Người sáng lập Dịch vụ Olinga Services – ông Badi Mahabat cùng các nhân viên của mình Source: SBS

 

 

 

 

 

Trong đợt phong tỏa mới nhất tại Úc, các nhân viên dọn vệ sinh bận rộn hơn bao giờ hết khi liên tục khử trùng các địa điểm phơi nhiễm coronavirus. Chương trình Small Business Secret nói chuyện với một công ty vệ sinh mang đến cơ hội việc làm cho những công nhân bị mất việc trong các lĩnh vực khác.

 

 

Bruna Bringel là một đầu bếp 27 tuổi đến từ Brazil, cô mất việc làm tại một nhà hàng khi Sydney phong tỏa.

 

 

Bruna là một trong nhóm gồm 600 công nhân thời vụ được thuê làm công việc dọn dẹp trong thời kỳ đại dịch.

 

 

Công việc hằng ngày của cô bao gồm dọn dẹp các khu vực có mật độ giao thông cao như Bãi biển Bondi - mang tính biểu tượng của Sydney.

 

"Chúng tôi làm sạch tất cả các tay cầm. Tất cả các trạm dừng xe buýt. Chúng tôi làm sạch các thùng rác, bất cứ thứ gì mọi người có thể chạm vào. Và phát khẩu trang miễn phí trên đường phố." 

 

 

 

Nhóm này làm việc cho Badi Mahaba, một người tị nạn từ Liberia ở tây Phi - và là một tín đồ của tín ngưỡng Bahai.

 

 

Ông Badi thành lập Dịch vụ Olinga cách đây 6 năm, mở rộng doanh nghiệp cho thuê lao động bình thường của mình nhằm cung cấp việc làm cho người tị nạn và di dân.

 

 

"Tôi cho rằng đó là sự kết hợp giữa nền tảng tôn giáo của chúng tôi và cả những kinh nghiệm mà chúng tôi đã có với cộng đồng và chính phủ Úc, để đóng góp trở lại cho cộng đồng và mọi người dân ở đây."

 

 

 

Ông Badi nói rằng việc giữ an toàn cho những người lao động thiết yếu đang đi làm hàng ngày là một thách thức, trong lúc các địa điểm phơi nhiễm mới tăng lên mỗi ngày.

 

"Các chuyến xe lửa là một phần chính trong chiến lược của Bộ Giao thông Vận tải New South Wales nhằm bảo vệ các hành khách. Chỉ trong 12 tháng qua, chúng tôi đã làm sạch và vệ sinh hơn 2,6 triệu toa tàu."

 

 

 

Tuy nhiên, với rất nhiều công nhân chuyển sang làm từ các lĩnh vực khác, công đoàn cho rằng cần phải quản lý các rủi ro.

 

 

Liên đoàn The United Workers Union cho biết một cuộc khảo sát gần đây mà họ thực hiện với những người dọn dẹp trường học ở New South Wales cho thấy 66 phần trăm cho biết họ không có đủ thời gian để dọn dẹp những khu vực cần thiết.

 

 

60% những người được khảo sát cho biết họ phải làm việc mà không có đồ bảo hộ cá nhân (personal protective equipment - PPE) đầy đủ.

 

 

Bà Lyndal Ryan nói rằng mọi biện pháp bảo vệ cần được cung cấp cho những người dọn dẹp.

 

“Họ có mặt thường vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn để bảo đảm rằng chúng ta được an toàn. Vì vậy, những người công nhân dọn vệ sinh ngày nay đang tất bật làm việc, đối mặt với nhiều rủi ro để chúng ta được an toàn. Những người này cần phải được tiêm phòng. Họ phải được ưu tiên khi xếp hàng tiêm chủng, và chúng tôi đang thúc đẩy tất cả những nhân viên thiết yếu đi tiêm phòng ngay bây giờ.”

 

 

 

Trong lúc có nhiều địa điểm phơi nhiễm hơn tại các cửa hàng và siêu thị, cũng có những lời kêu gọi các nhân viên bán lẻ cũng phải được tiêm chủng nhanh chóng.

 

 

Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà bán lẻ Úc, ông Paul Zahra, nói rằng tỷ lệ tiêm chủng cần được tăng tốc cho các công nhân ngành bán lẻ.

 

 

Chính quyền tiểu bang NSW cho biết nhân viên dọn vệ sinh - bao gồm cả những người làm hợp đồng - được xem xét ưu tiên trong nhóm 1A của đợt triển khai vắc-xin.

 

 

Tại Úc, kể từ tháng 2, ít nhất 10 triệu (10,067,446) liều vắc-xin coronavirus đã được sử dụng, và 13,6 phần trăm dân số đã được tiêm chủng 2 liều đầy đủ.

 

 

Tuy nhiên, trong số 38 quốc gia phát triển khối OECD, tốc độ triển khai vắc-xin của Úc được xem là chậm xếp thứ hai, sau New Zealand.

 

 

Ông Badi Mahabat nói rằng các chiến lược bảo vệ cá nhân là chìa khóa để bảo đảm an toàn cho nhân viên của mình tại Dịch vụ Olinga.

 

“Nhân viên của chúng tôi nhận thức được sự nguy hiểm của công việc mà họ đang làm. Về cơ bản, bạn phải đeo PPE (đồ bảo vệ cá nhân), khẩu trang N-95, găng tay, kính bảo vệ mắt.”

 

 

 

Cô Bruna đã được tiêm phòng đầy đủ và cảm thấy yên tâm về việc giữ an toàn cho người khác.

 

“Điều này thực sự khiến tôi cảm thấy an toàn hơn khi dọn dẹp ở các điểm phơi nhiễm. Không sao cả, khi có sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân và giải quyết công việc với mọi người như thế nào, tôi cảm thấy thực sự an toàn. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất tự hào khi thực sự giúp cộng đồng quay trở lại nhịp sống thường nhật.”