Ủy ban hoàng gia Robodebt sẽ đề xuất các cáo buộc dân sự và hình sự đối với các cá nhân có liên quan đến kế hoạch này. Nguồn: AAP / Julian Smith
AUSTRALIA - Ủy ban hoàng gia điều tra về Robodebt đã chỉ trích kế hoạch này là “thô bạo và tàn nhẫn”, và đề nghị truy tố hình sự những cá nhân giấu tên liên quan.
Trong một báo cáo gay gắt được công bố hôm thứ Sáu, ủy ban hoàng gia cho biết kế hoạch Robodebt đã “gây tổn thương” cho người dân và đáng lẽ phải bị huỷ bỏ hoặc thay đổi sau khi bị đặt nghi vấn về tính hợp pháp vào năm 2017.
Báo cáo không nêu tên những cá nhân bị đề nghị truy tố, nhằm tránh gây ảnh hưởng đến các phiên tòa hình sự trong tương lai.
Kế hoạch Robodebt của chính phủ Liên đảng tiền nhiệm đã yêu cầu các nạn nhân trả các khoản tiền mà họ không hề nợ, sau khi xác định sai những người nợ tiền thông qua hệ thống tự động.
Ủy viên Hoàng gia Catherine Holmes đã trao bản báo cáo dài 990 trang, bao gồm 57 khuyến nghị, cho Tổng Toàn quyền David Hurley vào sáng thứ Sáu.
Báo cáo viết “Robodebt là một cơ chế thô bạo và tàn nhẫn, không công bằng cũng như hợp pháp, và nó khiến nhiều người cảm thấy mình như tội phạm,”
“Về bản chất, mọi người đã bị tổn thương nếu không may mắc nợ. Đó là một thất bại đắt giá của nền hành chính công, cả về con người và kinh tế.”
Ủy viên Hoàng gia Catherine Holmes chuyển báo cáo của mình tới Toàn quyền David Hurley tại Tòa nhà Chính phủ ở Canberra. Nguồn: AAP / Mick Tsikas
Báo cáo cũng cho biết “tính chất bất hợp pháp và sự tàn ác” của chương trình đã trở nên rõ ràng vào đầu năm 2017.
Báo cáo viết “Đáng lẽ nó phải bị hủy bỏ hoặc sửa đổi hoàn toàn, nhằm ngăn chặn một số lượng lớn khó khăn và khốn khổ, cũng như giảm thiểu chi phí cho chính phủ,”
“Thay vào đó, chính phủ đã tăng cường gấp đôi nỗ lực, chỉ trích những người phàn nàn trên các phương tiện truyền thông, và duy trì sự giả dối rằng trên thực tế, hệ thống không hề thay đổi.”
Trong một bức thư gửi cho Tổng Toàn quyền David Hurley ở phần đầu của báo cáo, bà Holmes viết: “Ngoài ra còn có một chương bổ sung được niêm phong không phải là một phần của báo cáo được đóng thành quyển. Chương này đề nghị truy tố dân sự và hình sự một số cá nhân.”
Uỷ ban hoàng gia đã phát hiện những gì?
Chương trình Robodebt bắt đầu vào năm 2015 và bị hủy bỏ vào năm 2020. Khoảng 721 triệu đô-la đã bị thu nhầm từ khoảng 381.000 người theo chương trình này.
Nhiều nạn nhân nói với uỷ ban điều tra rằng sau khi họ nhận được thông báo nợ, họ gặp khó khăn trong việc liên lạc với Centrelink.
Báo cáo đề nghị một số biện pháp nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương, bao gồm cải thiện dịch vụ khách hàng và sự hỗ trợ từ nhân viên xã hội, đồng thời tài trợ thêm cho các dịch vụ pháp lý miễn phí như Legal Aid.
Báo cáo viết “Lợi ích công cộng của các dịch vụ đó đã được thể hiện qua công việc của họ [trong thời gian diễn ra chương trình Robodebt”.
Báo cáo cũng đề nghị Services Australia cũng nên thiết lập “các quy trình tư vấn chân thực và dễ tiếp thu” với nhân viên của mình, đồng thời tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của họ khi các chương trình mới được thiết kế và triển khai.
Bộ trưởng Dịch vụ Chính phủ Bill Shorten gọi đây là “thất bại lớn nhất của chính quyền Úc đối với lĩnh vực an sinh xã hội”.
Đảng Lao động đã hứa sẽ thành lập uỷ ban hoàng gia trước cuộc bầu cử năm 2022 và đã thực hiện ngay sau khi giành chiến thắng.
Mục đích của ủy ban hoàng gia là điều tra xem vì sao chương trình Robodebt vẫn được thực hiện mặc dù các cơ quan chính phủ biết phương pháp tính nợ là bất hợp pháp, với những lo ngại được nêu ra ngay từ đầu.
Cuộc điều tra đã lắng nghe lời khai của các Thủ tướng tiền nhiệm Scott Morrison và Malcolm Turnbull, cùng các cựu Bộ trưởng Alan Tudge, Christian Porter và Stuart Robert.
Ông Morrison đã được cảnh báo rằng kế hoạch này là bất hợp pháp nếu không có những thay đổi lớn về mặt pháp lý, nhưng cơ quan do ông phụ trách vẫn thúc đẩy chương trình này.
Còn ông Robert thì nói rằng ông bị ép buộc phải công khai bênh vực chương trình này, mặc dù bản thân ông tin rằng cách tính nợ là không chính xác.
Các nạn nhân của Robodebt đã kể về sự lo lắng liên tục mà họ phải trải qua, cùng sự hung hăng của các cơ quan chính phủ khi đòi nợ.
Một nạn nhân đã nghỉ hưu được thông báo rằng bà chỉ có một tháng để trả $65.000 cho chính phủ liên bang, để rồi sau đó phát hiện thông báo này là không chính xác.
Một nạn nhân khác cho biết ông đã có ý nghĩ tự làm hại bản thân sau khi bị yêu cầu trả nhầm số tiền nằm ngoài khả năng tài chính của ông ấy.
Cuộc điều tra đã gặp phải một số trở ngại trong các phiên điều trần, và có lúc uỷ viên Catherine Holmes đã chỉ trích sự thiếu đầy đủ các nhân viên Services Australia trong việc cung cấp các tài liệu liên quan.
Bình luận trước đây của uỷ viên Catherine Holmes
Người đứng đầu uỷ ban hoàng gia điều tra về Robodebt là bà Catherine Holmes, cựu chánh án ở Queensland, và là người giám sát cuộc điều tra về lũ lụt ở Queensland năm 2011-12.
Bà phát biểu tại một phiên điều trần hồi tháng Hai “Mọi người đều nói rằng đó thực sự là do người khác làm, và hơi khó để tìm hiểu rốt cuộc ai đã làm việc đó”.
Bà Holmes gợi ý rằng các công chức có thể đã thông đồng để khởi động chương trình này mặc dù họ biết điều đó là bất hợp pháp, hoặc các nhân viên tại một trong hai bộ phận liên quan có thể đã không trung thực với nhau.
Cô Felicity de Somerville, một bà mẹ 35 tuổi, đã bị một công ty thu nợ lấy $11.500 từ tài khoản ngân hàng của mình vào năm 2017, liên quan đến chương trình Robodebt, nhưng đã không nhận được bất kỳ thư từ liên lạc nào từ Services Australia.
Cô nói rằng đây sẽ là một hành động “tự huỷ hoại” nếu chính phủ phớt lờ báo cáo của ủy ban hoàng gia.
Cô nói với AAP “Chính phủ nên thực hiện tất cả các khuyến nghị… sẽ thật ngây thơ và tự huỷ hoại nếu họ không làm điều đó”.
Cô De Somerville cho rằng chính phủ cần phải cải tổ Centrelink để không cho phép xảy ra “sai lầm nghiêm trọng” như vậy nữa.
Cô nói “Tôi không muốn một lời xin lỗi sáo rỗng từ những người liên quan để cứu vãn danh tiếng của họ trước công chúng.”
Điều gì đã xảy ra trước đây?
Đã có rất nhiều cuộc điều tra về chương trình thu nợ tự động Robodebt kể từ khi nó được áp dụng, và Thanh tra Liên bang đã phát hiện nhiều vấn đề với chương trình này vào năm 2017.
Vào năm 2020, chính phủ đã đồng ý giải quyết một vụ kiện tập thể do 400.000 nạn nhân khởi xướng, và đồng ý bồi thường thêm 112 triệu đô-la bên cạnh các khoản hoàn trả hiện có.
Tòa án Liên bang đã kết luận kế hoạch này là bất hợp pháp và Centrelink không có cách nào để chứng minh sự chính xác của các khoản nợ.
Vào tháng 6/2021, Thẩm phán Brendan Murphy đã phê duyệt một thỏa thuận dàn xếp trị giá 1,8 tỷ đô-la. Ông mô tả chương trình này là một “chương đáng xấu hổ” trong hệ thống an sinh xã hội của Úc.