Hình ảnh được cắt từ 1 đoạn truyền hình của Kylie-Gillbert hồi năm 2017, cô là học giả của Đại Học Melbourne – University of Melbourne, về Trung Đông. Nguồn: AAP

 

Một học giả người Úc đang lãnh án 10 năm tù giam vì tội gián điệp tại Iran đã được giới chức nước này cho phép lãnh sự Úc tới viếng thăm cô, khi phúc trình cho hay tình trạng sức khỏe của cô đang nguy kịch. Điều này xảy ra giữa lúc những người ủng hộ cô Kylie Moore-Gilbert tổ chức một chiến dịch kêu gọi chính phủ liên bang hãy giúp cô được thả tự do. Tiến sĩ Moore Gilbert trước nay vẫn luôn bác bỏ mọi cáo buộc.

 

Nhà nghiên cứu Jessie Moritz luôn xem Tiến sĩ Kylie Moore-Gilbert, người Úc gốc Anh đang bị bỏ tù tại Iran, như một người bạn và một đồng nghiệp của mình.

 

Sau gần hai năm, cô nói rằng đơn giản là cô không thể im lặng thêm nữa.

 

 ‘Mọi bằng chứng được công khai đều cho thấy sự im lặng hữu hảo sẽ không hiệu quả, vì vậy đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định, bằng chính lương tâm của mình rằng chúng tôi không thể im lặng thêm nữa.’

 

 

Tiến sĩ Moritz, cùng với các đồng nghiệp khác của Tiến sĩ Moore-Gilbert, đã thành lập một trang mạng mang tên "Free Kylie", nghĩa là hãy thả tự do cho Kylie, nhằm thu hút công chúng về vụ án của bạn cô.

 

Hành động này xảy ra ngay sau khi có tin cho hay nhà nghiên cứu về Hồi giáo này đã bất ngờ bị chuyển đi từ nhà tù Evin sang nhà tù Qarchak, một trong những nhà tù khét tiếng nhất tại Iran, hồi đầu tuần này.

 

Bà Elaine Pearson, thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Human Rights Watch đang kêu gọi chính phủ Úc ít nhất hãy bảo đảm rằng Tiến sĩ Moore-Gilbert có thể được đưa trở lại nhà tù Evin, cũng như được trao một thẻ điện thoại để cô có thể liên lạc với những người thân yêu.

 

 ‘Tôi nghĩ sẽ càng tồi tệ hơn khi cô ấy bị chuyển đến nhà tù Qarchak, nơi có điều kiện khắc nghiệt đối với rất nhiều tù nhân, và tiêu chuẩn vệ sinh còn tệ hại nữa. Giữa mùa dịch bệnh này, khi ta biết rằn Iran đang thực sự vật lộn với virus, thì đây không phải là một dấu hiệu tốt.’

 

Tiến sĩ Moore-Gilbert bị bắt vào cuối năm 2018, tại sân bay Tehran, sau khi cô đến Iran tham dự một hội nghị khoa học.

 

Được biết là những người tham dự hội nghị và một nhân vật mà cô đã phỏng vấn cho nghiên cứu của cô, đã cho rằng cô 'đáng nghi ngờ'.

 

Cô bị kết tội gián điệp tại một phiên tòa bí mật.

 

Không một bằng chứng nào về sự kết tội này được công khai.

 

Đồng nghiệp và cũng là một người bạn của cô, cô Marika Sosnowski nói những gì đã xảy ra với Kylie Moore-Gilbert khiến mọi người ở quê nhà đều bất ngờ.

 

‘Đây là một phần của những gì chúng tôi phải làm, đó là chúng tôi đặt câu hỏi để lấy thông tin, dĩ nhiên chuyện này có thể xảy ra với bất kỳ người nào trong chúng tôi, và nó cũng không chỉ xảy ra tại Trung Đông mà thôi, nhưng chắc chắn là ai trong chúng tôi cũng có thể bị.’

 

Tổng trưởng Tài chánh Mathias Cormann nhắc lại cam kết của chính phủ liên bang trong việc giải quyết trường hợp của Tiến sĩ Moore-Gilbert.

 

 ‘ Đây là một tình huống tồi tệ, dĩ nhiên là chúng tôi rất lo lắng và chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể, để cung cấp các mức hỗ trợ phù hợp. Như tôi đã nói, đây là một trong những vụ án có mức độ ưu tiên cao nhất trên thế giới hiện nay.’

 

Bộ Ngoại giao đã xác nhận trong một tuyên bố với đài SBS rằng: Chính phủ Iran đã khuyến nghị Đại sứ Úc tại Iran sẽ được phép đến thăm cô.

 

Truyền thông nhà nước Iran cho biết đêm qua rằng Tiến sĩ Moore Gilbert ‘hoàn toàn khỏe mạnh’, còn những người ủng hộ cô cho rằng tuyên bố này không thể tin được.

 

Cô Jessie Moritz nói rằng cô hy vọng chính phủ liên bang có thể bảo đảm một thỏa thuận chính trị với Iran trước khi quá muộn.

 

‘Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể trải qua những gì cô ấy đã trải qua, mà không phải chịu đựng lớn lao. Tôi biết cô ấy là một người rất kiên cường, cô ấy rất thông minh nữa. Được biết là một trong những nguyên nhân khiến cô bị trừng phạt là vì cô đã khuyến khích những nữ tù nhân khác cùng tụng ca để giữ vững tinh thần. Mẫu người của cô là như vậy đó.’