Manyiel Wugol quyết định kiếm một công việc để có đủ khả năng tham gia bóng rổ. Ảnh: Supplied / Jon Gellweiler

 

AUSTRALIA - Sự liêm chính trong thể thao đang được chú ý trở lại, sau bi kịch thử nghiệm thuốc cấm đã nhấn chìm ngôi sao người Úc Peter Bol chuyên chạy 800 mét. Được biết hai phòng thí nghiệm độc lập không tìm thấy bằng chứng anh nầy sử dụng chất cấm, nhưng tác động đối với tương lai thể thao của anh ta vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó các vận động viên trẻ người Úc gốc Phi châu nói rằng, vụ việc chỉ làm nổi bật những vấn đề lớn hơn, về rào cản đối với việc tham gia thể thao.

 

Vận động viên ngôi sao Peter Bol đang ở đỉnh cao, khi anh giành huy chương bạc cho nước Úc, trong môn chạy đua 800 mét tại Đại hội Thể thao Khối Thịnh Vượng Chung.

 

Sự kiện nầy diễn ra sau khi vận động viên Olympic sinh ra ở Sudan và đang ngụ tại Tây Úc, đã xếp thứ tư tại Thế vận hội Tokyo năm 2021.

 

Thế nhưng mọi hào quang của anh ấy nhanh chóng bị dừng lại vào tháng giêng năm nay, khi Tổ chức Liêm chính Thể thao Úc cáo buộc người giữ kỷ lục quốc gia, có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm E-P-O.

 

Tên của anh ta đã bị xóa, sau kết quả của hai cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm độc lập.

 

Phát biểu trên đài Truyền hình số 9 trong cuộc phỏng vấn đầu tiên ngày 29 tháng 3 kể từ khi câu chuyện bắt đầu, anh ấy nói rằng vết nhơ của các cáo buộc, hiện là chủ đề của một vụ kiện vẫn còn tồn tại.

Peter Bol nói “Tôi không nghĩ có một vận động viên điền kinh người Úc nào, đã được xét nghiệm với chất cấm EPO để buộc tội tôi vì chuyện đó, cũng như không đưa ra được bằng chứng nào đối với tôi, điều đó thật không công bằng”.

 

Anh ấy cho biết, ngay cả với kết quả kiểm tra độc lập, anh vẫn sợ tác động của câu chuyện này đối với sự nghiệp của mình.

 

Peter Bol nói “Cần phải giải thích điều gì đó mà bạn không biết, có lẽ là phần khó khăn nhất".

"Mọi thứ sẽ bị mất uy tín, khi tính chính trực của bạn bị nghi ngờ, với mọi chuyện bạn đã làm, cho dù đó là công việc cộng đồng hay trên đường đua và đây là điều khó khăn đối với giới ủng hộ ngưỡng mộ bạn”.

 

Được biết thành tích thể thao của cầu thủ 29 tuổi nầy, khiến anh trở thành thần tượng của nhiều vận động viên trẻ gốc châu Phi, những người khao khát đạt được thứ hạng như anh.

 

Trong khi Bol bác bỏ những gợi ý về phân biệt chủng tộc đứng đằng sau câu chuyện thử nghiệm, nhiều người ủng hộ vẫn không bị thuyết phục.

 

Đối với nhiều lực sĩ trẻ người Úc gốc Phi châu, sự đối xử bất công bắt đầu từ trước cấp độ vô địch Olympic.

 

Ở tuổi 24, Manyiel Wugol là một vận động viên trẻ đầy tham vọng, với ước mơ theo đuổi sự nghiệp bóng rổ, anh sẽ ra mắt bán chuyên nghiệp vào tháng này.

 

Chạy trốn khỏi Sudan bị chiến tranh tàn phá, gia đình Wugol đã dành vài năm đầu đời của anh trong một trại tị nạn ở Kenya, trước khi xây dựng một ngôi nhà cho họ ở Perth.

 

Anh nói rằng việc định cư ở Úc không hề dễ dàng, nhưng thể thao là lối thoát duy nhất của anh ấy.

 

Manyiel Wugol nói “Điều đó thực sự rất khó khăn, do có rào cản ngôn ngữ và bạn không hiểu trẻ con nhiều đến như vậy". "Còn những đứa trẻ khác không coi bạn là một trong số chúng, vì vậy chúng không thực sự muốn nói chuyện và phải mất một thời gian để điều chỉnh".

"Trong lãnh vực thể thao không có ngôn ngữ, mọi người chỉ chơi môn mình yêu thích và đó là cách tôi kết bạn với những người bạn đầu tiên bên ngoài gia đình mình”.

“Tôi sẽ luôn đấu tranh cho những cơ hội, mà tôi xứng đáng có được.”

 

Trong khi thể thao có thể là một phương tiện tuyệt vời để gắn kết xã hội, Úc là một trong những quốc gia đắt đỏ nhất trên thế giới để chơi thể thao.

 

Theo dữ liệu từ Ủy ban Thể thao Úc, số tiền trung bình mà cha mẹ chi cho các hoạt động thể thao cho mỗi đứa trẻ là 970 đô la một năm.

 

Đối với hầu hết các gia đình di cư, bỏ ra vài trăm đô la một năm không phải là một lựa chọn dễ dàng.

 

Đối với Wugol, đá bóng ở công viên với bạn bè hoặc rê bóng rổ trên sân trường là không đủ, vì vậy anh ấy đã chọn một công việc địa phương để trang trải chi phí chơi bóng rổ.

 

Manyiel Wugol nói “Cá nhân tôi đã không tham gia bất kỳ cuộc thi nào, cho đến khi tôi lớn hơn và có thể tự trang trải cho công việc".

"Vào thời điểm đó có một công việc giao báo quanh khu phố, tôi được trả một ít tiền vào cuối tuần, thế nhưng đó là một chuyện không đủ vào đâu cả”.

 

Thiếu kinh phí, rào cản tài chính và phân biệt chủng tộc, là một số trở ngại mà các cộng đồng di cư trên khắp nước Úc phải đối mặt, khi tham gia thể thao.

 

Cố gắng giảm bớt những rào cản đó là ông Chol Dut, một doanh nhân đến từ vùng ngoại ô phía tây Melbourne.

 

Cũng là một người Nam Sudan di cư, ông ấy đã cống hiến công việc kinh doanh của mình là một trung tâm thể thao, để tạo ra một không gian an toàn cho những thanh niên từ châu Phi, những người có thể bị bỏ lại khỏi các môn thể thao.

 

Ông Chol Dut nói “Tôi chỉ cố gắng hỗ trợ một số trẻ em thực sự không đủ khả năng chi trả, thế nhưng tôi biết chúng thực sự mong muốn làm được điều đó".

"Đặc biệt với cơ sở của chúng tôi, chúng tôi có rất nhiều trẻ em Sudan đến, những em không có hỗ trợ tài chính hoặc tiền hay được đưa cho, để bắt chúng phải trả tiền mới được vào ở".

"Vì vậy rất nhiều lần chúng tôi cho họ vào ở miễn phí, bởi vì chúng tôi biết rằng nếu sẽ đẩy chúng ra xa, rồi cuối cùng sẽ làm điều gì đó khiến chúng gặp rắc rối”.

 

Wugol cho biết, mặc dù có một khởi đầu khó khăn trong cuộc sống, nhưng anh không nản lòng theo đuổi ước mơ của mình.

 

Manyiel Wugol nói “Là một người tị nạn nhập cư, tôi cảm thấy như chúng ta đã chống lại mọi khó khăn".

"Tôi sẽ luôn đấu tranh cho những cơ hội, mà tôi xứng đáng có được”.