Kỹ sư cao niên đang hướng dẫn thực tập sinh ngành kỹ thuật xử dụng máy tiện truyền thống trong nhà máy cơ khí. Ảnh: Monty Rakusen – Nguồn: Monty Rakusen/Getty Images
Mặc dù độ tuổi nghỉ hưu chánh thức tại Úc hiện nay là 67, nhưng những người lao động từ 51 đến 55 tuổi thường bị coi là “lao động lớn tuổi” trong quá trình tuyển dụng. Phát hiện này đến từ nghiên cứu mới của Viện Nhân sự Úc và Ủy ban Nhân quyền Úc. Tuy nhiên, điều này không còn là tin mới đối với những người lao động ở độ tuổi này, vì nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng người ở độ tuổi 50 thường phải đối mặt với sự phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc. Vậy vì sao việc chống lại sự phân biệt đối xử vì tuổi tác trong lực lượng lao động lại khó đến vậy?
Thật sự là một giai đoạn khó khăn để sống ở độ tuổi 50 tại Úc.
Nhóm tuổi này thường được gọi là “thế hệ kẹp giữa” vừa chăm sóc cha mẹ già, vừa nuôi con cái.
Và giờ đây, một báo cáo mới đã làm sáng tỏ nhận thức đáng lo ngại về nhóm này trong lực lượng lao động.
Mặc dù họ vẫn còn khá xa độ tuổi nghỉ hưu chánh thức là 67, nhưng theo nghiên cứu từ Viện Nhân sự Úc (Australian HR Institute) và Ủy ban Nhân quyền Úc, ngày càng nhiều công ty tuyển dụng xem người lao động là "già" khi họ bước sang tuổi 51.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mặc dù một nửa số công ty tuyển dụng được khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển người, chỉ có 56% cho biết họ sẵn sàng thuê người lao động từ 50 đến 64 tuổi ở mức độ đáng kể.
Bà Sarah McCann-Bartlett là Giám đốc điều hành của Viện Nhân sự Úc.
Bà cho biết độ tuổi tối thiểu được xem là "già" đã bị hạ thấp.
Bà Sarah McCann-Bartlett nói, “Có lẽ vì chúng ta đang sống trong thời đại thay đổi công nghệ rất nhanh chóng, và vẫn tồn tại giả định, không hẳn đúng, rằng người lao động lớn tuổi không giỏi công nghệ như người trẻ. Tôi nghĩ một lý do khác là thế hệ trẻ hiện nay muốn phát triển nhanh trong sự nghiệp và có cơ hội thăng tiến sớm hơn. Hai yếu tố này có thể đang ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về độ tuổi bị xem là ‘già’ trong công việc.”
Mặc dù có những định kiến như vậy, bà McCann-Bartlett cho biết nhiều công ty tuyển dụng thực tế không thấy sự khác biệt về hiệu suất làm việc giữa người trẻ và người lớn tuổi.
Dù vậy, đây không phải là thực tế mới – người lao động ở tuổi 50 từ lâu đã bị gạt ra ngoài vì bị xem là đã lớn tuổi.
Giáo sư Carol Kulik từ Đại học South Australia đã nghiên cứu hiện tượng gọi là “những người vượt hàng” – ám chỉ những người khỏe mạnh chọn nghỉ hưu sớm ở tuổi 50.
“Tôi cho rằng điều lớn nhất mà chúng ta thấy và điều này không thay đổi theo thời gian là các công ty tuyển dụng thường cho rằng họ muốn tuyển người có thể mang lại lợi tức đầu tư tốt. Vì vậy, họ nghĩ rằng tuyển người trẻ nghĩa là họ sẽ ở lại lâu hơn trong công việc, còn người lớn tuổi thì càng gần tuổi nghỉ hưu, càng có thể nghỉ việc sớm.”
Tuy nhiên, giáo sư Kulik cho rằng đó là một giả định sai lầm, vì nhiều nghiên cứu cho thấy người trẻ thường xuyên thay đổi công việc hơn.
Bà cho biết lý do khó thay đổi quan niệm này là bởi một số công ty tuyển dụng vẫn giữ tư duy cũ về mối quan hệ giữa tổ chức và người lao động.
“Chúng ta đã có hàng chục năm hiểu về quan hệ lao động theo cách các tổ chức thuê người mới dựa trên tiềm năng và coi đó là một cam kết lâu dài. Nhưng hiện nay, những gì người lao động mong muốn từ công việc đã thay đổi rất mạnh mẽ. Ví dụ, hiện nay 60–70% người mới bước vào lực lượng lao động nói rằng họ không muốn trở thành quản lý. Trong khi đó, cách truyền thống để giữ chân nhân viên là thăng chức cho họ lên quản lý. Vì vậy, tư duy của một số công ty tuyển dụng vẫn chưa bắt kịp dữ liệu thực tế.”
Ông Robert Fitzgerald, Ủy viên Chống Phân biệt Đối xử vì Tuổi tác, cũng nói rằng nạn phân biệt tuổi tác trong việc làm đã tồn tại từ lâu, nhưng đã đến lúc nước Úc phải nỗ lực thay đổi điều đó.
Ông nói, “Các doanh nghiệp ngày nay cần nhận ra rằng xã hội Úc đang thay đổi, khách hàng của họ cũng đang thay đổi. Và nhiều doanh nghiệp cần phải đại diện được cho những gương mặt và tiếng nói lớn tuổi trong tổ chức của mình. Ngoài ra, chúng ta đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng, và cách duy nhất để giải quyết là hợp tác và tận dụng lực lượng lao động lớn tuổi.”
Tiến sĩ Marlene Krasovotsky, thành viên của Everyage Counts, một tổ chức cộng đồng chống phân biệt tuổi tác, bà cho biết với việc dân số Úc đang già hóa, hiện tượng “thế hệ kẹp giữa” sẽ ngày càng phổ biến.
Một trong những cách để chống lại nạn phân biệt tuổi tác là tạo cơ hội để các thế hệ khác nhau cùng làm việc.
“Tôi hy vọng sẽ thấy nhiều hơn sự công nhận rằng lực lượng lao động hiện nay đang đa thế hệ. Chúng ta có thể có đến năm thế hệ cùng làm việc trong một môi trường, và thách thức là làm sao tận dụng được tất cả kỹ năng, đóng góp, góc nhìn và năng lượng khác nhau từ các độ tuổi. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những chiến lược cụ thể để khai thác tiềm năng và năng suất của lực lượng lao động đa thế hệ, vì đây là những vấn đề thực sự quan trọng đối với năng suất quốc gia.”