Ashley Ratcliff cho biết ông có thể trồng những cây ô liu mật độ siêu cao bằng công cụ hiện có của mình. (ABC News: Guido Salazar)
NAM ÚC - Giữa những hàng cây nho già ở vùng sản xuất rượu vang lớn nhất nước Úc, một vụ mùa cây ô liu mới đang đâm chồi non xanh cho một ngành công nghiệp đang có nhu cầu cao.
Dưới bầu trời mùa đông xám xịt, những nhánh nho màu nâu đang chờ được cắt tỉa trước vụ thu hoạch tiếp theo ở Riverland, tiểu bang Nam Úc.
Nhưng trước việc một số người trồng nho phải đối mặt với một năm giá bán thấp hơn chi phí sản xuất, Ashley Ratcliff đã hành động bằng cách trồng cây ô liu trong vườn nho của mình.
Ông nói: “Tất cả đều liên quan đến sự tiến triển, và ngành công nghiệp rượu vang hiện đang thực sự khó khăn.”
"Chúng tôi có thể thấy rằng dầu ô liu là thứ mà chúng tôi có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng, và vì vậy chúng tôi coi ô liu là sản phẩm tiếp theo trong danh mục sản phẩm của mình."
Ông Ratcliff đang khuyến khích những người trồng ô liu khác trồng cây ô liu để sản xuất dầu khi nhu cầu dầu ô liu đang tăng cao. (ABC Nông thôn: Eliza Berlage)
Những cây có mật độ siêu cao, mà ông Ratcliff trồng, có thể ra quả trong hai năm - bằng khoảng một nửa thời gian so với một cây ô liu thông thường - và ông tiếp tục sử dụng những công cụ và thiết bị vườn nho hiện có của mình để canh tác cây ô liu.
Nông gia này, là chủ nông trại Ricca Terra Farms, trồng khoảng 50 giống nho, cho biết ông luôn làm những điều khác biệt và hy vọng những người khác cũng sẽ làm theo.
Ông nói: “Chúng tôi đã có hợp đồng với một công ty bán buôn, và chúng tôi sẽ kêu gọi một số nông gia trồng nho ở đây trồng cây ô liu”.
“Một số nông gia gốc gác là người Hy Lạp và Ý, nên họ khá hào hứng làm điều gì đó mà có lẽ ông bà họ đã làm cách đây nhiều năm.”
Tại sao lại trồng cây ô liu có mật độ siêu cao?
Giữa lúc thế giới tiêu thụ ít rượu hơn, thì, nhu cầu về dầu ô liu lại tăng lên.
Thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh đã tạo ra tình trạng thiếu dầu ô liu trên toàn cầu, điều mà theo chuyên viên môi giới bán buôn nho và rượu vang, Chantel Kitsenkas, coi là cơ hội.
Chantel Kitsenkas cho biết nông gia trồng trọt có cơ hội khai thác nhu cầu về dầu ô liu. (ABC News: Brant Cumming)
Cô nói: “Úc tiêu thụ nhiều hơn gấp đôi sản lượng dầu ô liu của chính mình làm ra, và chúng tôi đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập cảng từ Địa Trung Hải”.
“Úc chỉ sản xuất khoảng 2 triệu lít, vì vậy nếu chúng ta có thể bù đắp được điều đó bằng các sản phẩm do Úc sản xuất thì đó sẽ là một khởi đầu tuyệt vời.”
Để đáp ứng nhu cầu này, cô Kistenkas đã làm việc với hội đồng địa phương ở Riverland để tìm những nông gia trồng nho sẵn sàng chuyển đổi sang trồng cây ô liu để sản xuất dầu.
Cô nói: “Chúng tôi đang có sẵn các hợp đồng mua bán có thời hạn 10 năm, vì vậy sẽ có sự ổn định lâu dài cho những người đầu tư, và chúng tôi sẵn sàng làm việc với những nông gia các nông trang có diện tích từ 5 héc-ta trở lên”.
"Chúng tôi chắc chắn không nói rằng hãy loại bỏ tất cả. Nho và rượu vang vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của chúng tôi, nhưng đó là việc tạo thêm một sự an toàn trong công việc kinh doanh."
Nguồn cung dầu ô liu bị thắt chặt do người trồng ở Úc đang có vụ mùa kém và điều kiện khó khăn ở Âu châu. (Pixabay)
Cộng đồng hướng tới tương lai
Theo cơ quan công nghiệp địa phương Riverland Wine, khu vực này đã mất gần 600 triệu đô-la doanh thu trong vài năm gần đây do giá nho giảm.
Tháng trước, chính quyền tiểu bang đã cấp khoản tài trợ trị giá 260.000 đô-la cho CCW Co-labor Limited – một hiệp hội trồng nho làm rượu vang với hơn 500 thành viên – để hỗ trợ nông gia về thông tin đa dạng hóa các loại cây trồng thay thế.
Với áp lực chi phí sinh hoạt cũng đang đè nặng lên sự suy trầm của rượu vang, thị trưởng Hội đồng Berri Barmera, Ella Winnall, cho biết việc đa dạng hóa cây trồng là rất quan trọng.
Ella Winnall cho biết cộng đồng cần trồng nhiều loại cây hơn để chống đỡ với tương lai. (Tin tức ABC: Guido Salazar)
Cô nói: “Có lẽ không có nhiều người trong cộng đồng không làm công việc trong ngành rượu vang, hoặc biết ai đó đang làm việc trong ngành rượu vang”.
“Đang dạng cây trồng thực sự củng cố nền kinh tế của chúng ta ở đây.”
Cô Winnall cho biết việc trồng cây ô liu với mật độ siêu cao cũng giải quyết được việc giải quyết các cọc cây làm bằng cây thông của các vườn nho và có thể được sử dụng chúng cho phương pháp canh tác cây ô liu mật độ siêu cao.
Cô nói: “Những gì chúng tôi đã thấy trong quá khứ khi mọi người không còn trồng nho làm rượu vang nữa là những cọc thông này sẽ trở thành vấn đề của hội đồng, hoặc vấn đề môi sinh thực sự nghiêm trọng”.
Muốn tận dụng tình huống nhu cầu dầu ô liu đang cao, hội đồng cũng đang xem xét hỗ trợ một cơ sở chế biến để mang lại nhiều việc làm sản xuất hơn cho khu vực.
Cô Winnall nói: “Cộng đồng sẽ chỉ mạnh mẽ hơn vì chúng tôi sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng có khả năng thức thời tốt hơn”.
“Vấn đề phức tạp đến mức giải pháp có lẽ cũng sẽ khá phức tạp, và chúng tôi không nghĩ đó là giải pháp dễ dàng.”
Riverland sản xuất khoảng một phần ba sản lượng rượu vang của Úc, và là nơi có hơn 22.000 héc-ta cây nho. (ABC News: James Wakelin)
Canh tác hiệu quả
Úc hiện có khoảng 7.000 héc-ta cây ô liu mật độ siêu cao trên khắp Tây Úc, Nam Úc, Victoria và New South Wales.
Simon Robb quản lý một vườn ươm tại Irymple, ở vùng Sunraysia, tiểu bang Victoria, một trong số ít vườn ươm trên khắp đất nước trồng cây giống loại cây này.
Simon Robb cho biết ông đang nhận thấy nhu cầu về cây ô liu mật độ siêu cao ngày càng tăng. (ABC News: Guido Salazar)
Ông nói: “Việc trồng cây với mật độ siêu cao chiếm 3 phần trăm diện tích bề mặt cây ô liu trên toàn cầu, nhưng loài cây này, sản xuất khoảng 36 phần trăm lượng dầu nguyên chất”.
Ông Robb cho biết phương pháp canh tác này hiệu quả hơn và cho phép người trồng nho giữ được hạ tầng cơ sở như cũ.
Ông nói: “Có thể giảm được khoảng 30 phần trăm lượng nước, phân bón và chi phí vận hành, cộng với việc cơ giới hóa cao”.
"Cây cho quả bắt đầu vào năm thứ hai đối với phương pháp trồng mật độ siêu cao, và cho lượng quả cao nhất vào năm thứ tư, sớm hơn vài năm so với các cách trồng trọt truyền thống."
Sophin Dahal cho biết phải mất khoảng 18 tháng để có được cây ô liu con sẵn sàng đưa ra thị trường. (ABC News: Guido Salazar)
Sophin Dahal, là nhân viên kỹ thuật cho ông Robb, cho biết những người trồng trọt muốn tham gia có thể phải chờ đợi.
Cô nói: “Nó hơi khác một chút so với các loại cây trồng khác mà chúng tôi trồng trong vườn ươm của mình vì thời gian để có cây con là từ 14 đến 18 tháng”.
Nhưng cô Dahal cho biết với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong việc sử dụng đất, phương pháp trồng này chính là tương lai.
Cô nói: “Nó đã được thương mại hóa và áp dụng rất tốt ở Âu châu, đó là một ví dụ hoàn hảo vì rõ ràng các quốc gia ở đó nhỏ hơn rất nhiều so với Úc”.
“Họ phải tối ưu hóa năng suất dựa trên diện tích đất họ có, và đó là con đường hướng tới của nhiều ngành nghề”.
(Danviet - Theo abc.net.au)