Vắc-xin ngừa viêm màng não cầu khuẩn ACWY (Men ACWY) được cung cấp miễn phí cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, theo Chương trình Chủng ngừa Quốc gia Úc. Ảnh: unsplash
Cư dân NSW và Victoria được kêu gọi cảnh giác với các triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu sau khi mới xảy ra nhiều trường hợp mắc bệnh và ba người tử vong.
Chú ý và hành động ngay lập tức nếu có các triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu, đó là lời khuyên của giới chức y tế NSW và Victoria đối với cộng đồng.
Thông báo được Bộ Y tế NSW đưa ra sau khi có thông báo về ba trường hợp mới nhiễm gần đây.
Đáng buồn thay, một phụ nữ trong độ tuổi năm mươi ở Sydney mới qua đời vì bệnh viêm màng não mô cầu.
Hai người khác, một thiếu niên ở Sydney và một người độ tuổi 60 đến từ Central Coast, được chẩn đoán mắc bệnh. Hai người này hiện đang hồi phục và các nhà chức trách tin rằng các trường hợp nêu trên không liên quan với nhau.
Cho đến nay, đã có 19 trường hợp mắc bệnh viêm màng não mô cầu được báo cáo ở NSW. Phần lớn các trường hợp là do nhiễm trùng não mô cầu B.
Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế NSW, Tiến sĩ Christine Selvey, cho biết bệnh viêm màng não mô cầu là một bệnh hiếm gặp mà trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi, thanh thiếu niên và thanh niên có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Mặc dù việc tiêm vắc-xin cho các nhóm tuổi này đã giúp giảm số trường hợp nhiễm bệnh mỗi năm, nhưng vắc-xin không ngừa được tất cả các chủng vi khuẩn não mô cầu. Hơn nữa, mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh. Vì vậy, mọi người được khuyên nên nhận biết các triệu chứng để có thể hành động nhanh chóng.
Tiến sĩ Selvey cho biết: “Bệnh viêm màng não mô cầu có thể rất nghiêm trọng, nhưng điều trị sớm sẽ cứu được mạng sống, vì vậy điều quan trọng là phải nhận biết sớm các triệu chứng.”
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng NSW cảnh giác với các triệu chứng, ngay cả khi họ đã chích ngừa, và nếu họ lo lắng thì hãy tìm trợ giúp y tế sớm.”
Tại Victoria, tính đến ngày 8 tháng 6 năm 2023, đã có tổng cộng 7 trường hợp mắc bệnh viêm màng não mô cầu, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Hai người đã chết là một em bé 1 tuổi và một người ở độ tuổi 90.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều ở độ tuổi từ 15 đến 20 và bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu nhóm huyết thanh (chủng) B.
Trong khi trẻ em được chích ngừa miễn phí các chủng viêm màng não mô cầu A, C, W và Y theo Chương trình Chủng ngừa Quốc gia do liên bang tài trợ, thì chủng B là một loại vắc-xin tùy chọn mà các gia đình phải trả lên tới $360 cho mỗi đứa trẻ. Nếu trẻ dưới một tuổi cần tiêm ba liều, trẻ trên một tuổi thì hai liều, với chi phí khoảng 120 đô-la mỗi liều.
Sốt đột ngột là một trong những triệu chứng đầu tiên của viêm màng não mô cầu. Source: unsplash
Triệu chứng viêm màng não mô cầu
Bệnh viêm màng não mô cầu có thể gây tử vong trong vòng vài giờ nếu không được điều trị. Nhận biết các triệu chứng sớm có thể giúp ngăn ngừa tử vong hoặc tàn tật suốt đời.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sốt đột ngột
- Đau đầu
- Cứng cổ
- Mệt mỏi
- Đau khớp hoặc đau nhức chân tay
- Không thích ánh sáng
- Buồn nôn và ói mửa
- Lú lẫn và giảm ý thức
- Khóc lớn ở trẻ sơ sinh, bú kém, da nhợt nhạt hoặc có vết thâm, mệt mỏi và buồn ngủ.
- Phát ban các đốm hoặc vết bầm màu tím đỏ, có thể xuất hiện sau các triệu chứng khác.
Tiến sĩ Christine Selvey nói “Nếu các triệu chứng xấu đi nhanh chóng, hãy gọi 000 hoặc đến thẳng khoa cấp cứu gần nhất của bạn, đừng chần chờ.”
Ai có nguy cơ bệnh?
Bệnh viêm màng não mô cầu có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng một số nhóm nhất định có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, chẳng hạn như:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi.
- Người từ 15 đến 24 tuổi.
- Người tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm màng não mô cầu.
- Người chưa chích ngừa viêm màng não mô cầu.
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Người hút thuốc.
- Người bị nhiễm trùng đường hô hấp gần đây, như bị cúm và COVID-19.
Từ năm 1997 đến 2016, bệnh viêm màng não mô cầu đã gây ra 396 ca tử vong ở Úc. Gần một phần ba trong số này là trẻ em dưới năm tuổi, theo Viện Y tế và Phúc lợi Úc.
Bệnh lây lan thế nào?
Bệnh viêm màng não mô cầu xảy ra thường xuyên hơn vào mùa đông và mùa xuân. Nhiễm trùng đường hô hấp và hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu.
Vi khuẩn não mô cầu có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc với các giọt nước bọt nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết mũi và họng. Điều này có thể xảy ra khi tiếp xúc gần, thân mật và kéo dài, chẳng hạn như giữa các thành viên trong gia đình.
Một số người mang vi khuẩn não mô cầu trong mũi và cổ họng mà không phát bệnh. Điều này xảy ra thường xuyên hơn ở thanh thiếu niên và thanh niên, tuy họ không phát bệnh nhưng có khả năng lây vi khuẩn sang người khác.
Phòng ngừa viêm màng não mô cầu
Theo Chương trình Chủng ngừa Quốc gia, vắc-xin ngừa viêm màng não cầu khuẩn ACWY (Men ACWY) được cung cấp miễn phí cho trẻ sơ sinh 12 tháng tuổi, thanh thiếu niên và người ở mọi lứa tuổi đang mắc một số bệnh nhất định.
Tại NSW, liều vắc-xin dành cho thanh thiếu niên được cung cấp thông qua chương trình tiêm chủng tại trường học vào Lớp 10.
Theo khuyến cáo của giới chức y tế, bất cứ ai có các triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu nên tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.
Ngoài ra, mọi người cũng được khuyên phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp bằng cách cập nhật các loại vắc xin được khuyến nghị, chẳng hạn như vắc xin cúm mùa và vắc xin COVID-19.