Nhiều luật khác nhau ở Âu Châu đã bắt buộc phải ghi ra tuổi thọ của thiết bị điện tử. (Pexels: Tim Douglas)

 

NAM ÚC - Việc biết tuổi thọ của một chiếc điện thoại di động có thay đổi được suy nghĩ của bạn về việc mua nó không?

 

Đảng Xanh tiểu bang Nam Úc nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng.

 

Đảng Xanh tiểu bang Nam Úc đang đưa ra luật bắt buộc các nhà bán lẻ phải ghi ra "tuổi thọ" tối thiểu của sản phẩm điện tử. Điều luật này  sẽ áp dụng cho bất kỳ thiết bị nào có pin không thể tháo rời hoặc thiết bị có phích cắm điện.

 

Robert Simms, thành viên lập pháp của Đảng Xanh, nói với đài ABC rằng “Những gì luật này sẽ làm là ghi ra hạn sử dụng cho các sản phẩm điện mà tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ hoan nghênh”.

"Người tiêu dùng có quyền được biết thông tin đó. Nếu một mặt hàng chỉ có tuổi thọ một hoặc hai năm, thì điều đó sẽ được tiết lộ cho người tiêu dùng biết tại thời điểm họ quyết định mua hàng."

 

Ông Simms cho biết luật này sẽ khuyến khích mọi người mua các sản phẩm bền hơn, giảm lãng phí và ngăn chặn các công ty sử dụng thủ thuật có tên gọi là "lỗi thời theo kế hoạch định sẵn" để thúc đẩy doanh số bán hàng.

 

Ông cho biết các công ty sản xuất sẽ phải cung cấp thông tin về tuổi thọ sản phẩm của họ.

 

Ông nói: "Các công ty sản xuất biết sản phẩm của họ có thể tồn tại trong bao lâu. Họ nên cung cấp thông tin đó cho các công ty bán lẻ".

 

Robert Simms, thành viên lập pháp Đảng Xanh, đang đề xuất luật mới để các thiết bị điện tử quảng cáo tuổi thọ dự kiến ​​của chúng. (Tin tức ABC: Che Chorley)

 

Ngành bán lẻ không thích ý tưởng này. Hiệp hội các công ty bán lẻ Úc Đại Lợi - Australian Retailers Association (ARA) - cho biết họ đang có một kế hoạch cho ngành bán lẻ để đạt được mức phát thải ròng bằng không và một chiến lược quốc gia để giảm thiểu rác thải.

 

Paul Zahra, giám đốc điều hành của hiệp hội ARA, cho biết: “Tiểu bang Nam Úc có các quy định ghi nhãn riêng sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho các công ty bán lẻ ở tiểu bang Nam Úc và các công ty bán lẻ trên toàn quốc hoạt động ở nhiều tiểu bang”.

 

Các chuyên gia cho biết đề xuất của Đảng Xanh chỉ giải quyết một phần của vấn đề lãng phí điện.

 

Erin Turner, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Người tiêu dùng - Consumer Policy Research Centre - cho biết: “Người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc tìm hiểu xem một sản phẩm sẽ có tuổi thọ trong bao lâu cũng như bạn có thể làm gì nếu nó bị hỏng”.

"Chúng tôi cần phải có một cách trình bày thông tin này thực sự có ý nghĩa đối với người tiêu dùng và giúp họ so sánh được các phẩm khác với nhau."

 

Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Người tiêu dùng, Erin Turner, nói rằng đề xuất này chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. (ABC News: Eric Tlozek)

 

Bà Turner cho biết một phần của vấn đề là luật tiêu dùng của Úc không cung cấp các biện pháp mạnh mẽ cho những người đang muốn đòi quyền của mình.

Bà nói "Luật pháp của chúng ta cũng có một số lỗ hổng liên quan đến việc sửa chữa, trản hàng đòi lại tiền hoặc thay thế.”

“Các doanh nghiệp không phải đối mặt với các hình phạt nếu họ không tuân theo luật đó, điều mà tôi nghĩ là vô lý.”

“Điều luật mà không có hình phạt chỉ là điều hên xui may rủi.”

"Nếu chúng ta muốn mọi người có được các sản phẩm có tuổi thọ lâu bền hơn, luật tiêu dùng của chúng ta cần phải có sức mạnh và quyền hạn mà nó cần."

 

Đảng Xanh đã trích dẫn nhiều luật và đề xuất khác nhau ở Âu Châu quy định rằng các sản phẩm điện tử phải có thể sửa chữa được, không được thiết kế với tuổi thọ hữu hạn, và bắt buộc phải ghi ra tuổi thọ dự kiến ​​của sản phẩm.

 

Năm ngoái, Ủy hội Năng suất của Úc Đại Lợi (Australia's Productivity Commission) đã công bố một báo cáo mở rộng về "Quyền sửa chữa", khuyến nghị chính phủ đưa ra các bảo đảm đối với các công ty sản xuất phải cung cấp các bản cập nhật phần mềm (nhu liệu/software) liên tục trong khoảng thời gian hợp lý.

 

Đảng Xanh tin rằng đề xuất của họ sẽ làm cho nhiều người bớt vứt đi các thiết bị điện tử. (ABC News: Danielle Bonica)

 

Ủy hội cũng khuyến nghị cải thiện cách người tiêu dùng có thể khẳng định quyền của họ đối với các mặt hàng sửa chữa được, hoặc thay thế được, và đề xuất sửa đổi luật bản quyền để giúp truy cập thông tin sửa chữa dễ dàng hơn.

 

Họ cho biết các thị trường cụ thể, chẳng hạn như điện thoại di động và máy tính bảng, cần điều tra thêm để xem liệu có cần thêm quy định hay không.

 

Điều quan trọng là ủy hội khuyến nghị đưa ra một kế hoạch ghi nhãn: "cung cấp thông tin về tính chất có thể sửa chữa được và/hoặc độ bền của thiết bị điện tử cho người tiêu dùng biết. Một kế hoạch thử nghiệm nên nhắm mục tiêu vào một số lượng thử nghiệm dành cho mặt hàng điện gia dụng và sản phẩm điện tử tiêu dùng."

 

Người tiêu dùng chấp nhận việc các thiết bị điện tử có thể nâng cấp được.

Max Hawker, một thợ sửa đồ điện, người nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ vào việc sửa chữa các thiết bị phức tạp, mà nếu không sẽ bị vứt đi, cho biết các công ty lớn sản xuất thiết bị điện tử không nên bị đổ lỗi hoàn toàn cho vấn đề rác thải điện tử và sự lỗi thời.

 

Anh nói “Tôi không nghĩ đó chỉ là vấn đề của các hãng công nghệ, không phải họ xấu xa và họ buộc mọi người phải nâng cấp thiết bị,”

"Chúng ta là những người tiêu dùng (ham muốn) và nghĩ trong đầu là mua mới thiết bị điện tử cho bằng với chúng bạn.”

 

Nhưng anh lại hoan nghênh việc các công ty sản xuất thiết bị điện tử chế tạo ra những sản phẩm có thể sửa chữa được dễ dàng hơn.

 

Anh nói "Chỉ cần có sẵn các phụ tùng, linh kiện. Nếu bạn mua thứ gì đó, bạn không nên bị buộc phải mua mới vào một lúc nào đó, bạn nên được trao cho các lựa chọn để thiết bị của bạn có thể được sửa chữa.”