Cô Helen Cross. Ảnh: SBS
AUSTRALIA - Các nhà vận động nói công sở và nơi làm việc cần phải làm nhiều hơn nữa nhằm ủng hộ nạn nhân của bạo hành gia đình, chẳng hạn một chế độ làm việc theo giờ giấc linh hoạt hoặc có thêm những kỳ nghỉ phép khi tình huống xảy ra.
Cô Helen Cross làm việc trong một nhà máy tại Melbourne.
Cô lớn lên tại một đảo quốc Thái Bình Dương mang tên Kiribati và cảm thấy khó khăn khi tìm người giúp đỡ ở Úc, khi cô muốn chạy trốn khỏi người chồng vũ phu.
‘Bị cô lập với phần còn lại của thế giới, chúng tôi có văn hoá riêng, có sự định danh riêng và những gì được xem là sinh hoạt xã hội bình thường. Tôi chưa bao giờ nghe nói về từ “tị nạn”, cho đến khi tôi đến Úc.’
Học viện Sức khoẻ và Phúc lợi Úc nói cứ 6 phụ nữ thì có 1 người bị bạo hành gia đình về thân thể hoặc tình dục, bởi người bạn đời hiện tại hoặc trong quá khứ, kể từ khi họ 15 tuổi. Tỉ lệ này ở nam giới là 1/16.
Và cao hơn, cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị hành hạ về mặt tinh thần. Tỉ lệ ở nam giới là 1/6.
Với các cộng đồng sắc tộc, chuyên gia Hayley Foster, CEO của Dịch vụ trợ giúp giải quyết Bạo hành Gia đình và Cưỡng bức nói các nhân tố bạo hành có thể phức tạp hơn.
‘Những vấn đề về rào cản ngôn ngữ và sự kỳ thị khi họ tiếp cận các dịch vụ, họ có thể cảm nhận phần nào rằng mình đã bị cô lập với xã hội, với những người khác, ngoài ra còn có vấn đề visa, về sự bất định khi giữ visa tạm thời, có thể ảnh hưởng đến khả năng họ muốn tiếp cận các dịch vụ trợ giúp.’
Sandra Elhelw Wright, là CEO của Hội đồng Định cư Úc, đồng ý và nói: ‘Phụ nữ di dân có thể sử dụng ngôn ngữ khác nhằm mô tả những gì họ đã trải qua, và họ có thể không muốn phải sử dụng những từ ngữ về bạo lực, mặc dù tiếng Anh của họ rất tốt, và họ có thể sợ hãi cộng đồng biết được về mình và cảm thấy hổ thẹn.’
Những nạn nhân của bạo hành gia đình còn cảm thấy khó khăn khi tìm việc làm.
Các nhà vận động nói những nơi làm việc đã không hỗ trợ họ.
Sue Boyce là CEO của tổ chức Ability Works, một doanh nghiệp xã hội chuyên giúp đỡ người có nguồn gốc bất lợi tìm được việc làm.
‘Những người bị bạo hành gia đình có thể cần phải làm việc theo một giờ giấc linh hoạt hơn, họ có thể cần đến những kỳ nghỉ phép khi tình huống xảy ra.’
Còn đối với Helen, cô nói tìm được một công việc an toàn thật là không dễ.
‘Tôi sợ hãi khi làm việc một mình với đàn ông, bởi vì tôi từng bị kiểm soát trong hầu hết cuộc đời mình, và phải phục tùng tuyệt đối, vì vậy tôi thường có xu hướng tuân lệnh những người có thẩm quyền.’
Giờ đây, cô là một người giám sát về sản xuất tại Ability Works, một nơi mà cô mô tả là “nhà mình”.
‘Nơi ấy cho tôi một mục đích, cho tôi niềm tự hào vì sự tồn tại của mình, ở nơi đó tôi có thể phục vụ những người xung quanh, và biết rằng mỗi ngày đi làm là mỗi ngày đáng sống. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể có lại được cảm giác này.’
Nếu bạn, hoặc một người bạn biết, đang tìm kiếm sự hỗ trợ về vấn đề bạo hành gia đình, hãy gọi đến đường đây Domestic Violence Impact Line tại số 1800 943 539, hoặc liên lạc 1-800 RESPECT tại số 1800 737 732.