Cháy rừng là chuyện thường xảy ra ở Úc, vì vậy biết phải làm gì có thể cứu mạng bạn. Nguồn: AAP
AUSTRALIA - Hiện đã có một Hệ thống Đánh giá Nguy cơ Hỏa hoạn mới và Hệ thống Cảnh báo Khẩn cấp được tiêu chuẩn hóa trên toàn quốc. Hai hệ thống này nhằm giúp cộng đồng và các cơ quan ứng phó khẩn cấp hiểu được rủi ro, chuẩn bị và ứng phó với các sự kiện nguy hiểm khác nhau, bao gồm cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy, bão và nhiệt độ cao. Sau đây là ý nghĩa của các mức độ nghiêm trọng và những gì bạn nên làm đối với từng mức độ.
Vào tháng 12 năm 2019, Úc đã gây chú ý trên toàn cầu về vụ cháy rừng thảm khốc tàn phá đất nước suốt “Mùa hè đen tối”.
Chỉ vài tuần sau khi ngọn lửa thiêu rụi những vùng đất rộng lớn, một số cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đám cháy lại chìm ngập trong nước, do mưa và bão dữ dội khiến mạng lưới sông bị tràn.
Rob Webb là Giám đốc điều hành của Hội đồng Quốc gia về Dịch vụ Cứu hỏa và Khẩn cấp tại Úc và New Zealand (AFAC). Ông cho biết hơn 30 dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp của tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc đã làm việc cùng nhau để tìm ra cách tiếp cận phối hợp nhằm liên lạc, chuẩn bị và ứng phó tốt nhất với tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai ngày càng tăng.
“Úc là một nơi tuyệt vời để sống và thưởng ngoạn trong suốt cả năm, nhưng chúng ta cũng có những giai đoạn thiên tai với đủ loại thời tiết khác nhau."
“Khi khí hậu thay đổi, chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều thảm họa phức tạp hơn, khi các thảm họa đang xảy ra nối tiếp nhau hoặc đang xảy ra trên những khu vực rộng lớn hơn. Do đó chúng tôi ngày càng thấy rằng phải chia sẻ tài nguyên giữa các biên giới của mình.”
Ảnh: AAP
Úc vừa cập nhật và đơn giản hóa các hệ thống cảnh báo khẩn cấp và xếp hạng nguy cơ hỏa hoạn, đồng thời giới thiệu một hệ thống theo cấp độ nhất quán trên toàn quốc.
Điều này nhằm đảm bảo cả các cơ quan ứng phó khẩn cấp và cộng đồng nói chung đều hiểu ý nghĩa của từng loại rủi ro và biết cách phản ứng trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên, bất kể bạn đang ở đâu.
Hệ thống Xếp hạng Nguy cơ Hỏa hoạn và Cảnh báo Khẩn cấp tương tự nhau, nhưng chúng được sử dụng trong các giai đoạn khác nhau của từng trường hợp khẩn cấp.
Bà Fiona Dunstan, Giám đốc Cộng đồng Quốc gia của Nha Khí tượng (BOM), giải thích sự khác biệt.
“Hệ thống Xếp hạng Nguy cơ Hỏa hoạn dành để chuẩn bị sẵn sàng cho hỏa hoạn, bao gồm mức độ nghiêm trọng hoặc mức độ lo ngại về điều kiện thời tiết và môi trường dẫn đến hỏa hoạn. Nếu ngày mai sẽ khá nóng và nhiều gió, không có mưa trong một thời gian, cỏ và thảm thực vật, tất cả cây cối đều khá khô, thì chúng tôi có thể xác định mức độ nguy hiểm hỏa hoạn. Từ đó, chúng tôi cần phải hành động để chuẩn bị trong trường hợp đám cháy bắt đầu.”
Ngược lại, hệ thống cảnh báo của Úc được sử dụng để mô tả mức độ nghiêm trọng của trường hợp khẩn cấp hoặc tai nạn đang diễn ra. Nó được sử dụng cho nhiều loại thiên tai, không chỉ cho hỏa hoạn.
Mức độ hỏa hoạn có ý nghĩa gì?
Hệ thống cảnh báo trên toàn quốc của Úc đã được giới thiệu vào tháng 12 năm 2020 và được chia thành ba loại được mã hóa bằng màu sắc.
Hệ thống Xếp hạng Nguy cơ Hỏa hoạn mới được sửa đổi đã được triển khai vào tháng 9 năm 2022 và có bốn danh mục được mã hóa màu tương tự.
Giám đốc điều hành AFAC, ông Rob Webb giải thích.
“Nó đang thay thế một hệ thống đã gần 50 năm tuổi và hệ thống mới này đơn giản hơn nhiều để cộng đồng của chúng ta hiểu được. Chúng tôi đã làm việc với cộng đồng để thiết kế một hệ thống bốn cấp độ mới, đơn giản hơn với các thao tác thực sự đơn giản cho phép mọi người chuẩn bị hành động khi họ cần.”
Elisabeth Goh là tình nguyện viên lâu năm cho Sở Cứu hỏa Nông thôn NSW. Bà nói rằng việc hiểu những cảnh báo này rất quan trọng.
“Một trong những điều mà chúng tôi luôn thấy là nhiều người không chịu rời đi, không hiểu hoặc rời đi quá muộn, chúng tôi cũng phải làm việc với họ trong những đám cháy rất dữ dội. Điều đó thực sự đang xảy ra, đang lấy đi nguồn lực từ việc chữa cháy, vì sau đó chúng tôi cần chăm sóc mọi người, hỗ trợ những người cố gắng thoát khỏi những tình huống nguy hiểm đó.”
Hệ thống Đánh giá Nguy cơ Hỏa hoạn mới, hợp nhất khoa học và dữ liệu cập nhật được đối chiếu bởi các cơ quan ứng phó khẩn cấp khác nhau và Nha Khí tượng.
Ông Webb cho biết hệ thống mới xem xét các kiểu khí hậu và thảm thực vật đa dạng được tìm thấy ở các vùng khác nhau của đất nước.
Hạng mục đầu tiên của hệ thống Xếp hạng Nguy cơ Hỏa hoạn là ‘Trung bình’ có màu xanh lá. Nó có nghĩa là đã đến lúc 'lên kế hoạch và chuẩn bị'. Hạng mục tiếp theo là 'Cao', có màu vàng, nghĩa là 'sẵn sàng hành động'.
Ông Webb cho biết với màu xanh lá cây và màu vàng, các cộng đồng được khuyến khích tìm kiếm thông tin về điều kiện thời tiết và duy trì liên lạc với các dịch vụ khẩn cấp tại địa phương của họ để cập nhật thông tin.
- Moderate (xanh lá): lên kế hoạch và chuẩn bị
- High (vàng): sẵn dàng hành động
- Extreme (cam): hành động ngay lập tức để bảo vệ tài sản
- Catastrophic (đỏ): rời khỏi khu vực có nguy cơ cháy rừng để sống sót
Hai hạng mục cao nhất trong xếp hạng là ‘Khắc nghiệt’, có màu cam và 'Thảm họa', có màu đỏ.
Ông Webb giải thích mức độ 'Khắc nghiệt' có nghĩa là bạn phải hành động ngay lập tức để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. 'Thảm họa' hoặc màu đỏ có nghĩa là cần rời khỏi khu vực có nguy cơ cháy rừng để sống sót.
“Ở mức 'hành động ngay bây giờ', có nghĩa là bạn đưa ra quyết định về những hành động của mình vào ngày hôm đó. Khi điều kiện hỏa hoạn lên đến mức ‘khắc nghiệt’, đó là lúc bạn thực sự suy nghĩ, nếu đám cháy bắt đầu, mình sẽ làm gì, kế hoạch sinh tồn trong đám cháy rừng là gì, liệu có nên ở lại vị trí đó hay không hoặc chuyển đến một nơi an toàn hơn”.
Ông Webb cho biết kế hoạch sống sót trong đám cháy rừng và cách bạn phản ứng sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.
Mặc dù một số khu vực đông dân cư của Úc dễ bị hỏa hoạn trong những tháng nóng hơn, thì các khu vực khác của đất nước, chẳng hạn như phía bắc, lại xảy ra hỏa hoạn trong mùa đông.
“Hoàn cảnh sẽ khác nhau tùy theo từng người, căn nhà của bạn được chuẩn bị tốt đến đâu. Nếu bạn nghe thấy dự báo ‘thời tiết khác nghiệt’ và bạn đang ở trong khu vực dễ xảy ra cháy rừng, thì đó là lúc bạn phải áp dụng kế hoạch sinh tồn trong đám cháy rừng của gia đình mình. Sau đó bạn có thể chọn rời đi, hoặc ngồi xuống với gia đình của mình và thảo luận chính xác những gì bạn có thể làm trong ngày.”
Ý nghĩa của hệ thống cảnh báo
Khi xảy ra cháy rừng hoặc mối nguy hiểm khác, Hệ thống cảnh báo 3 cấp độ của Úc sẽ bắt đầu hoạt động.
Cấp độ đầu tiên là 'Lời khuyên', có màu vàng, nghĩa là mối nguy hiểm đã bắt đầu, nhưng không nguy hiểm ngay lập tức.
Cấp độ thứ hai có màu cam được gọi là 'Theo dõi và Hành động'. Điều này nghĩa là các điều kiện đang thay đổi và bạn nên hành động để bảo vệ chính mình.
Cấp độ thứ ba là 'Cảnh báo khẩn cấp' màu đỏ, nghĩa là bạn đang gặp nguy hiểm và việc trì hoãn hành động sẽ khiến tính mạng của bạn gặp nguy hiểm.
- Advice (yellow)
- Watch and Act (orange)
- Emergency Warning (red)
Mô hình của hệ thống cảnh báo 3 mức.
Bà Dunstan cho biết việc nên phản ứng thế nào với từng cảnh báo cũng tùy thuộc vào loại trường hợp khẩn cấp.
“Trong trường hợp lũ lụt hoặc hỏa hoạn, bạn có thể cần phải di tản khỏi khu vực. Tuy nhiên, nếu mối nguy hiểm là nhiệt độ quá cao hoặc mưa đá, bạn có thể cần phải tìm nơi trú ẩn. Biết trước cách bạn và gia đình bạn sẽ phản ứng là điều quan trọng.”
“Hãy có một kế hoạch và nói chuyện với gia đình về kế hoạch đó, nếu chúng ta bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn, chúng ta sẽ làm những việc gì. Chúng ta muốn đi đâu? Chúng ta sẽ mang theo những gì ? Chúng ta sẽ làm gì với thú cưng, con cái của mình?”
“Tất cả những điều đó thực sự quan trọng trong cuộc thảo luận của gia đình hoặc trong một cộng đồng. Việc này phải diễn ra trơn tru, trước khi chúng tôi thực sự đưa ra những cảnh báo chính thức đối về thảm họa khi chúng diễn ra.”
Ông Webb nói rằng mọi người nên liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp địa phương để tìm thông tin về các loại thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra trong khu vực của họ.
“Khu vực bạn ở có bị lũ lụt không, có bị bão không, có bị hỏa hoạn không? Hiểu những rủi ro có thể xảy ra và tìm hiểu những gì bạn có thể làm để giảm thiểu những rủi ro đó. Điều này quan trọng nhất, tốn ít công sức, tốn ít thời gian để hiểu các mối nguy hiểm. Chúng có thể cứu mạng bạn lúc nguy cấp.”