(Ảnh: SBS)

 

 

Rối loạn ăn uống ngày càng phổ biến ở Úc, với hơn một triệu người mắc phải căn bệnh này. Một chiến dịch mới cho rằng những bình luận về ngoại hình có thể là tác nhân dẫn đến chứng rối loạn ăn uống. Trên thực tế, các vấn đề xung quanh hình ảnh cơ thể thể hiện rõ trong sự kỳ thị và định kiến, ở nhiều nền văn hóa khác nhau tại Úc.

 

Hơn một triệu người Úc đang sống chung với chứng rối loạn ăn uống, nhưng chưa đến một trong ba người tìm kiếm sự hỗ trợ.

 

Mặc dù ngày nay chúng ta đã hiểu hơn nhiều về chứng rối loạn ăn uống, tuy nhiên những bình luận về cơ thể và ngoại hình vẫn còn thường xuyên hiện hữu.

 

Lexi Crouch đã có trải nghiệm thực tế về chứng rối loạn ăn uống trong 15 năm, và hiện cô là một huấn luyện viên phục hồi, giúp đỡ những người khác vượt qua chứng bệnh này.

 

Cô cho biết chứng rối loạn ăn uống của cô bị kích hoạt bởi một số yếu tố, bao gồm cả việc lớn lên trong nền văn hóa ăn kiêng thịnh hành của những năm 90, và tác động của những bình luận về ngoại hình.

"Tôi đã từng bị bắt nạt chỉ vì có mỡ tự nhiên."

“Điều đó và những bình luận xung quanh văn hóa ăn uống, tôi nhanh chóng hình thành chứng rối loạn ăn uống và đã bị rối loạn ăn uống nghiêm trọng, lúc tôi 13, 14 tuổi.”

"Và nó thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng khi tôi khoảng 16 tuổi. Tôi không còn có thể hoàn thành việc học, tôi trở nên chán ăn và nó dẫn đến những lần nhập viện."

 

Lexi đã nhập viện khoảng 25 lần, bao gồm cả ngoại trú, nội trú và chăm sóc đặc biệt.

 

Cô nói rằng cô ấy đã trải qua một số giai đoạn thực sự đen tối, với chứng chán ăn của cô ấy phát triển thành trầm cảm, lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

 

Phải đến năm 25 tuổi, cô mới bắt đầu hành trình phục hồi của mình.

 

Quá trình này bao gồm một số công cụ khác nhau, bao gồm việc tìm một nhà trị liệu mà Lexi cho biết đã áp dụng phương pháp điều trị toàn diện hơn, cũng như khám phá ra tầm quan trọng của mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể thông qua yoga.

 

"Phải có điều gì đó thực sự nghiêm trọng thì bạn mới phải ra đi, và với tôi, tôi đã quá chán ngán việc mệt mỏi triền miên, và tôi đã ở trong một nơi tăm tối như vậy vì chứng rối loạn ăn uống. Tôi cũng đã tìm kiếm các lựa chọn khác. Sau nhiều lần cố gắng, tôi đã tìm kiếm con đường phục hồi và đó là một hành trình rất chậm."

 

Cuộc khảo sát Body Kind Youth mới nhất cho thấy 77 phần trăm những người trong độ tuổi 12-18 từng bị trêu chọc về ngoại hình ở trường và hơn một nửa không hài lòng với cơ thể của họ.

 

Làm việc trong vai trò là một huấn luyện viên, giúp đỡ những người khác vượt qua nỗi lo lắng về hình ảnh cơ thể, Lexi biết tận mắt những bình luận dựa trên ngoại hình có thể gây tổn hại như thế nào.

“Chúng có thể có tác động sâu sắc nhất đến cuộc sống của bạn. Tôi nghĩ bất kỳ ai có sự táo bạo khi bình luận về hình dáng, cân nặng của ai đó, đó có thể là một trong những điều tổn thương nhất, bởi tôi đã tự mình trải qua điều đó.”

"Đối với một số người, họ có thể không quan tâm, nhưng nếu bạn là người nhạy cảm, đặc biệt là khi bạn đang tìm lối đi của mình trên thế giới này, thì một bình luận đó đã về căn bản thay đổi toàn bộ con đường của họ.”

 

Ở nhiều nền văn hóa, những bình luận dựa trên ngoại hình được coi là bình thường. Các đồng nghiệp SBS từ các ban ngôn ngữ khác chia sẻ trải nghiệm của mình.

 

Rami Aly từ SBS Arabic, nói rằng trong văn hóa Ai Cập của mình, việc mọi người đưa ra những bình luận dựa trên ngoại hình là khá phổ biến.

"Tôi cho rằng nó không lành mạnh và nó giống như một chu kỳ, mọi người sẽ bình luận công khai nếu bạn mới cắt tóc, hoặc có thể bạn tăng một chút cân, hay giảm cân, hoặc bạn ăn mặc khác đi. Mọi người đơn giản là không ngại bình luận công khai về điều đó.”

 

Yumi Oba từ SBS Tiếng Nhật cũng cho biết có những quan niệm không lành mạnh về hình ảnh cơ thể trong văn hóa Nhật Bản.

"Tôi nghĩ chắc chắn là có, đặc biệt là ở phụ nữ, và tôi nhớ trong một bài báo cách đây năm, sáu năm về việc phụ nữ Nhật Bản là những người ít tự tin nhất về hình ảnh cơ thể của họ. Tôi có thể thấy điều đó khi tôi quay lại Nhật Bản, vì mọi người đều trông giống nhau. Họ có hình dáng khá giống nhau, ăn mặc giống nhau. Và vì vậy, nếu bạn không thuộc kiểu dáng đó, rõ ràng là bạn sẽ nổi bật."

 

Cô cũng cảm thấy áp lực phải tuân theo chuẩn mực hình thể điển hình của phương Tây, khi lớn lên ở Úc.

"Cá nhân tôi nghĩ về rất nhiều thứ, có thể bạn không thấy ở đây, nhưng thực ra tôi khá thấp. "

“Vì vậy, khi lớn lên ở Úc, tôi thường nhận được rất nhiều bình luận từ bạn bè, tại sao bạn lại thấp thế? Tại sao bạn lại nhỏ thế? Và những câu hỏi đó luôn khiến tôi thấy không thoải mái, nhưng luôn khiến tôi rất ý thức về ngoại hình của mình.”

 

 

Melissa Winton là Trưởng phòng Truyền thông tại tổ chức Butterfly Foundation, cô cho biết họ lo ngại về số lượng người mắc chứng rối loạn ăn uống ngày càng tăng.

 

Cô nói rằng có khả năng thậm chí còn có nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống hơn chúng ta nghĩ, vì không phải tất cả những người mắc chứng bệnh này đều sẽ lên tiếng hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

 

Cô Winton giải thích rằng tỷ lệ gia tăng có thể là do một số lý do.

"Có thể là do sự kết hợp của việc giảm kỳ thị, vì vậy nhiều người nói về chứng rối loạn ăn uống hơn. Cũng có thể là do mọi người nhận ra các triệu chứng và dấu hiệu tốt hơn, do đó mọi người được chẩn đoán thường xuyên hơn trước. Cũng có thể là do sự kết hợp của những thứ như phương tiện truyền thông xã hội và tác động của văn hóa ăn kiêng mà chúng ta có, vốn rất phổ biến trong xã hội. Vì vậy, có rất nhiều yếu tố phức hợp.”

 

Chiến dịch mới nhất của Quỹ Butterfly có tên gọi 'Kindly Do, Kindly Don't' (tạm dịch: “Hãy làm một cách tử tế, không làm một cách tử tế”) đang tìm cách nâng cao nhận thức về cách chúng ta có thể có những cuộc trò chuyện lành mạnh hơn về thực phẩm, cơ thể, ngoại hình và các chứng rối loạn ăn uống - đặc biệt là tìm cách tránh những bình luận dựa trên ngoại hình và kỳ thị béo phì.

 

Là một phần của chiến dịch, họ đã phát triển một biểu mẫu cho những người đến gặp bác sĩ đa khoa để tìm kiếm sự giúp đỡ cho chứng rối loạn ăn uống, đóng vai trò như một kịch bản hỗ trợ để mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi giải quyết vấn đề thường nhạy cảm này.

 

Lexi nói rằng, hiểu rõ hơn về sự phức tạp của các chứng rối loạn ăn uống là điều thiết yếu để mọi người nhận được sự hỗ trợ quan trọng thay đổi cuộc sống của họ.

“Đó cũng là điều phức tạp về chứng rối loạn ăn uống. Nó có thể thuyết phục bạn rằng bạn hoàn toàn khỏe mạnh.”

"Tôi tin rằng việc nói chuyện với bác sỹ gia đình hoặc những người muốn giúp đỡ, nó giúp tiếp tục cuộc trò chuyện, đào sâu hơn vào gốc rễ vấn đề, và sau đó là nhận được sự giúp đỡ phù hợp.”

 

 

Và nếu quý vị hay ai đó mà quý vị biết cần sự hỗ trợ liên quan đến vấn đề này, quý vị có thể liên hệ The Butterfly Foundation qua số 1800 33 46 73 - hoặc qua trang web của họ tại địa chỉ: https://butterfly.org.au/