Các nhà nghiên cứu Úc Đại Lợi tuyên bố họ đã phát triển một loại pin có thể giúp cho điện thoại thông minh không cần sạc trong 5 ngày hoặc cung cấp năng lượng cho một chiếc xe điện chạy 1.000 km.

 

 

 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash. Ảnh: Sydney Morning Herald

 

 

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Monash, ở thành phố Melbourne cho biết, loại pin lithium-lưu huỳnh mà họ tạo ra là "hiệu quả nhất thế giới" và có thể vượt trội hơn 4 lần so với pin truyền thống.

 

Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ bước vào giai đoạn thương mại hóa phát minh của mình và chào mời các nhà đầu tư.

 

Hầu hết các loại pin thương mại thuộc loại lithium-ion, nhưng các chất thay thế lithium-lưu huỳnh từ lâu được coi là ứng viên thay thế tiềm năng nhờ mật độ năng lượng cao hơn và khả năng cung cấp năng lượng cho các vật thể lâu hơn.

 

Tuy nhiên, pin lithium-lưu huỳnh có tuổi thọ ngắn hơn nhiều so với pin thông thường. Loại pin thế hệ mới này được sử dụng trên một số máy bay và ô tô, nhưng nỗ lực để đưa chúng vào sản xuất hàng loạt và loại bỏ pin lithium-ion đã thất bại.



Theo các chuyên gia về pin của Viện Faraday, việc sử dụng rộng rãi pin lithium-lưu huỳnh phải đối mặt với "những trở ngại lớn" xuất phát từ "bản chất cách điện" của lưu huỳnh và sự xuống cấp của cực dương kim loại.

 

Nhóm nghiên cứu ở Úc đã tái cấu hình thiết kế của catốt lưu huỳnh để chúng có thể chịu được tải trọng cao hơn mà không làm giảm hiệu suất tổng thể.

 

Phát minh của nhóm "sẽ cách mạng hóa thị trường xe hơi Úc và cung cấp cho tất cả người dân nước này một thị trường năng lượng sạch hơn và đáng tin cậy hơn", giáo sư Mainak Majumder cho biết trong một thông cáo báo chí.