Một số lượng lớn visa chưa được giải quyết. Nguồn: SBS

 

AUSTRALIA - Chính phủ Albanese dành ưu tiên cho việc giải quyết các visa tồn đọng kể từ khi lên nắm quyền, khi thời gian chờ đợi kéo dài đối với các ứng viên và chủ doanh nghiệp, vốn mong đợi nhân viên có tay nghề điền vào chỗ thiếu hụt. Bộ Nội Vụ cho SBS News biết, họ đang gia tốc khả năng để đáp ứng với các thách thức, bằng cách chuyển thêm nhân viên vào lãnh vực nầy. Thế nhưng không chắc là điều này sẽ mang lại kết quả sớm sủa hơn.

 

Abdo Gamal Taher là một kỹ sư từ Yemen và theo đuổi sự nghiệp tại Nairobi thuộc Kenya, sau khi trốn chạy cuộc nội chiến tại quê nhà.

 

Ông cho biết, ước mơ của ông hiện nay là mang các kiến thức đến Úc.

Ông Abdo Gamal Taher nói “Đây là một cơ hội bằng vàng và cuối cùng, chúng tôi không phải là gánh nặng cho nền kinh tế Úc, mà lại đóng góp vào đó”.

 

Ông nạp đơn xin visa với bằng tốt nghiệp kỹ sư, hồi tháng 5 năm 2019.

 

Thế nhưng ông chờ đợi mà không được chấp thuận, mặc dù nước Úc rất cần nhiều kỹ sư có khả năng.

Ông nói "Lý do chúng tôi phải lên tiếng là do tiến trình duyệt xét hoàn toàn chậm chạp, các ứng viên bị kẹt trong đó".

"Thay vì nước Úc có thể hưởng được lợi ích từ đó, mà nay quả là một phần quan trọng nhất”.

 

Được biết tình trạng duyệt xét visa bị kéo dài là do hậu quả của COVID-19, sau khi các tài nguyên trong Bộ Nội Vụ được hướng vào việc tăng cường đóng cửa biên giới quốc tế Úc.

 

Việc tồn đọng các đơn xin nay dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của chính phủ mới.

 

Thủ Tướng Anthony Albanese đề cập đến vấn đề nầy trong cuộc họp đầu tiên của Nội các Quốc gia, với các nhà lãnh đạo tiểu bang và lãnh thổ hồi tháng rồi.

Thủ tướng Anthony Albanese nói “Chúng tôi dồn nhân lực từ các công việc khác để thanh toán các visa tồn đọng, vốn rõ ràng là nhu cầu cần thiết và là cách thức dễ dàng nhất để tạo nên sự khác biệt tức khắc”.

 

Trong khi đó phát ngôn nhân của Bộ Nội Vụ nói với SBS News rằng, Bộ đang phát triển một năng lực gia tốc, bao gồm các nhân viên từ khắp Bộ và Lực lượng Biên phòng Úc, để tăng cường hơn nữa khả năng giải quyết visa của mình.

 

Điều đó được kỳ vọng sẽ giúp giảm số lượng hồ sơ được Chính phủ xác định là ưu tiên.

 

Bộ cho biết, có thêm nhân viên đã được điều động trong sáu tháng qua, tập trung vào việc giải quyết các đơn xin visa

 

Trong khi đó các nhà lãnh đạo tiểu bang và vùng lãnh thổ đã lên tiếng lo ngại rằng, tình trạng tồn đọng đang cản trở nỗ lực giải quyết việc thiếu kỹ năng kinh niên.

 

Ông Joey Scandizzo cho biết, thẩm mỹ viện ở Melbourne của ông, nằm trong số những doanh nghiệp đang tìm kiếm những người có visa có tay nghề cao, cho cơ sở.

Ông nói “Nếu chúng tôi nhận được chính phủ hỗ trợ, như có thêm một số thợ uốn tóc, thì sẽ dễ dàng hơn cho chúng tôi phát triển và bù lại những lỗ lã chúng tôi gánh chịu trong 2 năm đóng cửa”.

 

Còn với bà Fiona Simson Chủ tịch Liên Đoàn nông Dân Toàn quốc nói rằng, ngành nông nghiệp cũng đối phó với nạn thiếu lao động.

Bà Fiona Simson nói “Quả hết sức thất vọng cho các nông dân nữa, vào thời điểm mà chúng tôi thiếu hụt nhân lực, thì lại có những người phải chờ đợi tại xứ sở của họ để visa được duyệt xét có thể mắt nhiều tháng trời”.

 

Với chuyên viên di trú và là luật sư Ben Watt, đó là nỗi thất vọng quen thuộc khi tiếp xúc với khách hàng.

Ben Watt nói “Không chỉ thất vọng mà còn hơn nữa, đó là một tiêu hao lớn lao cho cuộc sống con người và khả năng tiến bước trong việc định cư, cũng như có kế hoạch cho tương lai”.

 

Thế nhưng bất chấp hứa hẹn của chính phủ Albanese khi nhấn mạnh việc giải quyết các tồn đọng visa là một ưu tiên, cựu Tổng Thư Ký Bộ Di trú là ông Abdul Rizvi cho biết, có thêm nhiều tài nguyên không có nghĩa là thách thức sẽ được giải quyết dễ dàng.

Ông Abdul Rizvi nói “Việc nầy sẽ mất thời gian và chúng tôi sẽ có ý tưởng tốt hơn về việc chính phủ làm thế nào trong bản ngân sách vào tháng 10, trong đó sẽ đề cập đến các vấn đề quan trọng".

"Chúng ta cần nhớ, Bộ đã loan báo có thêm 30 ngàn visa có tay nghề năm nay".

"Đó là việc phấn đấu để có đủ nhân lực, hầu giải quyết những gì tồn đọng từ năm rồi”.

 

Ngoài ra nhu cầu về vissa nhân đạo bao gồm những người Afghanistan, cũng là một áp lực khác cho cả hệ thống.