua lại thêm 50 tỷ USD cổ phiếu, đồng thời lần đầu tiên trả cổ tức hàng quý khi tập đoàn nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư rằng những khoản đặt cược tốn kém vào vũ trụ ảo metaverse và A.I sẽ thành công.
Trong những năm gần đây, Meta đã nỗ lực cân bằng các khoản chi khổng lồ cho các công nghệ như A,I và thực tế ảo (VR), trong khi vẫn cố gắng bảo đảm hoạt động kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số lõi của họ vẫn phát triển.
Trong khi đó, Meta chia sẻ hệ điều hành của tai nghe Quest với các nhà sản xuất thiết bị đối thủ, bao gồm cả gã khổng lồ Microsoft, trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của hãng trong ngành công nghiệp VR và thực tế hỗn hợp đang nổi lên.
Meta cho hay sẽ cho phép các doanh nghiệp đối tác sử dụng hệ điều hành Meta Horizon OS để phát triển thiết bị tai nghe của họ. Hệ điều hành này mang lại các khả năng như nhận dạng cử chỉ, nghe xuyên âm, hiểu bối cảnh và liên kết không gian với các thiết bị chạy trên hệ điều hành.
Meta Horizon OS bao gồm Horizon Store, được đổi tên từ Quest Store, để tải xuống các ứng dụng và trải nghiệm. Nền tảng này sẽ hoạt động cùng với một ứng dụng đồng hành trên thiết bị di động hiện được gọi là ứng dụng Meta Horizon.
Theo Meta, các đối tác Asus và Lenovo sẽ sử dụng hệ điều hành này để xây dựng các thiết bị phù hợp cho các hoạt động cụ thể. Meta cũng đang sử dụng hệ điều hành này để tạo ra một phiên bản giới hạn của tai nghe Quest được lấy cảm hứng từ máy chơi game Xbox của Microsoft.
Meta cho thấy tham vọng trong việc sở hữu nền tảng điện toán cung cấp năng lượng cho các thiết bị VR và thực tế hỗn hợp (MR), tương tự cách Google vươn lên trên thị trường điện thoại thông minh qua việc biến hệ điều hành Android trên thiết bị di động thành mã nguồn mở.
Mảng kinh doanh VR của Meta là một trong những bên hưởng lợi từ chiến lược của Google, vì bản thân Meta Horizon OS cũng dựa trên Android.