Những người báo cáo trực tiếp với Scamwatch đã mất trung bình 19.654 USD vào năm 2022 – tăng 54 phần trăm so với mức 12.742 đô-la được báo cáo vào năm 2021. Nguồn: AAP / Julian Smith

 

Người Úc đã mất hơn 3 tỷ đô-la vào tay những kẻ lừa đảo trong năm 2022. Dưới đây là một số hình thức lừa đảo mới cần đề phòng trong năm nay.

 

Theo bản phúc trình Targeting Scams mới nhất của ACCC, người tiêu dùng Úc đã báo cáo số vụ lừa đảo trị giá hơn 3 tỷ đô la trong năm 2022. Con số này tăng khoảng 1 tỷ đô la so với năm 2021.
 

Khoảng một nửa trong số 3 tỷ đô la thiệt hại trong năm 2022 là những vụ lừa đảo đầu tư (investment scheme) – tăng hơn gấp đôi so với con số 701 triệu đô la trong năm 2021.

 

Xếp thứ hai là các hình thức lừa đảo truy cập từ xa (remote access scheme) – trong đó kẻ lừa đảo thuyết phục nạn nhân cấp quyền truy cập vào máy tính cá nhân – gây thiệt hại khoảng 229 triệu đô la. Và tiếp đó là lừa đảo chuyển hướng thanh toán (payment redirection scam).

 

Những người trình báo cho Scamwatch đã mất trung bình $19.654 – tăng 54% so với $12.742 trong năm 2021.

 

Báo cáo cũng cho thấy những người từ 65 tuổi trở lên thường bị thiệt hại tài chính nhiều nhất. Người Úc bản địa, người khuyết tật và những người có nguồn gốc đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ cũng dễ trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo.

 

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tin nhắn điện thoại là phương tiện phổ biến nhất để những kẻ phạm tội nhắm đến nạn nhân. Và trong khi chuyển khoản ngân hàng là cách phổ biến nhất trong những vụ lừa đảo, thì chuyển khoản bằng tiền điện tử ngày càng trở nên phổ biến hơn – tăng 162,4% trong một năm.

 

Tuy nhiên, các vụ lừa đảo qua điện thoại đã giảm bớt, có lẽ là do các biện pháp ngăn chặn của chính phủ.

 

Những kẻ lừa đảo luôn tìm những cách mới để đánh lừa mọi người và điều này thường liên quan đến việc cố gắng xây dựng mối quan hệ. Michael Lucy. Nguồn: The Conversation.

 

 

Các xu hướng lừa đảo cần lưu ý

Bản phúc trình Targeting Scams cho thấy mặc dù người dân đang nhận thức rõ hơn về các hình thức lừa đảo phổ biến, bọn tội phạm cũng đang điều chỉnh cách thức để ngày càng trở nên tinh vi hơn.
 

Sau đây là 5 xu hướng lừa đảo mới mà người dân cần lưu ý.

 

1. Lừa đảo tình cảm

Tên tiếng Anh là “romance baiting”, “cryptorom” hoặc “pig butchering”, trò lừa đảo này là sự kết hợp giữa lừa đảo đầu tư và lừa đảo tình cảm truyền thống.
 

Trước tiên, kẻ lừa đảo bắt đầu mối quan hệ với nạn nhân – thông qua các ứng dụng hẹn hò, trang web hoặc nền tảng mạng xã hội. Khi đã tạo được lòng tin, chúng khuyến khích nạn nhân bỏ tiền vào một cơ hội đầu tư, thường là tiền điện tử. Sau đó, nạn nhân sẽ vô tình chuyển tiền cho kẻ phạm tội dưới một vỏ bọc khác.
 

Hình thức lừa đảo này ít gây nghi ngờ hơn là trực tiếp hỏi mượn tiền, vả nhắm vào đối tượng trẻ hơn so với lừa đảo tình cảm truyền thống.

 

2. Lừa đảo mua sắm trực tuyến

Những kẻ phạm tội thường tạo ra những trang web giả mạo và quảng cáo sản phẩm trông giống như thật, nhằm thu thập thông tin thẻ ngân hàng của nạn nhân.
 

Thường thì các trang web giả mạo này chỉ có những điểm khác biệt rất nhỏ so với trang web thật, khiến người tiêu dùng khó phân biệt.
 

Lừa đảo mua sắm trực tuyến nhắm vào nhiều nhóm người khác nhau, và xảy ra trên các trang web độc lập, nền tảng mạng xã hội, và trang bán hàng trực tuyến.

 

3. Lừa đảo việc làm

Sau đại dịch COVID-19, ngày càng có nhiều người lao động tìm kiếm những công việc tại nhà và giờ giấc làm việc linh hoạt, và những kẻ lừa đảo đã lợi dụng điều này bằng cách đăng những mẩu tin tuyển dụng hấp dẫn với mức thu nhập cao.
 

Các nạn nhân bị lừa nộp sơ yếu lý lịch và thông tin cá nhân, hoặc được yêu cầu trả trước chi phí đào tạo hoặc tài liệu cho một công việc không có thật.
 

Lừa đảo việc làm thường nhắm vào những người trẻ tuổi, vì họ có nhiều khả năng bị thất nghiệp và không có tài chính ổn định sau đại dịch.

 

4. Lừa đảo đòi nợ

Nạn nhân của các vụ lừa đảo thường sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành động nào có thể để lấy lại số tiền đã mất.
 

Lợi dụng điều này, những kẻ tội phạm sẽ trao đổi thông tin của các nạn nhân với nhau, sau đó giả làm cơ quan chức năng, ngân hàng hoặc công ty tư nhân, và đề nghị giúp nạn nhân lấy lại số tiền đã mất với một khoản phí.
 

Như vậy, nạn nhân không những không thể lấy lại tiền, mà còn mất thêm tiền một cách vô ích.

 

 

5. Lừa đảo truy cập từ xa

Nhận được một cuộc điện thoại từ một “kỹ thuật viên máy tính” thông báo về “một vấn đề với máy tính của bạn” và đề nghị sửa chữa nó là chuyện không hề xa lạ đối với nhiều người. Thế nhưng phương thức lừa đảo này đã trở nên phổ biến trở lại vào năm 2022, và đặc biệt nhắm vào những người cao tuổi.
 

Những kẻ lừa đảo thường tạo cảm giác cấp bách về việc cần phải “khắc phục vấn đề” và thuyết phục nạn nhân cấp quyền truy cập từ xa vào máy tính của họ.
 

Sau đó, chúng có thể truy cập trực tiếp vào tài khoản ngân hàng để chuyển tiền và tiếp cận vô số thông tin cá nhân để phạm tội đánh cắp danh tính trong tương lai.

 

 

Chính phủ cần hành động để bảo vệ công chúng

Cùng với sự phát triển của công nghệ như ChatGPT và các phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo hình ảnh và video, các vụ lừa đảo cũng sẽ gia tăng.

 

Bản phúc trình mới nhất của Scamwatch cho thấy các ngân hàng và tổ chức tài chính cần thực hiện các biện pháp giúp giảm bớt thiệt hại từ các vụ lừa đảo, chẳng hạn như kiểm tra tên tài khoản và số BSB trong tất cả các giao dịch. Vương quốc Anh hiện có chính sách xác nhận người nhận thanh toán để làm điều này.

 

Chính phủ đang có ý định sửa đổi chiến lược an ninh mạng và thành lập Trung tâm Phòng chống Lừa đảo Quốc gia. Đây là những bước đi tích cực, nhưng rõ ràng chính phủ cần hành động nhiều hơn.