AUSTRALIA - Tỷ phú công nghệ của Úc, Mike Cannon-Brookes, cam kết tài trợ hơn 350 triệu Mỹ kim trong quỹ cá nhân cho các tổ chức từ thiện chống biến đổi khí hậu, đồng thời đầu tư thêm vào các công ty công nghệ xanh.

 

 

Tỷ phú công nghệ Mike Cannon-Brookes dành sự quan tâm đặc biệt cho công nghiệp xanh và phát triển bền vững.

 

 

 

 

Một trong những tỷ phú làm từ thiện nhiều nhất Úc

Mike Cannon Brookes, 42 tuổi, là người đồng sáng lập và CEO của công ty phần mềm Atlassian, có trụ sở tại Sydney. Ông và đồng giám đốc điều hành Scott Farquhar thành lập công ty ngay sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2002. Trong số các khách hàng của Atlassian có NASA, Tesla, SpaceX.

 

 

Cannon-Brookes cũng đầu tư vào hơn 20 công ty khởi nghiệp (startup), từ các nhà sản xuất protein thay thế đến robot và năng lượng tái tạo. Tuy vậy, công việc mang lại nguồn tài chính vững chắc nhất cho ông vẫn đến từ Atlassian. Chính số cổ phần Brookes nắm giữ tại Atlassian là nền tảng cho khối tài sản khổng lồ của ông.

 

 

Kể từ khi ra mắt thị trường tại New York vào năm 2015, cổ phiếu của Atlassian đã tăng hơn 20 lần, chạm mức cao nhất mọi thời đại là 458 USD vào cuối tháng 10 sau khi nhà sản xuất phần mềm báo cáo doanh thu tăng 34 phần trăm lên 614 triệu USD trong quý 3.

 

 

Giá cổ phiếu công ty tăng hơn 50 phần trăm trong năm nay đã đẩy vốn hóa thị trường của Atlassian vượt qua 100 tỷ USD lần đầu tiên vào tháng Mười, khiến nó có giá trị hơn “ông lớn” cùng ngành là IBM. Ngoài ra, kể từ khi bắt đầu giao dịch trên Nasdaq, công ty này cũng chứng kiến mức doanh thu trung bình tăng tới 35 phần trăm mỗi năm, nhờ nhu cầu về các nền tảng điện toán đám mây tăng cao.

 

 

Theo Forbes, ông Brookes hiện có khối tài sản 22,9 tỷ USD, là một trong những tỷ phú giàu nhất nước Úc. Năm 2018, ông và vợ gây chú ý khi mua lại một căn biệt thự bên bờ sông ở Sydney với giá 100 triệu AUD (72 triệu USD), khiến căn biệt thự này trở thành bất động sản có giá trị nhất Úc.

 

 

Ông Cannonn-Brookes cũng là một trong những tỷ phú làm từ thiện nhiều nhất tại Úc, nhờ những đóng góp và cam kết không ngừng nghỉ để khiến cuộc sống con người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn.

 

 

Những khoản đầu tư khổng lồ để bảo vệ môi sinh.

Vào cuối tháng Mười, ngay trước khi bắt đầu hội nghị COP26 ở Scotland, Cannon-Brookes và vợ là Annie đã cam kết tài trợ 500 triệu AUD (357 triệu USD) vào năm 2030 cho các tổ chức phi lợi nhuận đang tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

 

 

Đồng thời, vị tỷ phú công nghệ cũng tiết lộ kế hoạch từ thiện của mình, bao gồm việc đầu tư thêm 1 tỷ AUD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo bên cạnh 1 tỷ AUD đã được triển khai trước đó thông qua công ty đầu tư của mình là Grok Ventures.

 

 

Ông Mike còn tham gia vào cuộc đua mua bất động sản tại New South Wales, nơi ông đặt mục tiêu biến những vùng đất rộng lớn thành thiên đường xanh thông qua nông nghiệp tái sinh, cố gắng giảm lượng khí thải carbon do canh tác truyền thống thải ra.

 

 

Theo ông Brookes, các công ty của Úc không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng các nguyên liệu bền vững khi các quốc gia quan tâm đến môi trường ngày càng áp đặt thuế carbon cao đối với nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và thậm chí ngừng mua chúng - một viễn cảnh đáng lo ngại đối với quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới (tính theo giá trị).

 

 

Ông Cannon-Brookes cho rằng quá trình chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo “đòi hỏi cả đầu tư tài chính và từ thiện”. Ông nói “Bạn cần thực hiện nhiều nghiên cứu hàn lâm để chỉ ra cách thức hoạt động của những công nghệ mới này đối với các lĩnh vực và khu vực khác nhau”.

 

Mặc dù tốn nhiều thời gian và tiền bạc, song phát triển theo hướng cắt giảm lượng khí thải carbon và tăng cường phát triển nhiên liệu bền vững là hướng đi đúng đắn cho nước Úc.

 

 

Theo một nghiên cứu, trong 2 thập kỷ tới, Úc có thể mất 1/3 tổng doanh thu xuất khẩu hàng hoá nếu không thay đổi các chính sách quan trọng, bởi việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của quốc gia này đang gặp rủi ro khi thế giới đang tìm cách chuyển sang chế độ phát thải carbon ròng về 0.

 

 

Đồng thời, một số khách hàng mua than lớn nhất của nước Úc - bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ - cũng là những quốc gia cam kết giảm phát thải ròng carbon mạnh mẽ, dẫn tới việc hạn chế nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch trong thời gian tới.

 

 

Ngược lại, nếu nước Úc tăng cường đầu tư nhiên liệu xanh, nước này có thể đạt mức 333 tỷ AUD xuất khẩu hàng năm vào năm 2050.

 

Cannon-Brookes cũng đồng ý với quan điểm nói khử cacbon là cơ hội kinh tế lớn duy nhất cho cường quốc tài nguyên. Ông đã hợp tác với tỷ phú khai thác mỏ Andrew “Twiggy” Forrest để khai thác năng lượng mặt trời ở những khu vực nắng nhất ở Úc.

 

 

Cannon-Brookes và Andrew Twiggy còn là người ủng hộ lớn nhất của công ty khởi nghiệp Sun Cable có trụ sở tại Úc. Công ty này đang xây dựng một trang trại năng lượng mặt trời khổng lồ trị giá 30 tỷ AUD để cung cấp điện cho Darwin vào năm 2026 và cho Singapore vào năm sau thông qua một tuyến cáp điện một chiều điện áp cao (HVDC) dài 4,200 km có tên là Australia-Asia PowerLink (AAPowerLink ).

 

 

Kane Thornton, Giám đốc điều hành của Clean Energy Council, một tổ chức đại diện cho các công ty năng lượng tái tạo có trụ sở tại Melbourne cho biết: “Dự án Sun Cable chứng tỏ rằng nước Úc có cơ hội to lớn để trở thành siêu cường xuất khẩu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.

 

 

Thông qua công ty đầu tư Grok Ventures của mình, ông Brookes cũng tài trợ cho công ty fintech Brighte - công ty tài trợ cho việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trong các ngôi nhà ở Úc.

 

 

Theo ông Cannon-Brookes, bằng cách cung cấp tài chính trả trước để lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà, Brighte đang đẩy nhanh quá trình khử cacbon cho các ngôi nhà ở Úc. Kể từ khi thành lập vào năm 2015, công ty đã cung cấp các khoản vay hơn 600 triệu AUD cho hơn 75,000 hộ gia đình.