Tang lễ của Mario Clarence Velona chỉ được có 20 người tham dự. Nguồn: Supplied
Trên khắp nước Úc, các quy định hạn chế người tham gia đám tang khiến nhiều gia đình mất người thân gặp khó khăn trong việc cử hành nghi lễ. Các quy định giới hạn trong đại dịch cũng khiến nhiều nhà cung cấp dịch vụ tang lễ phải thay đổi cách hoạt động.
Corey Hague đến từ một vùng quê tại tiểu bang Victoria. Ông chưa bao giờ hình dung rằng bài điếu văn ông đọc trong tang lễ của người mẹ quá cố lại sẽ được thu và truyền đi online.
"Thực sự có cảm giác như nó là một buổi diễn tập mặc phục trang hơn là một đám tang thật. Chúng tôi đều bận quần áo và đều ở địa điểm đó, nhưng trên thực tế không có ai ở đó."
“Tôi nghĩ chỉ khi có đầy đủ gia đình họ hàng và bạn bè tham dự, thì mới cảm nhận được đó là một lễ mai táng đúng nghĩa”.
Bắt đầu từ ngày 01/06 tại Victoria, các đám tang ngoài trời sẽ được cho phép tối đa 50 người tham dự.
Đối với gia đình ông Hague, chỉ có 8 người có thể có mặt tại tang lễ trong đó bao gồm cả nhân viên tổ chức tang lễ.
“Một đám tang là một sự kiện mà nếu không có phần lễ tiễn đưa, thì nó hoàn toàn khác. Nói một cách dễ hình dùng, giống như một đám cưới mà không có lễ cưới, thì nó sẽ chỉ như là đến văn phòng và ký vào giấy tờ.”
Ông lo lắng rằng nhiều người trong những hoàn cảnh tương tự sẽ cảm thấy rất khó khăn trong việc cử hành tang lễ của người thân trong đợt đại dịch.
Đối với Elviva Andreoli, người đã vừa mất mẹ, thì việc chơi guitar tại buổi truy điệu đã bày tỏ một sự kết nối với nền văn hóa Ý của gia đình cô.
“Tôi không nghĩ là tôi có thể làm điều đó ở đám tang của mẹ, nhưng tôi đã ép bản thân mình. Tôi nghĩ, không, tôi đã hát ở nhiều lễ tang. Tôi muốn đảm bảo rằng tôi sẽ hát cho Mẹ tôi. Tôi ca bài Mama, nghĩa là Mẹ trong tiếng Ý. Và, tôi đã rất tự hào có thể làm điều đó cho bà và tôi rất biết ơn rằng tôi đã được cho phép làm điều đó.”
Bắt đầu từ tháng Sáu, các tiểu bang bao gồm Victoria, NSW, Nam Úc, Tasmania và Queensland sẽ cho phép tối đa 50 người tham dự các lễ tang ngoài trời. Tây Úc hạn chế ở mức 30 người còn Lãnh thổ phía Bắc không giới hạn số lượng.
Trong thời gian qua, với số lượng khách hạn chế, và người đến viếng phải giữ khoảng cách với nhau trong khi nói lời tiễn biệt, đại dịch đã tạo ra nhiều thách thức cho ngành tổ chức tang lễ.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà tổ chức và cung cấp dịch vụ mai táng (AFDA), ông Andrew Pinder nói rằng, nó là một điều rất đáng buồn đối với những ai không thể đến dự tang lễ, nhưng các nhân viên dịch vụ mai táng cũng đã phải thay đổi cách tiếp cận đối với việc tiến hành nghi lễ trong suốt đại dịch.
“Chúng tôi đã đã phải đối xử với mỗi người qua đời như thể là họ có thể có virus hoặc đã có tiếp xúc gần với một bác sỹ mà có virus, thí dụ như vậy. Chúng tôi đã chứng kiến điều đó một lần khi mà một bác sỹ đi thăm một người đã qua đời tại nhà của họ và sau đó thì người bác sỹ đã xét nghiệm dương tính với virus”.
"Các nhân viên cần phải mặc đồ bảo hộ cá nhân mọi lúc, đặc biệt trong quá trình di chuyển người quá cố tới địa điểm của chúng tôi", ông Pinder cho hay.
Ông Pinder cũng cho hay nhân viên thời vụ trong ngành này là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch, do nhiều vị trí việc làm thời vụ đã bị cắt giảm.
Nhưng những thay đổi trong ngành dịch vụ lại mở thêm cơ hội cho việc tham dự từ xa thông qua dịch vụ mạng.
Cô Andreoli nói rằng, đã có khoảng 500 người xem lễ tang live-stream của người bạn quá cố của mình là Mario Clarence Velona, người khá nổi tiếng trong cộng đồng LGBTIQ.
“Mario mang hai dòng máu Ý và Úc nên đã có một nhóm tham dự lễ tang truyền thống là Ba, Mẹ và anh em họ hàng, và còn có thêm một cộng đồng LGBTIQ tham gia qua màn hình, theo dõi và tham dự với tình yêu và sự quan tâm, đó là một sự kếp hợp rất đẹp.”
Cục Thống kê Liên bang Úc dự kiến sẽ công bố số liệu tử vong vào cuối tháng Sáu.
Và quý thính giả có thể cập nhật thông tin mới nhất về tình hình coronavirus bằng ngôn ngữ của mình tại địa chỉ sbs.com.au/coronavirus.