Nareen Young, làm việc tại Học Viện Nghiên cứu và Giáo Dục Jumbunna - Jumbunna Institute of Education and Research. Nguồn: AAP
Một báo cáo mới đã tiết lộ thực tế gây sốc về tình trạng phân biệt đối xử ở nơi làm việc mà người Thổ dân Úc vẫn đang gặp phải. Các nhà hoạt động đang kêu gọi các chủ lao động và chính phủ các tiểu bang và vùng lãnh thổ cùng nhau hợp tác chống lại nạn phân biệt chủng tộc đối với người Thổ dân.
Hội đồng Đa dạng Úc châu đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Giáo dục về người Thổ dân Jumbunna để đưa ra báo cáo Gari Yala vào thứ Ba (17/11).
Báo cáo được đặt tên theo cụm từ Wiradjuri có nghĩa là “nói sự thật” - và đó chính là điều mà những người đưa ra báo cáo hy vọng sẽ đạt được.
Báo cáo liên quan đến việc khảo sát hơn 1000 người Thổ dân và Dân đảo Torres trên khắp nước Úc về trải nghiệm của họ tại nơi làm việc.
Kết quả thật đáng kinh ngạc - 38% cho biết họ bị đối xử bất công vì sắc tộc của họ, 44% nói rằng họ đã nghe thấy những lời chế giễu chủng tộc ở nơi làm việc và 59% cho biết họ đã bị “phân biệt chủng tộc dựa trên ngoại hình” - khi ai đó bình luận về cách thức để trông giống một thổ dân Úc.
Giám đốc điều hành của Hội đồng Đa dạng Úc, bà Lisa Annese nói rằng nghiên cứu đã đưa ra số liệu bằng chứng rõ ràng về sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử có hệ thống tại nơi làm việc:
“Có lẽ những phát hiện quan trọng nhất từ báo cáo là 63% người được khảo sát đã rơi vào trạng thái căng thẳng mức độ cao về ngoại hình ở nơi làm việc. Đó là sự căng thẳng mà người Thổ dân cảm nhận được.”
Chỉ 1/3 số người được khảo sát cho biết họ nhận được sự hỗ trợ từ nơi làm việc trong trường hợp bị phân biệt chủng tộc, và chỉ 1/5 làm việc cho chủ lao động có tập huấn về khiếu nại phân biệt chủng tộc cũng như chống phân biệt đối xử có liên quan đến người Thổ dân.
Bà Annese nói rằng những người gặp phải nạn phân biệt chủng tộc ở nơi làm việc bị ảnh hưởng cả về mặt cá nhân và nghề nghiệp:
“Nếu có tình trạng phân biệt chủng tộc ở nơi làm việc - và chúng tôi có thể xác định được - thì việc đó thực sự tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của cá nhân tại nơi làm việc. Nó cũng tác động đáng kể đến mức độ hài lòng trong công việc của họ - mức độ trung thành của họ đối với chủ lao động, cho dù họ có muốn tiếp tục ở lại làm việc hay là tìm một công việc khác. Vì vậy, nó tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân mà còn đến nơi làm việc nữa.”
Người đứng đầu dự án nghiên cứu là Nareen Young từ Viện Nghiên cứu và Giáo dục người Thổ dân Jumbunna. Bà cho biết kết quả nghiên cứu không khiến bà ngạc nhiên.
“Trong một thời gian dài tôi đã trò chuyện với những người Thổ dân và Dân đảo Torres về tình trạng việc làm, vì vậy kết quả nghiên cứu chẳng khiến tôi ngạc nhiên. Tôi cảm thấy dường như thông điệp chống phân biệt chủng tộc tại nơi làm việc vẫn chưa được thông qua, mặc dù Đạo luật chống Phân biệt chủng tộc đã có từ lâu. Điều đó thật đáng buồn.”
Báo cáo Gari Yala đã đưa ra mười đề xuất để giúp tập trung tiếng nói của người Thổ dân và tạo ra môi trường làm việc hòa đồng. Đề xuất bao gồm cam kết hành động dựa trên những sự thật khó chịu, bảo đảm người thổ dân Úc là trung tâm của cộng đồng và nhân viên không phải Thổ dân được hướng dẫn những cách tương tác phù hợp với nhân viên là người Thổ dân và Dân đảo Torres.
Bà Young nói rằng những khuyến nghị như vậy sẽ mang lại lợi ích cho cả chủ lao động và người lao động.
“Không ai muốn nghe những câu như "bạn đẹp hơn so với người thổ dân", " nhìn bạn không giống thổ dân" hoặc "bạn chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ" hoặc là những câu tương tự. Những lời như vậy thực sự gây tổn thương sâu sắc và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Quyết định thôi việc còn dễ dàng hơn so với nỗ lực chống phân biệt đối xử, nhất là khiếu nại, bởi quá trình khiếu nại rất khó khăn. Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyên các nhà tuyển dụng nên xem xét nơi làm việc của họ và tìm hiểu lý do tại sao họ không giữ được nhân viên là người thổ dân. Bởi vì chủ lao động không muốn như vậy. Họ không muốn nhân viên thôi việc. Họ muốn có nhân viên phục vụ lâu dài và họ muốn môi trường làm việc hiệu quả.”