(Ảnh: SBS)
Nước Úc là nơi cư trú của hàng trăm ngàn loài động vật hoang dã, nhưng hầu hết các bác sĩ thú y của Úc chỉ được đào tạo để chăm sóc các loài đã được thuần hóa. Vì vậy, hai người yêu động vật ở Sydney đã thành lập một phòng khám lưu động dành riêng cho động vật hoang dã.
Những con thú có túi possum thường sống trong rừng, dọc theo những bờ sông và con lạch rợp bóng cây.
Nhưng hai chú possum nhỏ hiện đang cư ngụ tại đơn vị chăm sóc lưu động của Dịch vụ Động vật Hoang dã Đô thị Sydney.
Chuyên gia y học về động vật học Izidora Sladakovic cho biết đơn vị này là một phần của tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 1997 để chăm sóc các loài động vật bản địa của Úc.
"Nếu ai đó tìm thấy một con vật bị thương, họ có thể đưa nó đến phòng khám thú y và nó có thể được chăm sóc cơ bản. Nhưng điều đó có thể rất khó, bởi vì những phòng khám thú y này không được thành lập để khám động vật hoang dã, mà thường chỉ khám chó, mèo và vật nuôi của mọi người. Vì vậy, họ đang dành thời gian trong ngày để chăm sóc những động vật hoang dã này."
Kể từ tháng 1 năm 2000, tổ chức từ thiện đã hoạt động với một chiếc xe tải được chuyển đổi đặc biệt.
Phải mất nhiều năm gây quỹ, họ mới có thể biến một ngôi nhà di động bình thường thành một phòng khám di động hiện đại, có máy chụp X-quang, thiết bị xét nghiệm máu, kính hiển vi và máy siêu âm, cùng nhiều công nghệ khác.
Lynleigh Greig là người đồng sáng lập bộ phận chăm sóc di động.
Cô nói rằng ý tưởng này xuất phát từ các trận cháy rừng tàn khốc của đất nước vào năm 2019 và 2020, khi mà Quỹ Động vật hoang dã Thế giới nói rằng gần ba tỷ động vật hoang dã đã chết.
"Cùng với việc giải cứu động vật hoang dã hàng ngày, chúng tôi cũng muốn có một thứ gì đó sẵn sàng, nếu có bất kỳ l thảm họa thiên nhiên nào như cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy, bất cứ điều gì tương tự - thì chúng tôi có thể hành động ngay."
Rất may, thiên tai không xảy ra hàng ngày, vì vậy chiếc xe tải được sử dụng như một phòng khám thông thường với thời gian hoạt động thường xuyên.
Có 8 bác sĩ thú y thường xuyên tình nguyện ở đây. Người thứ chín cũng đang cân nhắc tham gia.
Lynleigh Greig nói rằng một khi tham gia, họ sẽ dành toàn bộ thời gian của họ.
"Chúng tôi có một nhóm trò chuyện giữa các bác sĩ thú y và có thể trò chuyện mọi lúc. 10 giờ tối thứ Bảy, chúng tôi nhận tin nhắn từ một trong các bác sĩ thú y: 'Các bạn nghĩ sao? Con possum đó đã đến' và mọi người hỏi, 'con nào?' "Rocky, Rocky đến rồi. Mắt của nó màu xanh biếc. Các bạn nghĩ sao? Nên làm gì với nó?" Đó là những gì chúng tôi nhắn cho nhau; là những gì các bác sĩ thú y tình nguyện dành thời gian của họ để làm. Họ không ăn tối với bạn bè. Họ lo lắng cho các bệnh nhân của mình."
Izidora Sladakovic cho biết đơn vị chăm sóc di động là đơn vị duy nhất tồn tại ở khu vực Sydney rộng lớn hơn, nơi có hàng ngàn động vật cần được chăm sóc mỗi năm.
Dữ liệu từ tháng 6 năm 2022, do Sở Kế hoạch và Môi trường New South Wales công bố, cho thấy trung bình mỗi năm tại tiểu bang này có 90.000 động vật hoang dã được bảo vệ đã bị thương, bị bệnh hoặc mồ côi.
"Tôi chăm sóc thú cưng của mọi người vào ban ngày, nhưng không có ai thực sự chăm sóc động vật hoang dã. Chúng tôi không có nguồn quỹ để chăm sóc những con vật này - và cách duy nhất để chăm sóc chúng là thông qua tình nguyện viên làm việc trong chiếc xe tải này."
Sladakovic nói rằng có một xu hướng chung khi nói đến nguyên nhân gây thương tích cho động vật là do con người.
“Chúng tôi chắc chắn thấy rất nhiều động vật bị thương do hoạt động của con người, do bị xe đụng, bị chó hoặc mèo tấn công, nuốt phải dây câu và lưỡi câu. Đó là những thứ mà chúng ta thấy rất nhiều.”
Có hàng trăm ngàn loài động vật ở Úc, vì vậy các bác sĩ thú y không bao giờ biết chính xác những gì họ sẽ gặp mỗi ngày.
Greig nói rằng không phải lúc nào động vật hoang dã cũng là những bệnh nhân hợp tác nhất.
"Có một con possum đuôi chổi cứ phóng qua bàn và nhảy ra ngoài, đại loại như vậy. Cùng may là tất cả đồ đạc của chúng tôi được chốt chặt. Có khi bệnh nhân là con kangaroo nặng 90 kg, thật thú vị khi chúng đi qua cửa."
Chiếc xe của họ di chuyển và dựng trại trên khắp Sydney, với tối đa mười động vật hoang dã có thể được khám mỗi ngày, theo lịch hẹn.
Một chiếc xe địa hình sẽ sớm đồng hành cùng đơn vị chăm sóc lưu động để đến chỗ các con vật bị thương ở những nơi mà xe tải không đến được.
Họ cũng mơ ước có một chiếc xe tải dành riêng các con vật nhỏ còn non nớt.
Ngoài việc điều trị ngay lập tức cho động vật, các bác sĩ thú y tình nguyện chỉ mong muốn một điều.
“Tôi nhớ nhất là những con vật mà tôi đã chữa trị, và những người chăm sóc hiện đang chăm sóc chúng gửi cho tôi đoạn video quay cảnh con vật đó được thả về với tự nhiên. Đó có lẽ là điều khiến tôi xúc động nhất.”