Tuyên bố của chính phủ liên bang muốn trấn áp những kẻ bắt nạt và xúc phạm trên mạng internet đã vấp phải sự hoài nghi từ các chuyên gia. Ảnh: Getty Images.

 

 

 

AUSTRALIA - Chính phủ liên bang vừa công bố sẽ buộc các công ty truyền thông phải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin những kẻ ẩn danh đăng tải nội dung mang tính xúc phạm, khiêu khích người khác trên mạng xã hội.

 

 

Theo một dự luật mới chuẩn bị được trình lên Quốc hội vào năm sau, toà án Úc sẽ được quyền yêu cầu các công ty truyền thông cung cấp thông tin người đứng sau những đăng tải mang tính bôi nhọ, xúc phạm.

 

Thủ tướng Scott Morrison phát biểu, chính các tập đoàn công nghệ phải chịu trách nhiệm, và người dân Úc cần một cách thức để giải quyết nạn quấy rối.

 

“Tự do ngôn luận không có nghĩa là người phát ngôn lại hèn nhát giấu mình, công kích, quấy rối, và tìm cách huỷ hoại cuộc đời người khác. Đó là chuyện hèn hạ, và sẽ không có chỗ cho những thứ đó ở quốc gia này.”

 

 

Dự luật này sẽ cho phép người dân kiện những người có lời lẽ bôi nhọ sau khi những người đó bị nhận diện.

 

 

Thủ tướng Morrison cho biết chính phủ liên bang sẽ xem xét các trường hợp thử nghiệm để xúc tiến việc thông qua dự luật.

“Nếu các công ty công nghệ nghĩ rằng họ chỉ cần phải xử lý những trường hợp nhỏ, thì chúng tôi sẽ xem xét các trường hợp đó chúng tôi sẽ xử lý họ, và chúng tôi sẽ đưa họ ra toà, và chúng tôi cũng sẽ đưa cả những công ty truyền thông đó ra toà. Đây là vấn đề mà tôi biết nó đã được nói đến ở hầu hết các gia đình. Chúng ta đều quan ngại về tác động của truyền thông xã hội đến các gia đình, đến cộng đồng và đến xã hội.”

 

 

Ông Morrison ban đầu đề cập đến kế hoạch này tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome vào tháng trước, tại đó các lãnh đạo thế giới cũng đã khẳng định cam kết hành động nhằm chấm dứt nạn khủng bố bạo lực trên mạng sau khi xảy ra những cuộc tấn công ở Christchurch.

 

 

Ông nói ông hi vọng những quốc gia khác hãy cùng với nước Úc hành động.

“Các công ty truyền thông phải có trách nhiệm. Họ đã tạo ra thế giới. Họ đã tạo ra không gian, và họ phải cần làm cho không gian đó an toàn, nếu không làm được thì chúng ta phải tạo ra luật pháp để làm được điều đó, và tôi sẽ vận động cho chuyện này trên khắp thế giới cũng như tôi đã từng làm với các vấn đề khác và nước Úc sẽ dẫn đầu chuyện này.”

 

 

Bộ trưởng Tư pháp Michaelia Cash nói rằng dự luật này sẽ đem trách nhiệm đặt lên các công ty truyền thông.

“Dự luật này sẽ cho phép người dùng mạng xã hội phải tháo bỏ lớp mặt nạ che chắn khi buông ra những lời nói xúc phạm. Quý vị sẽ không thể sử dụng tính năng ẩn danh để lan truyền những lời lẽ công kích thù địch.”

 

Lãnh đạo Đảng Đối lập, Anthony Albanese, nói rằng ông hoan nghênh động thái này của chính phủ liên bang trong việc ban hành luật để giải quyết vấn đề gây thù địch trên mạng xã hội.

 

 

Nhưng ông cũng nói rằng dự luật phải bảo vệ hiệu quả cho những người trẻ, giải quyết nạn bắt nạt trên mạng và ngăn ngừa những thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

“Chính phủ phải giải thích họ có thể xử lý như thế nào khi mà các kiểm soát trong nước đều bị hạn chế đối với cái gọi là ngành công nghiệp toàn cầu. Đồng thời, nếu chính phủ muốn chặn thông tin sai lệch trên mạng xã hội, họ có thể bắt đầu với một số thành viên trong chính nội bộ của mình, những người đã lan truyền thông tin sai lệch về COVID, về tiêm chủng và làm suy yếu y tế cộng đồng.”

 

Đảng Xanh sẽ đẩy mạnh dự luật này lên cuộc điều tra Thượng viện để xem xét.

 

 

Chris Cooper, giám đốc điều hành của Reset Australia, nói rằng vấn đề mấu chốt của chính phủ là nhắm vào thuật toán được các công ty công nghệ sử dụng để khuếch đại những lời thù ghét trên mạng và các thông tin sai lệch, đặc biệt trong thời gian đại dịch.

 

“Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu lập ra các chính sách để có thể cân bằng mối quan hệ của chúng ta với truyền thông xã hội ở một mức độ mà vẫn có thể phục vụ nền dân chủ Úc, thay vì chống lại nó. Và điều đó phải là một tiến trình được công bố rộng khắp. Và để làm được điều đó chúng ta cần những nhà làm luật độc lập bên ngoài, người có thể đánh giá cách thức mà những nền tảng này hoạt động. Và điều đó có nghĩa là buộc phải có sự minh bạch ở các nền tảng.”

 

 

Số lượng người Úc theo dõi các nhóm chống vắc-xin trên Facebook đã tăng 280% trong vòng 14 tháng, trong khoảng từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 2 năm nay.

 

 

Các công ty truyền thông xã hội như Twitter, Google, công ty sở hữu Youtube và Beta, công ty sở hữu Facebook và Instagram, cho đến nay vẫn từ chối có nhận định, nói rằng họ muốn có thời gian để xem xét dự luật.